Hà Nội văn

Tiếng vọng của biển

Truyện ngắn của Lê Quang Trạng 30/12/2023 18:54

Tháng Chạp biển thường trong hơn. Mẹ nói, trời đã thôi những cơn bão nổi, thưa dần những cơn mưa nên biển dịu dàng. Với mẹ, biển bao giờ cũng là người đàn bà bao dung và độ lượng. Ý niệm này bám chặt vào mẹ một cách chắc chắn và rắn rỏi.

z5006106507204_a204e03e59af.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Hai mươi năm trước, khi biển thường nổi sóng, duyên hải èo ọt như dải đất mỏng manh, vươn ngực gầy ra sóng bão. Sau lần bị bão lớn, cả căn nhà bay mất, ba mẹ tôi rời quê, dắt nhau lên thành phố mong tìm phương lập nghiệp. Lay lắt xứ lạ quê người, dòng đời xô đẩy đôi vợ chồng làng chài, đến nỗi khô khốc cả cái giọng biển rồi mà vẫn không sao đủ miếng cơm manh áo. Mẹ bảo, mình chỉ thuộc về xứ biển mà thôi. Vợ chồng lại xách cái ba lô lép xẹp từ giã phố phường. Nhìn những tòa nhà chọc trời, xa xa khói nhà máy vun vút bay lên, ba mẹ tôi thấy mơ ước đổi đời của mình rớt xuống. Quẹt tay ngang đôi mắt ướt, mẹ lượm mơ ước giản đơn ấy cất vào túi áo mỏng, lặng lẽ về quê.

Và bao giờ sau mỗi chuyến ba mẹ khăn gói về quê, biển cũng sẽ lặng tăm sóng gió mấy ngày liền. Mẹ không nghĩ đó là khúc mặc niệm cho những mơ ước vừa mới tan đi ở phố, mà nghĩ rằng người đàn bà biển cả đang dang rộng vòng tay đón những đứa con trở về. Mẹ lau dọn lại nhà, mớ lưới tưởng chừng đã mục sau bao ngày mưa nắng vẫn còn nguyên. Chiếc thuyền thúng úp bên ngoài, mấy dây rau muống biển leo lên chiếm ngự. Đi quanh xóm chài, không mấy thay đổi bất ngờ nào ngoài những căn nhà bị gió bão hốt đi chưa kịp cất lại. Chỉ những đứa trẻ là khác lạ, chúng được người đàn bà biển nuôi bằng gió và sương muối mà lớn nhanh như thổi.

***

Ngôi nhà quá đỗi đơn sơ nhưng lại vô cùng chắc chắn. Đã mấy chục cơn bão đi qua, những tờ báo đưa tin bão chắc đã dày hàng trăm lớp, nhưng ngôi nhà thì vẫn vẹn nguyên, trơ trơ. Mỗi lần bão tan, ba lại ra bờ biển, lang thang từ đầu đến cuối bãi rồi mang về một vài tấm ván thuyền. Cảnh rất thân quen, từ nhỏ tôi đã thấy ba mình thường làm như thế. Mẹ bảo, đó là xác của những con thuyền đắm, trôi dạt đến từ nhiều nơi, và người đàn bà biển đã đưa chúng đến ban tặng cho dân làng chài.

Những tấm ván thuyền đắm được ba kết vào những nơi căn nhà bị gió khoét. Khi các lỗ gió đã kín đáo hơn, đêm nằm không còn nghe gió thốc vào mùng, tôi vừa mừng nhưng cũng vừa buồn. Mừng bởi mùa Tết năm nay nhà đã ấm cúng hơn, nhưng buồn bởi ba sẽ sớm đi biển một đoạn dài, hai mẹ con sẽ ở nhà quạnh quẽ.

Thường thì đúng như điều tôi nghĩ, khi căn nhà vừa dặm vá xong, những cơn gió lặng lẽ, sóng không đẩy đưa thêm xác thuyền về nữa, ba lại lên đường. Xóm chài có mỗi một tàu đi xuyên từ cuối Chạp năm này sang đầu xuân năm sau. Thường mùa ấy ít ai đi biển. Mấy người đàn ông ở trần trùng trục ngồi nhậu ở bãi ngó theo chiếc tàu chở ba tôi ra khơi mà bảo rằng: “Đi biển cả năm, còn có mấy ngày Tết sao không ở nhà, mắc chi đâm đầu ra biển”.

