Sống đẹp

Thương binh Nguyễn Hồng Phong học và làm theo lời Bác

Phạm Thị Bích Hải {Ngày xuất bản}

Chiến tranh kết thúc, thương binh Nguyễn Hồng Phong xuất ngũ trở về địa phương với những thách thức, kinh tế gia đình khó khăn.

Nhớ lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Phong đã nỗ lực cố gắng vượt qua thương tật, làm giàu cho mình, làm giàu cho xã hội và trở thành tấm gương sáng về học và làm theo lời Bác.

nguyen-hong-phong.jpg
Thương binh Nguyễn Hồng Phong hướng dẫn kỹ thuật máy cho công nhân.

Ông Nguyễn Hồng Phong sinh năm 1954, ở thôn Phù Yên, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Năm 1971, khi tròn 17 tuổi, người thanh niên trẻ Nguyễn Hồng Phong lên đường nhập ngũ tại đơn vị Trung đoàn E12 của tỉnh Hà Tây (cũ). Sau đó, ông được điều động vào chiến trường Quân khu 5. Năm 1974, ông trực tiếp tham gia chiến đấu.

Trong trận đánh với Mỹ ngụy, ông bị thương và được đồng đội đưa vào chữa trị tại Viện C17 của Quân khu 5. Đến tháng 10-1975, ông được đơn vị cho phục viên về địa phương với thương tật nặng trên người, mắt mờ, sức khỏe ngày một suy yếu. Năm đó, ông Phong được Nhà nước ghi nhận là thương binh 1/4.

Sau khi về địa phương, phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ và thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Phong đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, năm 2004, ông đã quyết định thành lập xưởng may, dạy nghề may cho con em thương, bệnh binh, người khuyết tật trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Thời gian đầu, kinh nghiệm chưa có, ông đã đi tìm tòi, học hỏi những người đi trước, những tấm gương tiêu biểu về làm nghề may mặc tại địa phương cũng như các xã bạn để trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm. Nhờ vậy, ông đã có kinh nghiệm làm ăn để phát triển kinh tế.

Đến nay, gia đình ông được xếp vào diện gia đình khá giả tại địa phương. Từ khi thành lập xưởng may đến nay, ông đã mở và đào tạo nhiều lớp dạy nghề may miễn phí cho 200 lao động địa phương là người khuyết tật, con em của thương - bệnh binh. Đa số các học viên sau khi học nghề đã thành thạo và tham gia làm việc ở các công ty may với mức thu nhập ổn định. Nhiều học viên có vốn đã mở được cửa hàng may riêng.

Hiện, cơ sở của ông Phong có 7 thợ, chuyên may đồng phục cho các học sinh trên địa bàn huyện Mỹ Đức với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cơ sở của ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương nhận khoán sản phẩm mang hàng về nhà với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Hạ Thị Hồng Hạnh - thôn Phù Yên, xã Phúc Lâm chia sẻ: "Tôi được ông Nguyễn Hồng Phong giúp đỡ dạy nghề may miễn phí từ năm 2010. Sau khi học nghề, tôi làm việc tại xưởng may, nhưng nay ông Phong giao cho máy may, mang hàng về làm tại nhà. Tôi năm nay cũng gần 50 tuổi và là một trong số hàng trăm người may mắn được ông Phong giúp đỡ, đào tạo nghề.

Nhờ sự giúp đỡ dạy nghề miễn phí của ông Phong mà những lao động nông thôn như chúng tôi có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều bạn trẻ hơn tôi còn đạt mức lương tới 7-8 triệu đồng/tháng. Chúng tôi làm việc với ông Phong nhiều năm, rất ngưỡng mộ nghị lực vượt lên thương tật của ông".

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Hồng Phong còn là một thương binh gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông tích cực phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền thôn tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phúc Lâm đánh giá rất cao những nỗ lực của ông Nguyễn Hồng Phong. Mặc dù thương tật, khó khăn nhưng ông đã không lùi bước. Bản thân ông luôn cố gắng, tự học nghề để có cuộc sống ổn định. Mấy năm nay, thương tật đã làm cho sức khỏe ông Phong giảm sút, nhưng với uy tín, trách nhiệm, ông vẫn thường xuyên liên hệ với các đối tác để nhận việc về cho công nhân làm và giao con trai, con dâu thay thế ông làm những công việc quản lý.

Mô hình kinh tế của gia đình thương binh Nguyễn Hồng Phong được coi là một điển hình tiêu biểu của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên để có cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Phạm Thị Bích Hải