Xưa và nay

Kỷ niệm 51 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (tháng 12/1972 - tháng 12/2023): Một đêm ở bến phà Chèm

Duy Ngọc 17/12/2023 08:01

Tháng 12-1972, cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân của giặc Mỹ diễn ra hết sức ác liệt. Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố miền Bắc phải hứng chịu rất nhiều trận bom rải thảm B.52 cả ngày lẫn đêm.

Người dân đi sơ tán, dân quân tự vệ của các nhà máy, xí nghiệp sẵn sàng chiến đấu. Thời kỳ này, tình hình giao thông từ Hà Nội đi các vùng phụ cận rất khó khăn. Cầu Long Biên bị đánh sập nhiều nhịp, mọi phương tiện phải qua sông bằng cầu phao, phà.

chem.jpg
Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: TTXVN

Đã qua hơn nửa thế kỷ mà thế hệ chúng tôi vẫn không thể nào quên những ngày máy bay B.52 Mỹ điên cuồng đánh phá Hà Nội.

Đêm 24-12-1972, khu dân cư nơi tôi sinh sống chìm trong bom đạn, nhà cửa đổ nát, người chết, bị thương nằm la liệt, tiếng gào khóc tang thương. Từng tốp dân quân, “thanh niên cờ đỏ” có mặt ngay khi yên tiếng bom đạn để thu dọn hiện trường đổ nát, đào bới, đưa người bị nạn đi cứu chữa.

Từ dưới hầm cá nhân nghe còi báo an, biết máy bay địch đã đi xa, tôi trở vào nhà mang vội chiếc xe đạp cùng vài thứ hành trang lên khu sơ tán. Trên đường đi qua phố Ô Chợ Dừa, bùn đất phủ kín bờ tường nhà cửa, cây cối đổ ngổn ngang, nhiều đoạn vướng hố bom tôi phải vác xe men theo vỉa hè để vượt qua. Ra khỏi thành phố, văng vẳng bên tai từ loa truyền thanh phát tin chiến thắng, báo tin quân dân Thủ đô bắn hạ thêm nhiều máy bay Mỹ. Qua đường Yên Phụ đến địa phận xã Tứ Liên (thuộc huyện Từ Liêm, nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ), trời lất phất mưa phùn. Đã rét lại có mưa nên càng thêm giá buốt. Sở dĩ phải đi vào ban đêm là do phà Chèm 8h tối mới thông.

Tôi đặt chân tới bến Chèm thì trời đã tối đen như mực. Vài ngọn đèn dầu như con đom đóm lúc ẩn lúc hiện bên các quán nước. Chợt một hồi còi báo động rú lên, kẻ dắt xe người gồng gánh chạy tán loạn tìm nơi trú ẩn. Tôi vừa kịp chui xuống hầm tăng xê, kéo được chiếc nắp đậy thì đạn pháo từ mặt đất nổ rền vang, tiếng ì ì của máy bay B.52 đã xuất hiện, liên tiếp các loạt súng thi nhau nhả đạn, bầu trời sáng rực như pháo hoa. Chừng 15 phút sau ngớt tiếng súng, còi báo an rúc lên, các quán nước bến phà lại có ánh sáng đèn dầu, nhấp nhô vài bóng người ngồi. Tôi dắt chiếc xe đạp tìm một quán nước ngồi nghỉ. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, trời càng về khuya càng lạnh.

Bà chủ quán tùm hum chiếc khăn len trên đầu, miệng nhai trầu bỏm bẻm, trong quán vài người khách ngồi chờ phà qua sông, thỉnh thoảng lại vang tiếng rít từ chiếc điếu cày. Chợt một người khách cất tiếng hỏi: “Liệu đêm nay có phà sang sông không bà?”. Bóc bao thuốc Tam Đảo, rút mấy điếu đưa cho khách, bà chủ quán thủng thẳng trả lời: “Cũng chẳng biết được. Nếu máy bay đi xa, yên tĩnh thì phà mới chạy”. Trong quán, vài khách đã ngủ gà ngủ gật. Giờ tôi mới để ý, trên chiếc bàn gỗ tạp lỏng chỏng vài túm chuối, bên cạnh chồng bánh gai, bánh chưng, lọ kẹo lạc, kẹo vừng xếp hàng ngay ngắn, cạnh đó là khay thuốc lá hộp kính đựng vài bao thuốc Hoàn Kiếm, Điện Biên, Tam Đảo, Đ’rao... Chiếc túi nilon đựng mấy chiếc bánh đa được treo trên dây, đu đưa trước gió.

Cơn buồn ngủ từ đâu ập tới, tôi rùng mình vì một luồng gió lạnh vụt qua, vội kéo cao cổ áo, thu mình trong chiếc áo mưa vải bạt bộ đội. Ngồi cạnh tôi là ông khách đã lớn tuổi có chiếc xe đạp Phượng Hoàng dựng ngay cạnh, trên póc-pa-ga lỉnh kỉnh đủ thứ: Một bao tải dứa to đùng, bên trên là chậu nhôm, nồi, xoong, ấm đun nước..., ghi-đông treo lủng lẳng con búp bê nhựa. Tôi đoán vị này lên khu sơ tán tiếp tế cho gia đình.

