Chuyện dân số Hà Nội
Từ khi hình thành kinh đô Thăng Long cho đến ngày nay, dân số Hà Nội luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Ngoài sự tăng tự nhiên, dân số Hà Nội còn tăng cơ học, khiến mật độ trung bình rất cao. Nhưng, cụ thể thì dân số Hà Nội xưa ở mức độ nào?
Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, dẫn theo nhiều dòng họ mà ông mang ơn, trong đó có cả những họ mà ông tin tưởng như họ Tống và họ Lê.
Hiện nay, hậu duệ của hai họ này vẫn sinh sống ở làng Ngọc Hà. Sử xưa ghi chép về dân số Đại Việt, song không có dân số kinh đô. Nhưng, việc nhà Lý chia Thăng Long thành 61 phường cho thấy số dân ở kinh đô cũng không ít. Tới nhà Trần, kinh đô Thăng Long vẫn giữ nguyên cơ cấu 61 phường, nhưng không có tài liệu nào về dân số Thăng Long thời kỳ này.
Tuy nhiên, đến triều Lê sơ, những đợt di dân diễn ra ồ ạt khiến số dân Thăng Long tăng nhanh chóng, gây lo ngại và một số triều thần đòi đuổi họ về quê. Năm 1481, Phó Đô Ngự sử Quách Đình Bảo đã trình bản tấu lên vua Lê Thánh Tông. Vua đã chấp thuận chỉ đuổi những người tạp cư, không nghề, giữ lại những người buôn bán, sản xuất thủ công đã vào sổ thuế.
Cách tính dân số thời phong kiến không phải cộng tất cả lại mà chỉ tính số đinh từ 18 đến 59 tuổi đã ghi trong sổ bộ. Vì thế, không thể biết dân số thực tế là bao nhiêu như cách tính ngày nay. Dân số kinh đô Thăng Long không chỉ tăng mà có giai đoạn chững lại, thậm chí giảm vì chết do dịch bệnh.
Năm 1407, dân số Đại Việt khoảng 5 triệu nhưng năm 1428 chỉ còn hơn 4 triệu. Tuy không có tài liệu về số đàn ông Thăng Long tham gia quân đội đánh giặc Minh nhưng chắc chắn nhiều trai đinh Thăng Long đã hy sinh. Năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính, đổi tên phủ Phụng Thiên của kinh đô Thăng Long thời Lê thành phủ Hoài Đức và ghép với một số phủ khác để lập tỉnh Hà Nội. Phủ Hoài Đức với hai huyện là Thọ Xương và Vĩnh Thuận.
Theo “Đại Nam thực lục chính biên”, dân số tỉnh Hà Nội năm 1837 là 51.877 người, phủ Hoài Đức là 30.041 người. Năm 1888, vua Đồng Khánh cắt huyện Thọ Xương và một phần huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Hà Nội cho thực dân Pháp lập thành phố Hà Nội thuộc Pháp. Thành phố Hà Nội lúc này có diện tích là 9,45km2, dân số khoảng 10.000 người. Mật độ dân số trung bình là 1.058 người/km2, trong khi mật độ của tỉnh Hà Nội năm này chỉ là 4,9 người/km2.
Chính quyền Pháp đã phớt lờ quyết định của vua Đồng Khánh, tự ý mở rộng diện tích thành phố về phía nam hồ Hoàn Kiếm và phía tây tới đường Lê Duẩn ngày nay. Năm 1902, thành phố Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương, dân số là 50.000 người. Đến năm 1940, diện tích Hà Nội khoảng 43,94km2, song dân số vọt lên 200.000 người. Ngoài tăng tự nhiên, số tăng cơ học rất cao vì chính quyền cho người ngoại tỉnh nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Trước ngày 10-10-1954, dân số Hà Nội vẫn trong khoảng 200.000 người. Tuy nhiên, sau năm 1954, hàng nghìn bộ đội, cán bộ, công nhân từ chiến khu trở về, để ổn định cuộc sống, rất nhiều trong số đó đã đưa vợ con và cha mẹ ở quê ra Hà Nội. Để kiểm soát dân số Hà Nội, Nhà nước đã đưa ra chính sách hộ khẩu song Hà Nội đã trở nên đông đúc rồi. Năm 1958, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà máy, xí nghiệp mọc lên khắp thành phố, đòi hỏi số lượng nhân công rất lớn. Cùng với đó, hàng loạt trường đại học, cao đẳng, trung cấp được thành lập nên đầu những năm 1960, dân số khu vực nội đô tăng lên 530.000 người.
Thực hiện đổi mới, năm 1989, nhà nước bỏ chế độ cung cấp gạo, thực phẩm và chất đốt nhưng số người nhập cư vào Hà Nội không nhiều. Tuy nhiên, đầu những năm 1990, lượng người nhập cư nhiều hơn, nguyên nhân là Hà Nội cần lao động.
Theo số liệu điều tra dân số Hà Nội năm 2009, tỷ suất nhập cư từ năm 2005 đến 2009 luôn là 65,3% trong khi tỷ suất xuất cư là 15,5%. Đó là chưa kể số người nhập cư kiếm việc khi nông nhàn. Năm 2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, sáp nhập tỉnh Hà Tây, một huyện của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của tỉnh Hòa Bình vào Hà Nội, diện tích Thủ đô lên tới 3.359,8 km2. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, dân số Hà Nội khoảng 8,4 triệu người, mật độ dân số trung bình là 2.398 người/km2, cao gấp 8 đến 9 lần so với mức trung bình cả nước.