Hà Nội văn

Từ bỏ

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên {Ngày xuất bản}

Phương và tôi, tuy xưng bạn bè vì quen mồm nhưng anh hơn tuổi, lại cũng hơn về các món nghề. Nói chính xác hơn thì Phương là bậc đàn anh của tôi.

Phương chơi gà chọi, chim chóc, lại làm thơ viết văn, sưu tầm đủ thứ mà con người nghĩ ra được để tiêu tốn thời gian rảnh rỗi của trần ai thế tục. Phương cũng là con người nho nhã như các thú chơi của anh, nên tôi càng cực kỳ nể trọng.

Bởi vốn thằng tôi chỉ có một đam mê duy nhất, cực kỳ thế tục, chính là đam mê kiếm tiền. Có lần Phương bảo với tôi, chú làm in ít thôi, dành thời gian cho bản thân, chứ đến lúc bệnh tật chẳng may ra đi, tiền thằng khác tiêu, vợ mình nó cưỡi, con thì nó đánh cho, thế thì chú vất vả có ý nghĩa gì.

Tôi gặp vợ Phương vài lần. Đến nhà Phương chơi không ít nhưng vợ anh hoặc là đi vắng hoặc là tút lút ở trong buồng, mặc kệ chồng và bạn muốn làm gì thì làm. Vợ Phương xuề xòa, có lần vô tình gặp ngoài đường thấy chị ngáp ngắn ngáp dài, mặc một chiếc váy ngủ, chân đi dép tông Lào, tóc lòa xòa như bờm sư tử, tôi không dám nhìn lâu, chỉ chào hỏi qua loa rồi đi.

Đôi khi tôi ngẫm nghĩ sự đời, người đuểnh đoảng như vợ Phương lại gặp anh chồng quá đảm và chu toàn thì đúng là ông trời khéo sắp đặt. Được cái nọ mất cái kia. Chị vợ lại là người vô tư, vô lo vô nghĩ, không dữ chằn chằn như mấy bà vợ thường thấy, thậm chí cô ta cũng mặc kệ chồng với thời gian chăm sóc cây cối, yêu gà, yêu chim còn hơn cả yêu vợ.

***

Sáng chủ nhật, tôi vừa sang chơi Phương đã hồ hởi khoe tờ báo mới đăng bài thơ của anh. Phương lôi ra bộ ấm chén anh đặt người quen ở bên Bát Tràng làm theo ý mình rồi bỏ vào một nhúm chè shan tuyết. Anh bảo chè này là do người Mông tận trên Hà Giang hái từ cây chè cổ thụ mấy trăm tuổi, sao thủ công, chỗ quen thân mua giúp nên cứ yên tâm mà uống không sợ thuốc sâu gì.

Phương giảng giải như sợ tôi nghi ngờ chất lượng của ấm chè. Thú thực, tôi nghe mẹ, nghe vợ nói mãi chuyện “bệnh từ miệng mà ra”, bây giờ ra chợ muốn kiếm mớ rau sạch, miếng thịt sạch khó hơn lên trời... Thôi thì “khuất mắt trông coi”, chứ cầu kỳ, cẩn thận như Phương thì tôi chắc chả theo được. Đang hào hứng nên Phương lôi tôi ra sau nhà, chỉ cho tôi xem con gà chọi anh mới mua nằm khuất lấp giữa đám cây cảnh các loại: “Này chú nhìn xem, nhất thủ, nhị vĩ, tam hình, tứ túc, đủ cả nhé”. Anh nhìn vẻ mặt lơ nga lơ ngơ của tôi mà ôn tồn giảng giải. Nghĩa là mặt phải lanh, cổ phải to, khỏe, đuôi cúp xuống... Tôi nghe anh nói như nước đổ đầu vịt vì có hiểu gì mấy món chơi này đâu. Nhìn Phương ôm con gà chọi, tay vân vê mấy cái lông cổ của nó rồi thình lình giật phắt lấy, xong lại xoa xoa ra chiều an ủi. Trong vài giây, tôi có cảm tưởng như con gà chọi lia đôi mắt nâu trong mướt nhìn tôi đầy đắc ý.

mh-adung.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Kệ sách của Phương nằm sát vách tường, ngay gian giữa của căn nhà, gần chiếc bàn uống trà vốn là nơi đàm đạo của anh với bạn hữu, đa số là bạn cùng chơi cây, nuôi chim cảnh, gà chọi. Phần nhiều là sách văn học, vài cuốn về lịch sử, có cả mấy cuốn “tủ” thời sinh viên chúng tôi như “Đắc nhân tâm”, “Hạt giống tâm hồn”... Tôi cầm cuốn “Đồi gió hú” lơ đãng giở vài trang cho có việc. Tôi cũng thích văn học nhưng công việc bận rộn, hở ra là lướt Facebook, TikTok, YouTube nên quên luôn cả thói quen đọc sách thời trẻ.

Tôi để ý thấy phần trên cùng của giá sách được anh đóng kính, làm cả khóa, khóa lại rất cẩn thận. Tôi kiễng chân ngó lên nhìn thì thấy có những cuốn sách cũ có mới có, cuốn dày cuốn mỏng, nhiều cuốn có cả chữ nước ngoài.

- Văn học kinh điển đấy!

Tôi giật mình quay lại thì thấy Phương bước vào nhà từ bao giờ. Anh ngồi vào bàn, rót trà mời tôi. Nước không quá nóng, vị trà thơm mát, ngòn ngọt và thậm chí cảm giác như có cả mùi rừng núi ở trong ấy. Dù chẳng rành mấy món trà nước nhưng tôi vẫn phải tấm tắc, đúng là trà ngon lần đầu tôi được thưởng thức.

