Sống đẹp

Họa sĩ, nhà thơ Lê Tiến Vượng: Một thời làm lính, nghĩa tình nặng sâu

Phan Thắng 22/12/2023 14:58

Nhà báo, họa sĩ, nhà thơ Lê Tiến Vượng, người từng một thời cống hiến tuổi xuân, chia ngọt sẻ bùi với đồng chí, đồng đội nơi biên ải phía Bắc, vẫn giữ một tấm chân tình, sắt son với người dân nơi đây giữa thời bình.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), Hànộimới Cuối tuần có cuộc trò chuyện với người nghệ sĩ, cựu chiến binh này.

vuong-1.jpg
Họa sĩ, nhà thơ Lê Tiến Vượng.

- Trong trải nghiệm của anh, tình quân dân thời chiến như thế nào?

- Mình tham gia quân ngũ nơi biên giới phía Bắc từ năm 1981, lúc đất nước còn bao cấp, rất khó khăn. Bộ đội và bà con đều đói khổ. Bộ đội nhiều khi chỉ ăn hạt bo bo với muối vừng. Cuộc chiến vùng biên thời đó dai dẳng, mệt mỏi khôn cùng. Vì thế, bộ đội phải dựa vào dân để sống, chiến đấu, bảo vệ biên cương. Lúc ấy, thế trận lòng dân với chính sách ba cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với dân nên tình quân dân thắm thiết gắn bó lắm. Mình là chiến sĩ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, đơn vị chủ lực chiến lược nên biết rõ nhiều trung đoàn được điều lên chiến đấu và giữ chốt, nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Vậy nên, mình càng thấm thía hòa bình quý giá thế nào.

- Hoạt động xây trường - dựng ước mơ cho học sinh ở những vùng núi khó khăn phía Bắc của Câu lạc bộ (CLB) Trái tim hồng - Tấm lòng Việt do anh sáng lập hẳn cũng mang nặng tình cảm thời quân ngũ của anh?

- Đầu năm 2013, với tư cách là một cựu chiến binh trong chuyến thăm đơn vị may quân phục ở Ninh Bình, mình gặp một cựu chiến binh cùng sư đoàn. Anh kể hoàn cảnh của một cựu chiến binh vừa mất vì ung thư. Cỏ chưa xanh mộ thì vợ anh, 43 tuổi, cũng phát hiện bị ung thư giai đoạn hai. Gia đình thuộc hộ nghèo, nhà ở xiêu vẹo, dột nát tứ tung. Hai con nhỏ đang đi học. Người vợ không có tiền nằm viện phải xin ngồi hành lang, ngày ngày ăn cơm cháo từ thiện, xin được đồng nào thì xạ trị.

Sau đó, mình vào viện với tư cách một nhà báo, họa sĩ để thăm và hỏi các bác sĩ về bệnh tình của chị, được biết nếu chữa trị ngay thì sẽ kéo dài được 5 đến 10 năm. Mình quyên góp được 46 triệu đồng, đủ cho chị xạ trị. Khi đưa chị về nhà, thấy hoàn cảnh bí bách, chị sức khỏe yếu không thể làm công việc đồng áng như cũ, mình lại quyên góp lần hai, được 28 triệu đồng để chị mua một con bò, đàn lợn và đàn gà để nuôi. Hai năm sau mình và những người bạn quyên góp xây ngôi nhà ba gian vững chắc cùng đầy đủ đồ dùng trong nhà. Gia đình chị chính thức thoát nghèo và ngay sau đó, CLB Trái tim hồng - Tấm lòng Việt được thành lập.

Năm 2014, CLB tặng quỹ học bổng cho hai cháu mồ côi 7 và 9 tuổi người dân tộc Nùng ở xã Vân Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, lo ăn học cho các cháu hết trung học cơ sở.

Từ hai sự kiện trên, năm 2015, CLB nhận được thư xin hỗ trợ xây Trường Trung học Thần Sa (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Đây là lần đầu tiên CLB phát động xây trường. Nhờ các tấm lòng hảo tâm, chỉ sau 3 tháng, ngôi trường mới khang trang chắc chắn đã được hoàn thành. Cái duyên xây trường bắt đầu từ đó.

- Chất lính trong anh thể hiện sâu sắc nhất trong cuộc sống và hoạt động thiện nguyện như thế nào?

- Có thể nói bốn năm quân ngũ đã rèn giũa cho mình nhiều phẩm chất quý giá của người bộ đội, dù ở bất cứ hoàn cảnh gian lao, vất vả đến mấy mình cũng chưa bao giờ kêu ca, bỏ cuộc... Đến giờ, khi nghỉ hưu, mình có thể tự hào và ngẩng cao đầu là chưa bao giờ vi phạm các nguyên tắc, phẩm chất người lính. Những gì mình đang có đều do bàn tay, khối óc, lao động không mệt mỏi thu hái được. Không có một đồng nào, viên gạch nào trong nhà mình có được do quan hệ, quỵ lụy xin cho, bợ đỡ mà có.

Phẩm chất người lính ấy cũng là giá trị cốt lõi của CLB. Mọi hoạt động, thông tin vận động quyên góp đều được công khai trên trang Facebook Trái tim hồng - Tấm lòng Việt. Với mình, việc làm từ thiện là nhân nghĩa, tử tế, nhân văn nên cần phải minh bạch, rõ ràng. Như thế mọi người mới yên tâm là đóng góp của mình đến tay người được hỗ trợ. Nguyên tắc của CLB là không gây quỹ, chỉ xây trường khi được chính quyền, bà con, giáo viên sở tại có thư yêu cầu. Nghĩa là chính quyền hợp tác, bà con bản địa chung tay, công việc khảo sát, thiết kế và đấu thầu xong thì CLB mới phát động quyên góp. Việc quyên góp đủ xây trường là dừng ngay. Trường hợp phát sinh thêm phần hỗ trợ như điện, nước sạch, hay nhu cầu thật đặc biệt của điểm trường đó thì mới phát động bổ sung.

Mười năm qua, CLB đã xây dựng 23 điểm trường và nhà tình nghĩa, cùng hàng chục chương trình giao lưu tặng quà “Tết sẻ chia - Tết yêu thương”. Mọi chuyến đi đều thuận lợi, luôn được bà con, chính quyền, giáo viên và học sinh tiếp đón nồng thắm. Nghĩa tình miền xuôi miền núi được giao thoa, liên kết giữ gìn, gắn bó qua mỗi công trình và mỗi chuyến đi. Đó cũng là cái nghĩa, cái tình đền đáp người dân bản làng đã từng nuôi bộ đội.

CLB đang huy động giáo viên, học sinh, phụ huynh đồng hành “xây trường - dựng ước mơ” để viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường: “Mỗi người một viên gạch hồng - là vùng cao có ngôi trường lung linh”.

- Xin cảm ơn anh!

Họa sĩ Lê Tiến Vượng sinh năm 1961 tại Hà Nội. Anh nổi tiếng với vai trò là họa sĩ vẽ minh họa, thiết kế logo, nhà báo, nhà thơ. Anh hiện là Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam), chủ nhiệm CLB Trái tim hồng - Tấm lòng Việt.
Trong triển lãm "Sắc màu phố quê" tổ chức vào tháng 3-2023 tại Hà Nội, Lê Tiến Vượng dành 20% kinh phí bán tranh và toàn bộ tiền bán 2 tập thơ mới ra mắt là "Lục bát đùa chơi" và "Lục bát thế thời" cho CLB. Anh từng nhắn nhủ bạn bè đến triển lãm muốn tặng hoa thì hãy dùng khoản tiền đó để mua thơ.

Phan Thắng