Bâng khuâng gió bấc đầu mùa
Trời đã thực sự chuyển sang đông, gió bấc về lao xao trên những hàng tre, bụi chuối. Mới vừa hôm nào đó thôi, những tia nắng thu vàng còn ấm áp trên các ngả đường, mà sáng nay đã rét lạnh. Cũng chỉ hôm nào, hàng cây mới thay màu áo, mà nay đã lặng lẽ trút hết lá vàng, chỉ còn những cành cây trơ trọi, khẳng khiu. Thời gian như những sợi tóc bay trong mùa gió bấc, tóc ngày càng rụng dần, thời gian trôi tuột kẽ tay.
Gió bấc về mang theo những buổi chiều mưa, tôi như người “khất thực ngày xưa”, lại bắt gặp mình trong những ngày bấc cũ. Tôi thấy mình là một đứa trẻ, rất hào hứng mỗi bận gió bấc về để được mặc lại chiếc áo ấm mẹ đan, để làm duyên trong chiếc khăn choàng cổ, hay được chạy lăng xăng theo mẹ khi mẹ gieo trồng những khóm hoa. Mẹ bảo phải gieo đúng ngày thì hoa mới nở đúng dịp Tết. Mỗi mùa gió bấc về là trong lòng cũng xốn xang chờ đợi một mùa xuân, cái lạnh vì thế được xua tan bởi sự ấm áp của niềm hy vọng.
Gió bấc về, mẹ gom đám lá khô trong vườn đốt lên sưởi ấm. Mùi khói lá thơm nồng, cay cay, bám vào áo len suốt cả ngày đi học. Tôi nhớ tiếng chổi của mẹ khi tờ mờ sáng, những âm thanh đều đều như tiếng võng ầu ơ. Tôi được thể nằm cuộn tròn trong chăn ngủ nướng thêm chút nữa. Những đứa trẻ quê như tôi ngày ấy thường ít được mẹ ôm, nhưng bà có cách khác để làm cho những đứa con của mình ấm áp. Ngay cả sự hiện diện của mẹ đã là ấm áp, tiếng chổi một buổi sáng đầu đông hay mùi khói lá tuổi thơ, cứ bâng khuâng trong tôi mỗi bận mùa về.
Cánh đồng làng vừa mới gặt xong, rơm mới khô giòn, cha bắt con cá quả đồng đem nướng, mùi thơm dậy lên cả một vùng ký ức. Cha gỡ từng miếng cá nướng thơm bỏ vào bát cơm con gái, hơi ấm tràn trong nụ cười của cha, rạng rỡ trên khuôn mặt mẹ, con thấy niềm vui rộn rã một góc tuổi thơ. Gió bấc về hoa cau trổ từng chùm, thơm thơm ánh trăng quê. Mái hiên nhà mẹ ngồi chải tóc cho con, cha mở radio, nghe đài báo hôm nay có gió mùa Đông Bắc.
Tôi xa nhà năm mười tám tuổi, mùa gió bấc đầu tiên cảm giác cũng giống như bây giờ, nhớ nhung sao mùi khói bếp những buổi sớm mai. Mẹ nấu nước pha trà, khói tỏa đầy mái tranh, chiếc ấm cũ đã mẻ một bên vòi nhưng cha vẫn thích dùng vì nó là món đồ gia bảo của ông nội. Cha rót chung trà làn hơi thoảng thơm thơm, mùi của búp trà non, mùi củi khô, quyện với hơi ấm từ đôi bàn tay mẹ. Tôi nghe cha khẽ dặn mẹ chả mấy nữa mà Tết, tranh thủ soạn lại mớ chăn màn cũ, giặt phơi thơm cho con mùa bấc tràn đồng.
Sáng nay, đường đến công ty thoáng se se lòng. Một chút bâng khuâng khi gió bấc thoảng qua vai, đậu trên làn da khiến tôi có một chút rùng mình khe khẽ. Vậy là một mùa bấc nữa lại về, thêm một mùa sương rưng rưng trên làn tóc cha, thêm một mùa mây mẹ bay về bên kia núi. Bỗng thấy cay cay như hôm xưa bị khói bay vào mắt. Khói của lá trong vườn mẹ đốt lên sưởi ấm những mùa đông.
Tôi bỗng muốn về thăm cha hơn bao giờ hết. Tan làm, tôi chạy một mạch về nhà, thấy cha ngồi bên ấm tách buồn hiu. Các khớp xương của ông giờ cũng đau nhức hơn khi trời trở lạnh. Mới hay mùa gió bấc chính là minh chứng hùng hồn nhất của thời gian. Dường như trong cái lạnh vừa đủ se thắt lòng, đau cũng đau hơn, nhớ cũng nhớ hơn, lo cũng lo hơn những chặng đường sắp tới. Chặng đường của tôi chênh vênh ghềnh thác, chặng đường của cha phía cuối con dốc cuộc đời.
Mùa bấc bây giờ nhung nhớ những lồng lộng xa xưa. Những căn nhà cao tầng dọc ngang, che khuất lối về hoài niệm. Phố thị xô bồ biết còn ai lặng lòng với gió. Mặc dầu vậy nhưng đối với người đã bao nhiêu năm nghe cơn bấc thổi qua mái tranh nghèo, thì mỗi mùa gió bấc về, mang theo một trời ký ức bâng khuâng.