Xưa và nay

Chùa Ngọc Trục

Khánh Ngọc {Ngày xuất bản}

Ngọc Trục (tên chữ là Đại Phúc tự) là một ngôi chùa cổ theo hệ phái Bắc Tông, có niên đại hơn 500 năm; hiện nằm trên địa bàn tổ dân phố Ngọc Trục (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

chua-2.jpg

Theo các bậc cao niên, chùa được dựng vào thời Hậu Lê, ban đầu được làm bằng gỗ, mái lợp ngói và trát vôi. Sau này, chùa được tu bổ lại nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Năm 1992, chùa Ngọc Trục được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Ngọc Trục (tên chữ là Đại Phúc tự) là một ngôi chùa cổ theo hệ phái Bắc Tông, có niên đại hơn 500 năm; hiện nằm trên địa bàn tổ dân phố Ngọc Trục (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo các bậc cao niên, chùa được dựng vào thời Hậu Lê, ban đầu được làm bằng gỗ, mái lợp ngói và trát vôi. Sau này, chùa được tu bổ lại nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Năm 1992, chùa Ngọc Trục được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Tọa lạc trên địa thế cao ráo, quay về hướng tây nam, chùa Ngọc Trục gồm quần thể kiến trúc: Tam quan, phương đình, tam bảo, điện Phật, nhà Tổ, nhà khách, ni xá và Tuệ Tĩnh đường Đại Phúc... Trước khi trùng tu năm 1947, kiến trúc tam quan ngày nay vốn là một ngũ môn xây kiểu hai tầng tám mái; bên dưới chia thành 5 cổng (nay chỉ còn 3 cổng), hai bên là hai trụ biểu lồng đèn. Phía trên là gác chuông. Trên nóc ngoài đề 3 chữ: “Tây vọng các”, bên trong có 3 chữ “A Di Đà”.

Qua Tam quan tới một khoảng sân rộng rồi đến tòa phương đình hình vuông 4 mái; trên đỉnh có đôi rồng chầu mặt nguyệt, bốn cạnh mái đắp hình rồng uốn lượn, đầu quay về phía hổ phù, sau đuôi rồng có hai con nghê nhỏ.

Sau phương đình là tam bảo mang kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, gồm tiền đường và Phật điện. Ngoài hiên, hai bên mái tiền đường là bia thờ những người có công xây dựng chùa. Chính giữa Phật điện là gian tam bảo thờ Tam thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Thất Phật Dược Sư, Quan Âm Tống Tử... Liền kề là gian đại điện. Bên phải là gian thờ đức Quan ông, bên trái là gian thờ đức Thánh hiền. Hai bên tam bảo là hai dãy hành lang đặt tượng Thập điện Diêm vương...

Chùa Ngọc Trục hiện còn lưu giữ 50 pho tượng Phật có giá trị, được tạo tác vào khoảng thế kỷ XVIII - XIX, nổi bật là tượng Bồ tát Di Lặc cao 0,6m; tượng Tuyết Sơn cao 0,56m; tòa Cửu Long, tượng Bồ tát Chuẩn Đề... cùng nhiều mảng chạm khắc có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật. Đáng chú ý nhất là pho tượng “Cửu Long sơ sinh” có niên đại cuối thế kỷ XVIII, tạo tác tỉ mỉ hình 9 con rồng cùng diềm mây hoa lá bằng gỗ quý vây quanh đức Phật Thích Ca mới sinh làm bằng chất liệu đồng đen, tạo thành vòng hào quang rực rỡ.

Hằng năm, tại chùa Ngọc Trục có hai ngày lễ quan trọng là hội chùa vào ngày 2 tháng Hai và ngày giỗ sư tổ vào ngày 12 tháng Mười một với các nghi lễ như lễ chạy đàn, lễ khất thực, lễ phá dàn cùng các trò chơi dân gian như đấu võ, đập niêu, đu tiên...

Khánh Ngọc