Xưa và nay

Quanh co ngõ nhỏ Bát Tràng

Giang Nam 02/12/2023 09:00

Đặt chân vào khu làng cổ ở Bát Tràng, không ai không ngạc nhiên trước những con ngõ nhỏ quanh co. Ngõ nhỏ, tường cao nên càng hun hút.

Không phải phiên chợ gốm ồn ã ngoài kia mà đây mới là nơi chứa đựng chuyện cũ, tích xưa, qua đó, người ta hiểu được “hồn vía” của Bát Tràng - làng cổ nghìn năm bên dòng sông Hồng.

bat-trang.jpg
Du khách tham quan làng cổ Bát Tràng. Ảnh: Linh Tâm

Làng gốm Bát Tràng gồm hai khu vực: Xóm cổ và xóm mới. “Xóm mới”, là theo cách gọi của người dân nơi đây chứ thực ra đã cũ lắm rồi. Đó là cuối những năm 1950, khi đào kênh Bắc Hưng Hải để dẫn nước sông Hồng về tưới tiêu cho một vùng rộng lớn, người dân gốc Bát Tràng phải đi nơi khác định cư.

Cùng với những ngôi nhà, những lò nung gốm cũng phải dỡ đi để phục vụ cho công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Nơi tái định cư là các xóm 3, 4, 5 ngày nay. "Phần trăm năm" của ngôi làng cổ chính là xóm 1, xóm 2.

Cách khu chợ ồn ã chỉ một quãng ngắn, những con ngõ ở xóm cổ khá yên tĩnh. Người ta vẫn sản xuất trong đó, nhưng thi thoảng mới nghe tiếng máy xay cao lanh chạy ù ì, hay tiếng lách cách của những bình những lọ gốm va vào nhau khi bốc dỡ.

Lạ kỳ nhất chính là những lối đi. Lối đi bé tới nỗi hễ nghe thấy tiếng xe máy thì lập tức phải đứng nép chặt vào tường. Thi thoảng, lại gặp một phụ nữ tảo tần đẩy những chiếc xe chở gốm trong những con ngõ nhỏ. Nhiều đoạn tường vẫn để mộc. Gạch mộc ở đây cũng là một câu chuyện khác về Bát Tràng.

Nhiều nơi, những bức tường gạch mộc sẽ lên màu rêu phong. Tường gạch Bát Tràng nung già nên rất ít rêu. Thi thoảng mới có vạt rêu mỏng mọc ở những mạch vữa, hay dưới chân tường.

Chủ lò gốm Bát Tràng chuyển sang phương thức cấp nhiệt bằng gas từ lâu. Nhưng người ta vẫn giữ lại dấu ấn của một thời các lò gốm dùng than. Ngày ấy, người ta nắm những “quả than” to bằng vốc tay, làm bẹp đi thành những “bánh than” rồi đập mạnh vào bức tường mộc để cho than mau khô. Thế rồi, vô hình trung, hình ảnh bức tường rêu phong với những bánh than trở thành nét riêng của làng gốm. Than bóc đi rồi, vệt đen vẫn ở lại trên tường, những bức tường cổ kính ấy trở thành “phim trường” độc đáo của Bát Tràng. Nhiều người mất cả giờ đồng hồ chỉ để đợi một xe gốm đi qua, để có những tấm hình gợi nét xưa cũ.

Bát Tràng ngõ nhỏ nhưng những bức tường hai bên lại rất cao, khiến các con ngõ càng trở nên hun hút. Câu chuyện tường cao cũng không phải ngẫu nhiên mà có. Bát Tràng xưa nay vẫn là làng giàu có tiếng. Xưa, người làng thường phải đề phòng giặc cướp đột nhập.

Người ta xây những bức tường cao rồi để những bình, những chậu gốm phế phẩm lớn trên đỉnh tường. Trộm vừa khó đột nhập, nếu chẳng may có cướp vào làng, người ta sẽ hô hoán, các nhà đóng chặt cửa và... đẩy những chiếc bình, chiếc chậu gốm đó xuống để đuổi cướp.

