Áo len của bà
Gió lạnh đã thổi ù ù từng cơn ngoài cửa sổ, đang ngồi nghĩ vẩn vơ, tôi giật mình khi nghe tiếng điện thoại đổ chuông. Là dì tôi gọi tới! Vừa nói chuyện được mấy câu dì đã vội chuyển máy cho bà ngoại.
Hôm nay, các dì về thăm, bà liền giục mọi người gọi điện ra cho tôi, hỏi xem trên Hà Nội đã lạnh chưa? Bà dặn tôi mặc đủ ấm, bà khoe hôm nay vừa lấy cái áo len tôi mua từ năm ngoái ra mặc. Cái áo màu bã trầu bà vừa nhìn đã thấy thích. Tôi nói đùa, hỏi xem bà có muốn đan áo không, tôi sẽ mua len đem về, tặng bà thêm một đôi kim đan mới nữa.
Bà nghe xong chỉ lắc đầu cười. Bây giờ mắt bà kém rồi, tay chân cũng không còn nhanh nhẹn nữa, làm sao đan áo được!
Ký ức đưa tôi về những năm tháng xa xăm của tuổi thơ. Ngày đó, chị em tôi còn bé và bà đương còn khỏe. Cuối hè đầu thu, bà đã đi mua len để đan áo cho bầy cháu nhỏ. Thấy bà xách túi len to giữa trời nắng chang chang, ai nhìn thấy cũng phải dừng lại hỏi thăm, không hiểu sao bà lại mua len từ hè, để đến khi trời gần trở rét rồi đan áo cũng được mà.
Nghe thế, bà chỉ cười! Đan áo len, cần tỉ mỉ, đâu phải ngày một ngày hai là xong, đợi đến rét mới đan thì sao kịp. Hơn nữa, phải mua từ sớm mới chọn được màu len đẹp, chất len co giãn vừa phải, không xù, áo đan lên mới bền và đẹp. Cuối thu, trong cái nắng vàng có chút hanh hao, bà ngồi dưới mái hiên với bọc len to, tỉ mẩn đan từng mũi, từng mũi để kịp đến mùa đông, đám cháu nhỏ của bà sẽ có thêm áo mới.
Bà kể, hồi còn trẻ, ông đi bộ đội, mình bà ở nhà nuôi mấy đứa con nên phải xoay xở đủ thứ. Đêm đêm, bên ánh đèn dầu, bà cặm cụi đan áo rồi đem bán. Mẹ và bác tôi đã lớn lên nhờ những cái áo len bà đan hằng đêm. Sau này, nhớ nghề đan, cứ đến cuối hè đầu thu, ngồi rảnh rỗi bà lại bắt đầu tỉ mẩn từng mũi đan áo cho đám cháu. Dẫu áo len bán ở chợ bây giờ rẻ lắm, lại đẹp nhưng bà bảo “tự tay đan nó vẫn tình cảm hơn chứ! Ngồi không cũng buồn, đan lát một tý cho mau qua ngày!”.
Nhờ bà khéo tay, chị em chúng tôi luôn có những cái áo len hoa văn vừa đẹp, lại độc đáo, không đụng hàng với bạn bè. Bà không chỉ biết đan áo len trơn, mà còn biết phối len, trộn sợi để tạo thành những họa tiết lạ mắt. Khi tôi mặc những chiếc áo bà đan đến lớp, bạn bè tôi đứa nào cũng thích mê. Có đứa còn năn nỉ tôi về nói với bà đan cho nó một cái giống thế, hết bao nhiêu tiền mẹ nó cũng trả.
Ngày ấy, chị em tôi thích ngồi bên bà, cẩn thận cuộn từng sợi len thành những cuộn tròn. Vừa đan, vừa cuộn len, ba bà cháu thủ thỉ kể biết bao câu chuyện. Chuyện của mẹ và các dì tôi thời bé, chuyện chúng tôi hồi còn đỏ hỏn, rồi chuyện của cụ ông, cụ bà từ thời xa lắm. Những người thân chúng tôi chưa từng gặp mặt dường như vẫn ở quanh đây, chưa từng rời xa.
Ngồi nhìn bà đan, tôi cũng muốn học nhưng học mãi cũng chỉ đan được mũi lên, mũi xuống và mũi kép mà thôi. Bà nói đan một cái áo, ngoài kiên nhẫn, khéo tay, còn cần cả tình yêu nữa. Áo len đan bằng tay muốn bền, đẹp thì phải giặt giũ thật cẩn thận. Tốt nhất, nên giặt bằng tay, giặt xong thì cho vào một cái khăn to, để khăn thấm nước cho áo rút bớt nước từ từ. Khi phơi cũng không được treo lên móc mà phải phơi áo theo chiều dọc trên chiếc sào to để áo không bị chảy giãn xuống.
Cuối thu, trời còn ấm áp, áo len của chị em tôi đã được bà đan xong. Háo hức mặc thử cho bà ngắm, thấy vừa vặn rồi, bà dặn mẹ cất áo vào tủ, đợi khi nào trời trở lạnh thì lấy ra mặc. Chờ mong mặc áo mới do bà đan, chúng tôi đứa nào cũng mong mùa đông đến thật mau...