Cả xóm chài quanh năm chạy đua với cơm áo, gió bão muốn đứt hơi. Chỉ có mấy ngày Tết đến xuân về là xôm tựu. Vậy nên mỗi năm, cứ vào cuối Chạp, tính toán nợ nần, hễ thấy ba thở dài nói “năm nay tôi phải đi biển Tết bà à” là mấy mẹ con lại buồn xo không nói nên lời. Những chuyến tàu xuyên Tết của ba thường mang về nhiều tôm cá. Ba nói, Tết ít ai đi biển, mùa này lại ấm áp, biển dịu dàng nên sẽ được bội thu. Riêng mẹ tôi, bà biết rằng nỗi niềm của chồng mình cũng mênh mông chẳng khác gì biển rộng. Và đường học vấn, tương lai của đứa con đang le lói như ngọn đèn câu ngoài khơi xa, không đi biển mùa Tết tức là không đủ trang trải, nhất là khi tôi sắp vào đại học. Mẹ lặng lẽ khăn gói cho ba. Khi tôi thức dậy chẳng thấy ba đâu thì biết ông đã rời đi từ khuya, giờ này tàu đã cách xa hàng chục hải lý. Những năm thơ dại ấy tôi đã sớm nhận ra biển rộng lớn biết nhường nào!

Tàu ba ra khơi trong những ngày sóng yên như thế, nên mẹ con tôi tự nhủ lòng đừng quá buồn, để không làm ba vướng bận lo toan. Ba đi, căn nhà dường như vắng vẻ, chỉ còn hai bóng người ra vào, ngó biển không thôi, tiếng thở dài thườn thượt. Lâu lâu lại nghe ba nhắn tin về, nhưng trông đợi nhất vẫn là cái tin “mai ba về tới”. Trong cảm xúc bồi hồi khó tả, tôi ra đứng trước bến chờ, chỉ mong sao thấy được bóng con thuyền lẻ loi đang trĩu nặng ung dung lướt sóng!

Ba về nhà vào tháng Hai, khi Tết đã đi qua, mùa xuân già hơn một nửa. Mớ bánh Tết mẹ cố tình làm trễ để giữ được đến lúc này. Cả nhà tôi ngồi ăn “Tết muộn”. Ba lì xì tôi cái vỏ ốc khắc mấy câu thơ ông đã làm trong những giờ nghỉ ngơi giữa biển. Cầm ôm vào lòng, tôi xem đó như báu vật, lời dặn dò “nắng ấm quê người con chớ quên gió mặn quê hương” như chiếc neo, giữ thuyền tôi dẫu đi đâu cũng nhớ mình còn có quê hương miền biển.

***

Tôi thi đỗ vào đại học. Ba mẹ mừng ứa nước mắt tiễn con lên chiếc xe đò vào thành phố. Cái nơi mười mấy năm trước ba đã gieo mơ ước và hái về bông hoa tàn héo. Bây giờ ba mẹ lại gieo cho tôi những hạt mầm mơ ước mới và tin rằng mồ hôi nước mắt của mình sẽ giúp ước mơ của con tươi xanh, đơm hoa kết quả. Ba dúi cho tôi mớ tiền kiếm được từ chuyến đi biển hồi Tết. Tôi rưng rưng thấy cọng dây buộc xấp tiền như chưa hề được mở ra một lần nào.

Mẹ hay gọi điện hỏi thăm, dặn dò tôi bao chuyện. Lần nào cuối cuộc gọi tôi cũng muốn nghe giọng ba và nếu ba không có nhà thì xin mẹ cho nghe tiếng gió biển rì rào ngoài sân. Mẹ hiểu và luôn chiều điều mong ước ấy của đứa con. Và lần nào cũng vậy, mẹ luôn bảo rằng biển rất bao dung, không bao giờ bỏ rơi những đứa con của biển. Mẹ đã dặm vào tôi mớ rễ, để tôi hiểu rằng không đâu bằng được chốn quê nhà.

Năm cuối đại học, những ngày cuối năm cũng vừa khớp vào lịch thi cuối kỳ nên tôi bù đầu với sách vở, hiếm hoi gọi điện về nhà nên chẳng biết ba đã ra khơi từ cả tháng nay. Để rồi khi bão động, gọi về hỏi thăm mới biết ba đi biển chưa về. Đó là lần gió bỗng đổi chiều thổi thông thốc trái mùa. Đài báo bão lạ sắp đổ vào biển nhà. Mẹ đứng ngồi không yên, không thôi bái vọng về hướng biển, mong người đàn bà đại dương bao dung sẽ thấu thị nỗi niềm cầu xin và trao gửi của mình. Chuyến đó tàu của ba mất liên lạc. Người ta đoán định với cường độ này thì chiếc tàu khó mà chịu nổi ở trên biển, kể cả có neo đậu vào đảo cũng khó giữ được vẹn nguyên. Làng chài phủ lên mình nét buồn không ai nói với ai, chỉ đôi mắt cánh đàn bà là sâu vời vợi. Mẹ không thôi an ủi tôi, rằng biển sẽ bao dung, không bắt ba đi.