Cái đặc biệt ở Bát Tràng là trong khu xóm cổ, số người xây nhà hiện đại, nhà cao tầng là thiểu số. Nhiều người khi xây mới, cải tạo lại nhà cửa vẫn xây kiểu nhà gỗ ba gian, năm gian, vẫn những bức tường mộc, cả những chiếc cổng cũng mộc mạc như thế. Trong miên man ngõ nhỏ, không thiếu những không gian “mới mà cũ”, mang vẻ đẹp hồn hậu của làng quê.

Những con ngõ nhỏ quanh co ấy dẫn người ta đến một địa chỉ đặc biệt, mang theo niềm tự hào của người làng gốm, điều mà khách du lịch ít biết đến - văn chỉ Bát Tràng. Xưa, chỉ những làng có nhiều người đỗ tiến sĩ mới được dựng văn chỉ. Bức đại tự với ba chữ “Ngưỡng di cao” (“Trông lên cao vời vợi”, với ý nghĩa đề cao sự học) vẫn còn đó. Văn chỉ là nơi thờ các bậc tiên Nho, là nơi tưởng nhớ, ghi danh người đỗ đạt của địa phương. Nhưng kỳ lạ là tấm bia đá ở văn chỉ không được khắc một chữ nào.

Người Bát Tràng hay chữ có thâm ý riêng: Tấm bia nhắc nhở người làng luôn phấn đấu học hành, khi thành công cũng không được tự mãn. Bia vốn dùng để ghi công, nhưng với người Bát Tràng, nếu có công mà ghi thì thành khoe khoang. Người làm điều dở hay, sẽ có hậu thế phán xét bằng “bia miệng” chứ không phải khắc chữ đề bia.

Nghìn năm trước, 19 dòng họ từ làng Bồ Bát (cố đô Hoa Lư, Ninh Bình) về mảnh đất ven kinh đô Thăng Long lập nghiệp, làm nên làng gốm. Cùng với gốm, Bát Tràng còn là làng văn, nơi sinh ra 1 Trạng nguyên, 8 Tiến sĩ và 364 vị tiên Nho, tiên hiền từng đỗ Hương cống, Cử nhân, Tú tài... trong thời kỳ phong kiến. Nổi tiếng nhất trong các vị đại khoa là Trạng nguyên Giáp Hải (1506 - 1585), người từng đi sứ nhà Minh dưới thời Mạc. Văn chỉ có riêng một ngày lễ đặc biệt - Ngày hội Thánh hiền để tôn vinh những người đỗ đạt. Bây giờ, Ngày hội Thánh hiền được kết hợp với các hoạt động khuyến học của làng Bát Tràng.

Ở nhiều làng nghề, thanh niên lớn lên cứ theo nghiệp cũ cha ông mà thành thợ giỏi. Bát Tràng lại khác. Thanh niên Bát Tràng vốn thạo nghề cha ông. Nhưng không bằng lòng với nghề cổ, họ thường đi học các trường Đại học Mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp hay chuyên ngành gốm sứ ở một số trường đại học khác. Sau đó mới trở về làng tiếp tục mở mang cơ nghiệp. Truyền thống học hành đan cài vào truyền thống làng nghề là như thế. Điều đó khiến gốm Bát Tràng luôn giàu sức sáng tạo, có sự kết hợp hài hòa giữa cái mộc mạc gốm cổ với hơi thở đương đại. Nhiều nghệ nhân - nghệ sĩ có những sản phẩm gốm vươn ra thế giới.

Không đi sâu vào những con ngõ nhỏ, không nghe người Bát Tràng kể tích cũ chuyện xưa, sẽ rất khó giải thích cho sức sống của gốm Bát Tràng, của “chất Bát Tràng” trong cuộc sống hôm nay. Không phải phiên chợ ồn ã, cũng không phải những cửa hàng giới thiệu sản phẩm quy mô.

Ngõ nhỏ quanh co, ấy là nơi người ta có thể chạm vào hồn cốt của làng cổ nghìn năm này.

Giang Nam