Xưa và nay

Quận công Nguyễn Công Cơ: Người thầy và vị quan trị thủy đất Thăng Long

Nguyên Trang {Ngày xuất bản}

Lễ kỷ niệm 290 năm ngày mất của Tiến sĩ, Quận công Nguyễn Công Cơ, người con của quê hương Xuân Đỉnh, vừa được tổ chức trong tháng 12.

Đây cũng là dịp kỷ niệm 30 năm ngày đón nhận Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia của di tích Nhà thờ Quận công Nguyễn Công Cơ tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Dịp này, câu chuyện về một danh nhân có tài và thương dân được nhắc nhớ, không chỉ trong dòng tộc Nguyễn Công.

dangco.jpg
Người dân địa phương và con cháu dòng họ Nguyễn Công dâng hương tại nhà thờ Quận công Nguyễn Công Cơ nhân kỷ niệm 290 năm ngày mất của ông.

Làm thầy và làm quan

Nguyễn Công Cơ sinh ngày mùng 6 tháng Giêng năm 1675 tại xã Xuân Đỉnh (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm).

Năm 13 tuổi, dự thi Hương lần đầu, ông đã đỗ Tam trường. Năm 19 tuổi, ông đỗ Hương cống và năm 23 tuổi dự thi Hội trúng Tứ trường, vào thi Đình được ban Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân. Nhờ trí thông minh thiên phú, trưởng thành trong nền Nho học với ý chí tự thân, Nguyễn Công Cơ trở thành người trẻ nhất khoa thi Tiến sĩ lúc bấy giờ. Tên ông được khắc trên bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nhưng trước khi có được vinh dự ấy, lịch sử dòng tộc Nguyễn Công còn ghi nhớ câu chuyện nho sinh Nguyễn Công Cơ vừa ôn thi tại Quốc Tử Giám vừa tranh thủ dạy học ở Hàng Buồm. Thăng Long thời ấy không chỉ tấp nập nho sinh mà còn là nơi hội tụ thương nhân, trong đó có người Hoa. Dân đổ về đông đúc, việc buôn bán, học hành, mở trường càng sôi động và đó là điều kiện tốt để các nho sinh như Nguyễn Công Cơ có đất dụng võ. Làm thầy ở tuổi còn trẻ, ông sớm thể hiện tư chất và khát vọng học không chỉ để thi mà còn để làm người. Sau này, ông làm quan đến Binh bộ thượng thư rồi có thời gian đảm nhiệm vai trò Tham tụng, đứng đầu phủ Liêu của chúa Trịnh. Sức học uyên thâm, tài ngoại giao rõ rệt, ông từng được cử đi sứ Trung Quốc.

Nhưng có điều thú vị, tư liệu dòng họ còn ghi, Nguyễn Công Cơ có hai học trò giỏi người Hoa từ thuở ở Hàng Buồm và sau này trở thành những quan đại thần của nhà Thanh. Và chính trong dịp Nguyễn Công Cơ đi sứ Trung Quốc, ông đã được hai người này đón tiếp trọng thị cũng như giúp đỡ thiết thực. Đặc biệt, hai học trò này khi về nước, thành danh nhưng vẫn ghi nhớ công ơn thầy và đã xây miếu thờ Nguyễn Công Cơ tại Trung Quốc. Câu chuyện thú vị về hai người học trò này đã được Nguyễn Công Cơ ghi lại trong cuốn “Sứ trình nhật lục”. Chuyến đi sứ với nhiều thành công của Nguyễn Công Cơ được Phan Huy Chú ghi lại khá chi tiết trong “Lịch triều hiến chương loại chí”.

Làm thầy, làm quan, Quận công Nguyễn Công Cơ đều thể hiện mình là người tận tâm vì công việc và vì người dân.

Xuân Đỉnh xưa được xem là nơi “ruộng ngọc”, nhưng vì là vùng trũng nằm bên sông nên vào mùa mưa, nước ngập đến thắt lưng. Theo các ghi chép lịch sử và tài liệu của người làng, trong thời gian làm quan, Quận công Nguyễn Công Cơ đã dùng tiền cá nhân, đứng ra cùng nhân dân địa phương tổ chức đào đắp con mương dài hơn 10km có tác dụng thoát nước cho cánh đồng trũng từ Xuân Tảo và các vùng lân cận chảy qua làng Cổ Nhuế ra sông Nhuệ.

Mương dẫn nước là một trong những công trình phổ biến trong trị thủy của vùng châu thổ, giúp người dân tránh khỏi cảnh lụt lội, từ đó mà giảm mất mùa, bớt đói kém. Hẳn việc làm này của vị quan Nguyễn Công Cơ đã ghi dấu ấn mạnh mẽ đối với người dân, khiến câu chuyện nói trên còn được lưu truyền mãi.

Một vùng di tích

Đền thờ Quận công Nguyễn Công Cơ là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, hiện thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Xuân Đỉnh là đất được hợp nhất từ hai làng cổ Xuân Tảo (tên Nôm là làng Cáo) và Cáo Đỉnh (tên Nôm là làng Giàn). Dấu ấn của làng cổ còn hiện diện qua những di tích như đền Sóc được dựng từ thế kỷ X ở đầu làng phía Đông, ghi dấu ấn Phù Đổng Thiên Vương - cậu bé làng Gióng đi đánh giặc từng nghỉ chân ở đây. Đình làng Xuân Đỉnh thờ tướng quân Lý Phục Man, vị tướng từ thời Lý Bôn đã có công diệt giặc Lương, giặc Man bảo vệ Tổ quốc. Đình làng hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ quý hiếm từ thời Lê, thời Nguyễn. Đất cổ, giàu truyền thống văn hóa và những truyền thuyết đẹp, là cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp tư chất cho nhiều nhân vật của làng, trong đó có Quận công Nguyễn Công Cơ.

Nói đến làng Việt cũng phải nhắc đến họ tộc, một trong những yếu tố cấu thành văn hóa làng xã đặc trưng. Gia phả dòng họ Nguyễn Công còn truyền đời những lời căn dặn làm nên căn cốt cho nhiều thế hệ: “Gia đình nhà ta cả đời lấy việc học hành làm sự nghiệp... Ta chỉ lo học không đến nơi đến chốn, chứ không lo quan Hữu ty không sáng suốt...”.

Người từ làng đi ra, làng trở thành dấu ấn đời sống, sự nghiệp của mỗi người, và hiểu về làng cũng là cách để hiểu về người - cái lẽ ấy trong hành trình của dân tộc Việt đã trở thành tất yếu. Nhớ về một danh nhân Thăng Long với nhiều bài học truyền đời là một điều ý nghĩa. Nhưng có dịp về thăm vùng đất cổ của danh nhân mới thực là dịp hiểu thêm về đất và người nơi đây.

Nguyên Trang