Gần 1h sáng mới sang được bến phà bên kia. Mệt lử dắt chiếc xe đạp ngược dốc, tôi tìm một quán nước bỏ không để ngủ qua đêm. Ngó vào quán nào cũng có người nằm la liệt, người trải vải nhựa, người căng võng bạt. Đi ngược lên một đoạn, tôi phát hiện còn một quán bỏ không, mừng như bắt được vàng, vội dắt ngay chiếc xe vào quán, lia đèn pin một lượt để quan sát. Qua ánh sáng tôi xác định đây là quán cắt tóc, sở dĩ nói vậy vì dưới nền đất còn vương nhiều tóc vụn. Vớ được chiếc chổi rơm đã vẹt gần nửa bên góc quán, tôi tranh thủ quét dọn rồi lấy tấm áo mưa vải bạt trải lên nền nhà, loay hoay một lúc cũng tìm ra bốn góc buộc dây màn. Để cho an toàn, tôi lấy chiếc khóa dây mang theo quàng qua khung xe đạp với chiếc cột bương của quán rồi bấm khóa. Cũng cần nói thêm, những năm tháng chiến tranh, dù đi công tác hay về khu sơ tán, trên xe hành trang mang theo lúc nào cũng đầy đủ: Chăn màn, vải nhựa, áo mưa, đèn pin... để đề phòng tình huống như đêm nay. Chưa đầy 15 phút, tôi đã có thể chui vào màn làm một giấc ngon lành...

chem-1.jpg
Người dân Hà Nội đi sơ tán trong những ngày giặc Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12-1972.

Đang nửa mơ nửa tỉnh, tôi nghe tiếng người lao xao mỗi lúc một gần. Lúc này tôi đã tỉnh hẳn, qua bóng đêm dày đặc, cố căng mắt cũng nhận ra có nhiều người thấp thoáng ngay trước quán. Chợt một giọng phụ nữ cất lên: “Đã có người nằm chúng mày ạ!”. Tiếp đến là tiếng con gái phụ họa: “Kệ! Có người cũng cứ vào, buồn ngủ rũ ra rồi...”. Loáng thoáng rồi tôi cũng nhận ra có năm, sáu cô gái, túi xách, ba lô lỉnh kỉnh, đang thu xếp chỗ ngủ. Chợt có tiếng thì thầm lúc to lúc nhỏ của hai cô gái nằm ngay bên cạnh mép màn: “Hình như đàn ông mày ạ! Tao thấy có chiếc mũ cối ngoắc trên ghi-đông xe đạp”. Một giọng khàn khàn của cô gái khác: “Chắc là bộ đội đi công tác”. Im lặng một lúc, tự nhiên nghe thấy tiếng cười khúc khích...

Tốp người vừa đến đã làm tan giấc ngủ ngon lành nhưng không sao, tự nhiên trong người tôi thấy râm ran, một hơi ấm từ đâu lan tỏa khắp cơ thể, cảm giác như được phủ lên người một lớp chăn. Giờ thì đã nghe thấy tiếng ngáy nhè nhẹ phát ra bên cạnh, tôi nằm im không dám cựa quậy, chỉ một tiếng động nhỏ cũng có thể phá tan cái khoảng khắc mà tôi không muốn mất. Tiếng gà gáy xa xa từ đâu vọng lại, tôi đoán đã là canh ba (khoảng 2 - 3h sáng). Cố chợp mắt để sáng ngày mai còn đi tiếp con đường trên 50km bằng xe đạp, nhưng không sao nhắm mắt được. Đang miên man với bao suy nghĩ, chợt cái gì áp sát ngay cạnh người. Tôi nằm bất động như có một bàn tay vô hình kìm hãm, níu kéo... Duỗi chân cho đỡ mỏi, tôi chợt giật mình vì chạm phải người nằm cạnh. Có lẽ vì cái đạp nhẹ của tôi mà lập tức có tiếng loạt soạt từ tấm vải nhựa, tôi đoán “đối phương” đã dịch ra xa khi phát hiện thấy sự vô duyên của mình... Có thể đây là nhóm sinh viên đại học hoặc trường trung cấp nào đó ở khu vực Xuân Hòa bị nhỡ đường như tôi.

Tôi bừng tỉnh bởi nhiều tiếng động cùng lúc, tiếng gấp vải nhựa soàn soạt, tiếng rì rầm của các cô gái đang hối hả thu dọn hành trang. Chợt có tiếng cười phá lên, một giọng nữ trẻ, qua tiếng nói có vẻ tinh nghịch: “Chúng mày có biết chuyện gì đêm qua không, ly kỳ và lãng mạn lắm...”.

Tôi nhìn ra đường, trời vẫn chưa rõ mặt người. Tiếng dép của các cô gái đi đã xa, vẳng lại tiếng cười vô tư hồn nhiên xé tan bầu không khí buổi sáng tinh mơ bên bến phà Chèm.

Duy Ngọc