Mặc cho những van nài của mẹ, biển vẫn nuốt trọn con tàu cá duy nhất lênh đênh, sóng đánh tơi bời và rượt theo những người còn sống sót trôi dạt. Trong những hy vọng cuối cùng về sự sống, ba tôi và một số thuyền viên may mắn được thuyền cứu hộ phát hiện và kịp thời cứu mạng. Tuy nhiên, sau lần ấy thần trí và sức khỏe của ba sa sút hẳn. Tuổi năm mươi, nom ông già hẳn thêm gần hai mươi tuổi nữa. Chân tay lọng cọng, ông không thôi vừa xá biển vừa nghẹn ngào. Những lúc như thế tôi chẳng rõ ba đang tạ ơn biển đã tha mạng hay xá lạy vì sợ sệt. Mỗi khi thấy ba như vậy, tôi bỗng đâm giận, trừng trừng ngó xa khơi, lòng đầy uất hận!

Ở phố, tôi phải vừa học và vừa đi làm thêm một cách nỗ lực hơn để đủ chi tiêu và mong dư được chút nào thì gửi về đỡ cho ba mẹ tiền thuốc thang, cơm gạo. Không hiểu sao sau lần hụt chết trên biển, ba lại thường ra bờ biển hơn, rồi ba phát hiện rằng những ngày sau bão giông, những con rùa thường lên bãi đẻ trứng. Sợ mớ trứng rùa bị đánh cắp và bị sóng biển cuốn đi, ba thường chờ khi rùa đẻ xong ông cẩn thận lượm từng trứng một mang về nhà để ấp. Mẹ nói, có lẽ nhờ niềm vui trong việc thấy những con rùa nở nên ba dần dần khỏe lại. Một sự bình phục kỳ diệu. Chỉ một năm sau, sức khỏe của ông cải thiện gần như hoàn toàn. Mỗi lần về quê, ba khoe với tôi những chú rùa mới nở xinh xắn trong ổ cát, chút nữa đây ông sẽ mang thả chúng về với đại dương... Nhìn đôi mắt như tỏa nụ cười của ba, tôi biết biển đã mang lại cho ông niềm tin và cuộc sống!

***

Tốt nghiệp đại học xong, tôi xin được làm hướng dẫn viên tại bảo tàng biển. Thật bất ngờ khi ngày đầu tiên đi làm, tôi thấy tấm ảnh ba được treo trân trọng trong bảo tàng. Đó là tấm ảnh chụp khoảnh khắc ba đang thả những chú rùa về với đại dương. Tôi tự hào về ba, và nỗi sợ biển năm nào bỗng tan đi mất, thay vào đó là một tình yêu nhen nhóm. Được gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đến bảo tàng, lòng tôi càng yêu mến biển hơn. Tôi không còn thấy biển xa xôi hay ghê sợ, tôi nhớ lời của mẹ, biển như một người mẹ hiền luôn bao dung với đàn con.

Ở bảo tàng, tôi thuyết minh về biển, về sinh thái và cuối hành trình tham quan là phần thuyết minh những mảnh thuyền đắm. Đây, những mảnh thuyền đắm năm nào mà người dân biển đã lấy làm vách nhà để che mưa che gió. Minh chứng cho điều đó, tôi chính là một trong những đứa trẻ lớn lên từ căn nhà làm toàn bằng xác tàu. Các đoàn khách thường xúc động đứng yên rất lâu mỗi khi tôi nhắc đến những xác tàu, và họ tin trong mỗi xác tàu đều chứa đựng niềm hy vọng, một sức sống bền lâu mãnh liệt. Và thông điệp ấy của biển, mỗi khi xô những xác tàu vào cho dân làng chài mang về làm vật dụng, đã tô cho tôi niềm tin về những hy vọng biển mang lại cho mình.

Bao giờ cũng vậy, mỗi khi kể về biển xong, tôi thấy như tiếng vọng của đại dương về ngay cạnh bên mình, tiếng biển thân quen như tiếng ba mẹ, ấm lòng đến lạ...

Truyện ngắn của Lê Quang Trạng