Hà Nội 360

Nông dân hối hả vào vụ hoa, cây cảnh Tết

Ngọc Quỳnh {Ngày xuất bản}

Những ngày này, tại các vườn đào, quất, hoa trên địa bàn thành phố Hà Nội, nông dân đang tất bật, miệt mài chăm chút cho vụ thu hoạch lớn nhất của năm - Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, năm nay, dự báo thời tiết diễn biến bất thường nên nông dân cần phải theo dõi sát sao để hoa không bị sâu bệnh và nở sớm trước Tết.

cham-soc-quat-canh.jpg
Chăm sóc quất cảnh tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì).

Các nhà vườn vào vụ chăm sóc mới

Trên các cánh đồng ở thôn 2, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), hiện các nhà vườn trồng quất cảnh đang chăm chút từng cây, nhằm tạo ra những cây quất có thế đẹp, độc đáo.

Theo ông Nguyễn Văn Trai ở thôn 2, xã Vạn Phúc, gia đình ông có khoảng 2.000 gốc quất cảnh, trong đó có hơn 1.200 quất chum (quất cảnh được trồng và chăm sóc trong chum).

“Hằng ngày, các hộ dân phải chăm sóc cẩn thận, từ việc giữ thế cho cây, cắt tỉa cành, hoa trái vụ và quả non kém chất lượng, đến chú ý chế độ dinh dưỡng, độ ẩm cho cây phát triển tốt nhất. Năm nay, chưa biết giá quất cao, thấp ra sao nhưng nếu sức tiêu thụ vẫn giữ ổn định như năm ngoái thì gia đình tôi có thể thu được hơn 1 tỷ đồng”, ông Trai chia sẻ.

Gia đình bà Phạm Thị Thúy ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) trồng hơn 400 cây đào. Mặc dù công việc chăm sóc được thực hiện từ đầu năm, song đến khoảng giữa tháng Tám âm lịch, gia đình bà bắt đầu gò đào để tạo dáng cho cây, đồng thời cắt tỉa cành xấu. Để cây đào có dáng thế, mẫu mã đẹp đúng vào dịp Tết, giai đoạn gò cây là thời điểm quan trọng nhất, có tính chất quyết định cho chất lượng hoa, thế cây sau này.

Tại huyện Mê Linh, một trong những “vựa hoa” của thành phố Hà Nội, trên các cánh đồng, nông dân đang miệt mài với công việc chăm sóc hoa bán hằng ngày và chuẩn bị xuống giống hoa mới, cắt tỉa cây cảnh phục vụ ngày Tết. Ông Phạm Văn Dụng ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) thông tin, ngoài chăm sóc 9 sào hoa hồng, hoa cúc bán hằng ngày, gia đình ông trồng thêm một số loại hoa, cây cảnh phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Hiện tại, cây đang trong giai đoạn cần được chăm bón kỹ càng, có đủ độ ẩm, dinh dưỡng để hoa phát triển, nở đúng dịp Tết.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của thành phố Hà Nội tăng nhanh trong những năm gần đây. Đến nay, thành phố có khoảng 7.960ha trồng hoa, cây cảnh, tập trung tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín... Khoảng 70% mô hình trồng hoa, cây cảnh đã được ứng dụng công nghệ cao về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao.

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho biết, nhờ kinh nghiệm chăm sóc và ứng dụng kỹ thuật mới, các làng hoa, vùng hoa của Hà Nội luôn đáp ứng đủ cho nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Một số mô hình trồng hoa lan công nghệ cao, hoa ly trong nhà kính, nhà lưới... cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha. Không những vậy, nông dân rất nhạy bén với thị trường, ngoài trồng đào, quất…, các hộ còn chuyển sang trồng các loại hoa trong chậu để bán vào dịp Tết.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiệt độ cao hơn năm trước, thời tiết tương đối thuận lợi đối với các hộ trồng quất nhưng không thuận lợi đối với việc trồng hoa.

Theo bà Nguyễn Thị Hợi ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), các hộ trồng hoa đang khá lo lắng vì thời tiết năm nay nóng, nếu không có kỹ thuật chăm sóc, hoa sẽ nở sớm hơn, không đúng thời điểm cần thiết, ảnh hưởng đến nguồn thu của người trồng hoa, cây cảnh. Hiện các nhà vườn thường sử dụng lưới đen để giảm mật độ ánh sáng và nhiệt độ môi trường, nhằm điều tiết thời gian phát triển của cây.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) Vũ Thị Hương, các nhà vườn cần chủ động chăm sóc hoa, cây cảnh theo hướng áp dụng biện pháp cơ học, điều chỉnh điều kiện sống của cây cho phù hợp với thời tiết; thường xuyên kiểm tra vườn hoa, cây cảnh, kịp thời xử lý một số bệnh, sinh vật gây hại thường gặp trên cây cảnh dịp cuối năm, như: Ruồi vàng, bọ trĩ, nhện đỏ... bằng phương pháp thủ công và các loại thuốc đặc trị để bảo đảm chất lượng hoa, cây cảnh, mang lại giá trị, thu nhập cao... Để hỗ trợ nông dân, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các địa phương sẽ mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh gây hại trên hoa, cây cảnh...

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các địa phương cần khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sản xuất hoa, cây cảnh trong nhà lưới, nhà kính nhằm hạn chế tác động của mưa, nắng, sâu bệnh gây hại, bảo đảm hoa, cây cảnh kịp bung nở, khoe sắc dịp Tết, mang lại giá trị, thu nhập cao. Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương hỗ trợ nhà vườn tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, mở rộng thị trường hoa, cây cảnh trong dịp Tết. Người trồng hoa cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh để ngành trồng hoa, cây cảnh trở thành một lĩnh vực mũi nhọn của nông nghiệp Thủ đô.

Ngọc Quỳnh