Phương say sưa nói về những triết lý trong sách vở, những điều hay ho mà anh từng đọc. Lúc này, anh hăng hái vui vẻ biết bao, đôi mắt ánh lên những tia sáng hạnh phúc như đang được trở về là chính anh. Tôi khâm phục cái tài đọc sách cùng với trí nhớ tuyệt vời của anh. Thế rồi anh đột ngột dừng lại.

- Chú là một kẻ vô tình với thế sự. Thế là chú sướng, chỉ ăn ngủ, kiếm tiền, chả lo nghĩ gì sự đời. Đời nhiều cái đau điếng, nó không đâm cho mình một nhát ngay mà nó như cái dằm lâu ngày mưng mủ. Cái đau ấy nó mới tê dại, mới làm mình phát điên lên được.

Thế rồi anh lại nói về chuyện đời, chuyện con người tranh giành, xung đột với nhau vì đồng tiền, thậm chí thù hằn, sẵn sàng đổ máu nếu ai đó dám xâm hại chút quyền lợi của mình. Anh còn bảo, người ta không hiểu được, kẻ thù lớn nhất chính là lòng tham của mình, chỉ có loại bỏ được nó đi thì con người ta mới an vui mà sống được. Con gà chọi thấy nắng gáy vang một góc phố như hòa điệu với chủ nhân. Tôi thấy trời đã gần trưa, ý tứ chào anh rồi xin phép ra về.

***

Bẵng đi một thời gian, công ty tôi chuyển sang địa điểm mới, công việc lu bù cuốn tôi đi, chẳng có thời gian rảnh rỗi mà gặp Phương. Một buổi nọ, Phương nhắn tin mời tôi sang nhà anh chơi. Tôi gác lại mọi công việc để tới gặp Phương vì tôi biết anh đang cần tôi. Nghe vợ tôi kể vợ anh đã bỏ đi theo người khác. Vợ tôi còn buông một câu lạnh đanh, “cứ phải xem lại anh chồng nữa, tại anh tại ả, tại cả đôi bên”.

Đến nhà Phương, tôi bấm chuông rồi anh ra mở cửa. Khác với sự lo lắng của tôi, trông anh tươi tắn hoạt bát, gương mặt không có vẻ gì của một kẻ bị vợ phụ tình. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi bước vào, thấy ngay những quyển sách quý hôm nào nằm la liệt trên nền nhà, bên cạnh còn có xốp nổ, băng dính, kéo và giấy báo. Mặc tôi ngạc nhiên, Phương vẫn điềm nhiên đi vào bọc lại những quyển sách, thậm chí còn nhờ tôi ghi địa chỉ hộ.

“Còn gì tớ bán tất. Ba người mở hàng đầu tiên, toàn nữ”. Phương nở một nụ cười cay đắng rồi lại chăm chú bọc bọc gói gói. Tôi không biết lựa lời nào để an ủi anh vào lúc này, bởi với một người có tự trọng cao như Phương thì có lẽ sự thương hại của kẻ khác chính là điều sỉ nhục. Nghĩ vậy nên tôi nén lại những lời định thoát ra. Tôi im lặng lắng nghe những lời nói của Phương, không bỏ sót một từ nào, đôi lúc cũng hùa vào cùng anh cho khỏi sượng.

Lúc xong việc cũng hơn bảy giờ tối, tôi ra rửa tay, thấy một con chim đậu ngay bậc cửa, tôi hoảng hốt vì đó là con chim Phương yêu quý. Tôi gọi anh định tìm cách bắt lại thì Phương xua tay: “Là tớ thả ra đấy! Có lẽ nó còn lưu luyến mình mà quay về”. Rồi anh quay ra nói với con chim: “Bay đi, đi tìm lấy cuộc sống mới của mày đi!”. Tôi thoáng thấy mắt anh đỏ lên. Chẳng hiểu sao nghe xong những lời ấy, con chim vụt bay đi.

Phương đi vào nhà bày biện bát đũa, mặc cho tôi liên tục chối từ. Trên mâm, đĩa thịt gà to ú ụ, đĩa cổ cánh để riêng, ở giữa mâm đặt một cái bát con đựng tiết luộc dầm với gia vị, lá chanh. Nhìn cái đầu gà tôi nhận ra ngay đây là con gà chọi gáy o o cái lần tôi tới nhà anh chơi.

Khi rượu đã ngà ngà say, Phương kể với tôi mọi chuyện, từ chuyện anh biết đứa con trai anh hằng yêu quý không chung dòng máu với mình cho tới chuyện anh nín nhịn dù biết vợ ngoại tình từ lâu để cho nhà cửa yên ấm, con cái có chỗ dựa mà học hành thành người. Thế rồi anh ôm tôi khóc tu tu. Tôi không ngờ một người trải đời như Phương lại có lúc yếu lòng như thế. Trước sự xúc động của anh, tôi cũng thấy lòng mình đau đớn.

Sau đó mấy ngày tôi mới biết Phương đang chuyển nhà. Tôi tới giúp anh thì mọi đồ đạc đã chuyển đi gần hết, còn lại mấy căn phòng rộng rãi, trống trải. Phương bảo tôi, anh bán nhà đưa con về quê sống. Anh ngậm ngùi:

- Anh nghĩ chán rồi! Văn nó vận vào người mình chú ạ! Khổ thế nào cũng không bỏ được, càng không thể sống tệ bạc được. Tôi vẫn nhận nuôi thằng bé, dù thế nào nó vẫn là con của tôi.

Tôi nhìn theo dáng lưng gầy gò của Phương leo lên ghế phụ của chiếc xe tải chở đồ. Tôi đứng bất động nhìn theo xe cho tới khi nó hòa mình vào dòng xe cộ tất bật trên phố, lòng trống vắng như vừa đánh mất thứ gì quý giá.

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên