Tín dụng ở Thăng Long - Hà Nội xưa
Ở một số tuyến phố Hà Nội, ta thường thấy các hiệu cầm đồ, một hình thức “tín dụng” có thế chấp được luật pháp cho phép. Nhưng không chỉ có vậy, ở đâu đó trên tường, cột điện hay mạng xã hội còn xuất hiện những dòng quảng cáo “cho vay không giới hạn, không cần thế chấp” của các nhóm hoạt động “tín dụng đen”. Tín dụng có từ bao giờ?
Tín dụng đã ra đời ở Việt Nam cách đây cả ngàn năm. Thời vua Lý Thái Tổ, kinh đô Thăng Long xuất hiện người cho vay bằng đồng tiền “Thuận Thiên đại bảo”. Lại có người cho vay bằng thóc, trả lãi bằng thóc, hoặc cầm cố ruộng vườn. Do ảnh hưởng tinh thần “từ bi, bác ái” của Phật giáo nên các chiếu vua ban thường có ý bênh vực kẻ yếm thế trong xã hội. Năm 1142, vua Lý Anh Tông xuống chiếu: “Những người cầm cố ruộng thục trong vòng 20 năm thì cho phép chuộc lại”.
Đến triều Lê, thương mại phát triển, kinh đô có nhiều chợ hoạt động nhộn nhịp nên có tên là Kẻ Chợ. Việc buôn bán, mở xưởng thủ công cần vốn, vì thế đã sinh ra hình thức chơi họ (hụi), một hình thức tín dụng với mức lãi nhẹ nhàng. Một người gọi là nhà cái đứng ra vận động những người thân quen góp một khoản tiền nhất định. Ai cần tiền lấy trước sẽ nhận được số tiền ít hơn và người lấy sau sẽ được một phần lãi.
Ở Thăng Long còn có người chuyên cho vay lãi. Khi cho vay, họ lập văn tự, ghi số tiền, mức lãi, thời gian trả, kèm theo hình thức phạt nếu không trả đúng hạn. Tuy nhiên, có nơi chỉ là giao ước miệng nên xảy ra tranh cãi, đánh nhau, vì thế, vua Lê Thánh Tông đã đưa ra Lê triều hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức). Luật này quy định, mức lãi tối đa không vượt quá mức 20%/năm. Nhưng có vẻ luật đứng về phía người cho vay hơn là người đi vay; điều 590 Luật Hồng Đức quy định, nếu người vay bỏ trốn thì người bảo chủ phải đứng ra trả nợ thay phần gốc, và họ có con thì con cái sẽ phải trả gốc lẫn lãi thay cho cha mẹ. Đến triều Nguyễn, Luật Hoàng Việt luật lệ cũng có điều khoản xử người cho vay và người vay rất khắt khe.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp phát hành tiền Đông Dương. Một số ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại Hà Nội trong đó có HSBC, Credit Bank, họ cho các doanh nghiệp vay vốn không cần thế chấp song không cho vay tiêu dùng. Đầu thế kỷ XX, để trốn đóng thuế cho chính quyền, Hà Nội xuất hiện nhiều nhà cho vay lãi ngầm.
Nổi tiếng nhất là nhà Bát Thiện ở phố Hàng Gai và Bát Dáy ở phố Nhà Hỏa. Hai nhà này cho vay với lãi cao, nhẹ là 3 phân/tháng, nặng là 10 phân/tháng trở lên. Nếu hết năm không trả được thì từ năm sau phải trả lãi theo số nợ gốc mới, gốc mới bao gồm gốc cũ cộng với lãi cả năm trước vào. Nhiều nhà làm ăn thất bát không trả được nợ đã phải bán nhà ra bãi sông Hồng cắm lều độ thân. Ở chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Cửa Nam có lối cho vay “tiền góp”. Tức là nếu vay một đồng hẹn một tháng trả thì mỗi ngày trả góp 5 xu. Lại có kiểu vay buổi sáng đến chiều trả cả gốc lẫn lãi. Vay theo hình thức này chủ yếu là những người buôn thúng bán mẹt, họ cần tiền để lấy hàng.
Kiểu tín dụng chơi họ của thời Lê được duy trì nhưng có nhiều điểm khác, nhà cái được miễn một suất góp. Mỗi người mua úp một chiếc bát trước mặt. Ai cần tiền thì đặt lãi cao, không cần thì đặt thấp. Mở bát ra ai đặt cao nhất thì mua được. Nhà cái thu cả các suất trong tháng để trao cho người mua được. Thấy cho vay lãi kiếm được, một số thương nhân Ấn Độ đăng ký với chính quyền mở cửa hàng cho vay ở phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào, dân chúng Hà Nội gọi là “sét ty”. Vay thì dễ dàng nhưng đến hạn chưa trả các thương nhân Ấn sẽ báo cảnh sát, theo pháp luật họ sẽ bị bỏ tù, gọi là ngồi tù nợ.
Với tín dụng ngầm, các con nợ sợ nhất là tết. Đến gần tết mà không kịp trả thì chủ nợ thuê những phụ nữ đáo để là “nặc nô” đến đòi. Ban đầu đám này ngọt nhạt, sau tăng cấp độ là chửi, nếu chưa trả thì phá phách. Và cuối cùng dọa đái vào bát hương nhà người ta nên “nặc nô” là nỗi khiếp sợ của nhà nghèo. Nửa đầu thế kỷ XX xuất hiện dòng văn học gọi là “Văn học hiện thực phê phán”. Tức là các tác giả dựa vào hiện thực xã hội giai đoạn 1930 - 1945 để viết thành tiểu thuyết, truyện ngắn.
Đề tài vay lãi không trả được phải “gán vợ, đợ con” khá nhiều nhưng tiêu biểu là truyện “Chị Dậu” của nhà văn Ngô Tất Tố và “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan. Chị Dậu cùng đường phải bán đàn chó mới đẻ nhưng không đủ tiền trả lãi vay, phải đi làm vú cho cụ cố và bị sàm sỡ. Nhân vật anh Pha ốm liệt giường cũng phải làm thuê và bị đánh. Cả hai truyện đều lên án xã hội phong kiến thực dân đã đẩy người nghèo đến đường cùng.
Thời bao cấp, cán bộ, công nhân viên nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà máy công khai góp họ nhưng không bị cho là vi phạm luật pháp vì là cách hỗ trợ nhau. Tuy nhiên ở các chợ, phố buôn bán vẫn có tín dụng đen hoạt động ngầm, bằng nhiều hình thức, sáng vay chiều trả hay vay trả lãi tháng.