Một thời “than tổ ong”
Có một thời, cách nay chưa xa lắm, bếp than tổ ong gắn bó với cuộc sống của nhiều người Hà Nội, từ nhà ra phố đâu đâu cũng thấy khói than tổ ong.
Rồi cuộc sống ngày một khấm khá, chiếc bếp than tổ ong - loại phương tiện nấu nướng kém văn minh, gây hại cho môi trường sống - không còn là lựa chọn phổ biến nhưng vẫn có chỗ đứng trong ký ức của nhiều người.
Cùng với lương thực, chất đốt là một nỗi lo vắt từ thời chiến tranh sang thời bao cấp và cả giai đoạn đầu đổi mới. Ở nội đô, người dân mua than cục hoặc than cám rồi nặn thành bánh hay ép thành cục, gọi là than quả bàng. Người ta còn dùng than củi, mùn cưa, vỏ trấu… làm chất đốt. Thời đó, bếp dầu là thứ khá văn minh rồi. Nhưng tất cả những loại chất đốt này đều gây khói.
Đầu những năm 1980, Sở Thương nghiệp Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu cho ra đời loại than tổ ong theo kiểu Nhật nhưng phù hợp với điều kiện nước ta. Bây giờ, nhiều người “sợ” phải nghĩ lại thời kỳ sử dụng than tổ ong. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rất nhiều tác hại của nó. Nhưng ở Hà Nội vào thời điểm đó, than tổ ong là một bước đột phá. Gọn hơn, sạch sẽ hơn, hiệu quả hơn so với các loại chất đốt khác. Người sử dụng bếp than tổ ong có thể điều chỉnh nhiệt lượng đun nấu bằng cách đóng, mở cửa lò. Khi viên than cũ sắp hết thì chỉ việc cấy viên mới vào. Bếp than tổ ong còn có chế độ ủ. Khi kết thúc đun nấu, người ta đậy nắp lò lại, để viên than âm ỉ. Nếu ủ không quá lâu, khi mở lò ra, có thể đun nấu tiếp bằng viên than cũ.
Người Hà Nội nhanh chóng đón nhận chất đốt mang tính “đột phá” này. Mừng nhất là những người sống trong các căn hộ tập thể hay nhà ở chật chội. Bếp than tổ ong gọn gàng, dễ cơ động. Những lúc không muốn có mùi than trong nhà, người ta có thể xách bếp ra hành lang đun nấu tạm. “Hời” nhất là các hàng quán. Họ nhanh chóng nghĩ cách "chế" ra những chiếc bếp than tổ ong có thể cùng lúc dùng ba, bốn viên than, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiệt lớn. Đi trên các tuyến phố, qua những hàng phở, hàng bún thường thấy chủ cửa hàng kê chiếc bếp than ngay ở lối ra vào, hoặc trên vỉa hè, với nồi nước dùng sôi sùng sục để phục vụ thực khách. Nhiều quán trà vỉa hè cũng có một chiếc bếp than tổ ong. Trên các con phố, cảnh đun nấu, nhóm lò bằng bếp than tổ ong không phải hiếm gặp. Đám trẻ thế hệ 7x và 8x "đời đầu" không mấy đứa không thành thạo kỹ năng nhóm bếp than tổ ong. Nhiều người ở quê ra Hà Nội mắt tròn mắt dẹt khi thấy chiếc bếp tiện lợi đến thế…
Không có con số thống kê thời kỳ cao điểm mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ hết bao nhiêu viên than tổ ong. Nhưng nhu cầu lớn dẫn đến những “công xưởng” sản xuất than tổ ong ra đời tại các huyện ven đô hay những khu đất rộng trong phố. Khu vực ngoài đê, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, từng là “thiên đường” sản xuất than tổ ong. Một trong những “đầu mối” cung cấp than tổ ong lớn nhất cho nội đô là huyện Gia Lâm.
Nhu cầu lớn đến nỗi dẫn đến sự hình thành của một nghề mới: Nghề giao than tổ ong từ ngoại thành vào nội thị. Cứ 5h sáng, đoàn xe thồ chở than đã lên cầu Long Biên, lầm lì nối nhau vào phố. Người ta xếp than rất khéo, mỗi lỗ “tổ ong” lại có một chiếc que nhỏ, để than xếp lên cao, có khi lút đầu mà không bị đổ. Có người chở đến 200 viên than - khoảng 2 tạ, người điều khiển xe phải mắm môi, gò lưng lúc mới lên xe và cả lúc ngược gió. Cây cầu Long Biên vì thế, lúc nào cũng đen kịt, nhất là ở phía Gia Lâm sang.
Tiện thì có tiện so với những chất đốt khác, nhưng vào những ngày nóng bức, dùng bếp than tổ ong cũng là một cực hình, bởi khói độc thải ra là điều không tránh khỏi. Trong không gian hẹp, chiếc bếp than tổ ong làm không khí càng ngột ngạt. Những người bán hàng ăn cả ngày phải ngồi “hun mình” bên bếp cũng là việc chặng đặng đừng. Hà Nội ô nhiễm không khí hơn cũng vì “lạm phát” than tổ ong.
Cũng may, thời kỳ đổi mới giúp kinh tế khởi sắc nhanh chóng. Cuối những năm 1990, bếp ga dần trở nên quen thuộc. Sang đầu thế kỷ XXI, những phương tiện đun nấu hiện đại hơn xuất hiện ngày một nhiều, đến bếp ga cũng thành lạc hậu. Mấy năm trước, Hà Nội vận động người dân không đun than tổ ong nữa. Trong nội đô, người dân chia tay với những chiếc bếp gắn bó một thời.
Tôi vẫn thường nghĩ lại thời kỳ bao cấp và sự chuyển mình sau bao cấp. Thời đó, Hà Nội nghèo khó mà thân thương đến lạ. Tôi cũng có những người thân từng nhiều năm gắn bó với chiếc xe thồ ngày ngày chở than qua cây cầu trăm tuổi. Giờ, nhớ lại vẫn thấy sống mũi cay cay. Những chiếc bếp than tổ ong đã khép lại hành trình của nó. Nhưng nó cũng cần có một vị trí xứng đáng trong bảo tàng, để thế hệ sau còn biết đến. Bởi một thời, gần như nhà nhà đều gắn bó với than tổ ong…