Xưa và nay

Chuyện ít biết về tháp nước Hàng Đậu

Nguyễn Ngọc Tiến {Ngày xuất bản}

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 vừa qua, triển lãm sắp đặt được thực hiện bên trong tháp nước Hàng Đậu đã thu hút rất nhiều người bỏ công xếp hàng vào xem. Người xem tò mò về cấu tạo bên trong tháp, muốn biết người Pháp xây tháp nước này để làm gì và vận hành chúng như thế nào.

thap-nuoc.jpg
Khách tham quan tháp nước Hàng Đậu trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: Quang Thái

Sau khi chiếm Hà Nội năm 1882, để chống lại nghĩa quân hưởng ứng phong trào Văn thân chống Pháp, năm 1883, thực dân Pháp đã tăng viện, cho quân đóng trong thành Hà Nội và các vị trí của huyện Thọ Xương (trung tâm tỉnh Hà Nội). Để có nước dùng, quân đội Pháp trong thành cho đào giếng giống như người bản xứ. Lính Pháp ở xứ ôn đới, quen với khí hậu mát lạnh nên khi đến Hà Nội họ rất khó chịu với khí hậu nhiệt đới. Mùa hè nóng bức, họ tắm nước ao hồ nên nhiều người bị ghẻ lở. Ngày 1-11-1886, Tổng trú sứ Pháp là Paul Bert bị chết vì kiết lỵ. Hai lý do đó buộc người Pháp tính đến việc xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch.

Năm 1894, chính quyền Pháp lập Sở Máy nước, xây nhà máy đầu tiên trên khu đất thuộc 2 làng Thạch Khối và Yên Định (nay là Yên Phụ) với thiết kế ban đầu gồm 4 giếng. Trong năm này, thành phố chưa có kho xăng dầu nên nhà máy sử dụng động cơ hơi nước đốt bằng than để quay cánh quạt hút nước từ giếng lên, đưa vào bể lọc. Để nước sạch đến được nơi dùng thì phải có đường truyền dẫn, vì thế, song song với xây nhà máy, họ cho lắp hệ thống đường ống. Thời điểm đó, quân đội Pháp đóng trong thành đã xây khá nhiều nhà hai tầng làm trụ sở chỉ huy, nhà ở cho sĩ quan, những nhà này đều có phòng tắm và phòng vệ sinh. Theo nguyên lý bình thông nhau, nước ở nơi cao sẽ dồn về nơi thấp, nhà trong thành muốn dùng được nước sạch cần phải có tháp nước cao hơn. Và, cũng năm đó, họ xây tháp nước. Sở dĩ họ chọn Hàng Đậu vì đây là bãi đất mới được san lấp, từ đây vào thành rất gần. Nước từ nhà máy ở Yên Phụ sau khi được lọc theo đường truyền dẫn về tháp. Giai đoạn đầu, chiều dài của đường ống cấp nước là 21,21km, đường kính ống dẫn không quá 20cm; sau này, chính quyền mới thay bằng đường ống có đường kính lớn hơn.

Năm 1894, tường thành Hà Nội bị phá dỡ và người Pháp sử dụng đá ở đó để xây thân tháp. Tháp hình tròn, đường kính 19m, cao 25m tính đến đỉnh. Thế nhưng nhà máy Yên Phụ không có bể chứa lớn, nếu ngừng bơm sẽ không có nước, vậy nên họ phải lắp các bể chứa bằng tôn trên cao có sức chứa 1.250m3. Khi máy bơm ở Yên Phụ hoạt động, áp lực sẽ đưa nước lên các bể chứa trên cao. Từ bể chứa có đường ống dẫn vào thành, ra các phố dọc theo trục từ phố Hàng Giấy xuống khu vực quanh hồ Gươm, nơi có nhiều cơ quan công quyền. Các đường ống này có van đóng mở. Để trữ nước khi nhà máy ngừng hoạt động, quân đội Pháp đã xây bể trữ trên cao. Sở Máy nước tính toán lượng nước sử dụng trong ngày để có cách vận hành phù hợp. Năm 1896, Nhà máy nước Yên Phụ chính thức hoạt động. Từ năm 1897 - 1899, nhà máy lại đào thêm giếng có đường kính lớn, công suất tăng lên 2.500m3/ngày/đêm. Đến năm 1900, công suất Nhà máy nước Yên Phụ đạt 4.000m3/ngày/đêm.

Trong “Báo cáo tình hình Đông Dương từ 1897 - 1901” ("Situation de L’Indochine 1897 - 1901") của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, phần phụ lục có báo cáo của đốc lý Hà Nội Baille. Về nước máy, phụ lục có đoạn: “Việc cung cấp nước sạch đã hoàn toàn được vận hành và được mọi người hài lòng kể từ ngày 24/2/1900”. Thành phố cũng thương thuyết với nhà thầu để có thể sản xuất ít nhất 5.000m3/ngày đêm trong những năm tới. Năm 1901, thành phố đã lắp đặt thêm 4,77km ống, nâng tổng chiều dài đường ống dẫn nước lên 26km. Năm 1901, có 85 nhánh cho thuê bao gắn đồng hồ đo nước và 85 cột máy nước công cộng cung cấp cho các hộ gia đình không có điều kiện lắp máy tại nhà. Số thuê bao và cột máy nước công cộng không thay đổi cho đến sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Sau Nhà máy nước Yên Phụ, Hà Nội có thêm bốn nhà máy nước nữa được xây dựng là Đồn Thủy (năm 1925) với công suất 2.000 - 4.000m3/ngày đêm, Bạch Mai (năm 1931) với công suất 400 - 500m3/ngày đêm, Ngọc Hà (năm 1938) với công suất 800 - 1.000m3/ngày đêm và nhà máy Ngô Sĩ Liên (năm 1941) có công suất 4.500 - 5.000m3/ngày đêm. Tính đến Ngày Giải phóng Thủ đô 1954, Sở Máy nước Hà Nội đã có 5 nhà máy sản xuất nước sạch với tổng công suất cấp nước đạt 26.000m3/ngày đêm và một mạng lưới đường ống có tổng độ dài gần 100km. Cho đến năm 1954, 58% dân số Hà Nội (nội thành khi đó có 24.000 người) được sử dụng nước máy. Từ ngày đầu mới thành lập, Sở Máy nước Hà Nội chỉ có khoảng 50 công nhân, đến năm 1954 đã có hơn 300 công nhân làm việc tại các bộ phận sửa chữa máy, bể lọc và lắp đặt đường ống.

Năm 1960, tháp nước Hàng Đậu ngừng hoạt động. Đầu thế kỷ XXI, có nhà đầu tư lập dự án phá bỏ tháp nước để xây tòa nhà nhưng không được chấp thuận. Hiện nay, Nhà nước đã ban hành các chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa, vì thế, tháp nước Hàng Đậu có thể coi là “di sản công nghiệp”. Nếu khai thác tốt, tháp nước cổ này có thể trở thành địa chỉ văn hóa thú vị.

Nguyễn Ngọc Tiến