Hà Nội 360

Xuân sớm ở Cổ Hoàng

Bài và ảnh: Minh Phú {Ngày xuất bản}

Kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng... là những thứ quà quê dân dã gắn với ký ức của người Việt Nam. Ở Hà Nội có nhiều nơi làm loại kẹo này như làng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng Tháp Thượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng), làng Cổ Hoàng (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên). Trong đó, làng Cổ Hoàng có nghề truyền thống này từ cách nay hơn 100 năm với những bí quyết riêng, tạo nên thương hiệu.

co-hoang-1.jpg
Sản xuất kẹo dồi ở cơ sở sản xuất Chiến Tấn, thôn Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên.

Rộn ràng vụ Tết

Đến Cổ Hoàng vào những ngày này dễ cảm nhận được không khí làng quê rất nhộn nhịp, sôi động. Không chỉ vậy, đi khắp các ngõ xóm đều thấy mùi thơm ngào ngạt. Chị Trần Thị Xuân, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo gia truyền Thiệp Xuân cho biết: “Khoảng một tháng nay, gia đình tôi chính thức bước vào vụ Tết. Hiện mỗi ngày gia đình làm khoảng 3 tạ bánh kẹo, tạo việc làm cho 10 lao động. Ngoài các sản phẩm truyền thống như kẹo dồi, kẹo lạc, chè lam, kẹo vừng, chúng tôi còn làm thêm sản phẩm mới như kẹo gạo lứt, kẹo lạc trà xanh matcha... để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng”.

Người Cổ Hoàng làm nghề suốt cả năm, nhưng nhộn nhịp nhất là 3 tháng gần Tết. Chị Vương Thị Hồng Gấm (cơ sở sản xuất bánh kẹo Chiến Tấn) chia sẻ: “Chúng tôi phải bố trí thêm công nhân, kéo dài thời gian sản xuất sang cả buổi tối để kịp làm ra 4 tạ bánh kẹo mỗi ngày. Đường và nha đã chuẩn bị rất nhiều. Riêng lạc thì bảo quản rất khó, nên sản xuất đến đâu chúng tôi nhập đến đấy. Tết năm nay, giá nguyên liệu đầu vào cao hơn so với trước nên giá bánh kẹo có nhích lên. Cụ thể, 1 gói kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng xuất tại nhà đồng giá 30 nghìn đồng/ gói 500gam; kẹo gạo lứt và kẹo lạc trà xanh 35.000 đồng/gói 500gam”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoàng Long, dự kiến dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn, làng Cổ Hoàng sẽ cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn bánh kẹo các loại. “Vụ Tết là vụ sản xuất lớn nhất trong năm. Chúng tôi hy vọng Tết này sản xuất và tiêu thụ thuận lợi, người dân có thêm thu nhập để ngày Tết thêm vui” - ông Hùng cho biết.

Sức sống làng nghề trăm tuổi

Làng Cổ Hoàng còn có tên là Cổ Đường, thuộc xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên. Đây là vùng quê thuần nông, bao đời gắn bó với cây lúa, củ khoai. Từ hàng trăm năm trước, người dân đã biết chế biến rất nhiều loại bánh kẹo như chè lam, kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng...

Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Long Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại: “Cách đây khoảng 50 năm, bố mẹ tôi đã làm bánh kẹo. Khi đó, sản phẩm của Cổ Hoàng chưa phong phú như bây giờ. Kẹo được làm thủ công. Thời đó, dăm bảy ngày nhà tôi mới làm một mẻ, mẹ tôi đem đi các chợ lân cận trong vùng để bán. Thu nhập từ bán bánh kẹo nuôi sống cả gia đình... Sau này, ở làng còn một số gia đình mang nghề làm bánh kẹo đi khắp từ Bắc vào Nam, lấy đó làm kế sinh nhai”.

Qua thời gian, đã có lúc nghề làm kẹo ở Cổ Hoàng bị trùng xuống. Vào những năm 1980, nghề làm bánh kẹo ở Cổ Hoàng bị cạnh tranh gay gắt bởi sản phẩm của Trung Quốc. Những năm đó, đất nước còn nhiều khó khăn, bánh kẹo tiêu thụ rất hạn chế, nguyên liệu làm bánh kẹo cũng không cao cấp như hiện nay. Ví như với kẹo lạc, thay vì duy trì thành phần chính thuần lạc thì người làng nghề phải trộn thêm bỏng gạo...

Nghề làm bánh kẹo ở Cổ Hoàng phát triển mạnh từ năm 2005. Thị trường đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao, không những thơm ngon mà còn phải an toàn. Do vậy, người Cổ Hoàng đầu tư nhiều hơn cho khâu sản xuất, đóng gói, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Năm 2014, Cổ Hoàng là làng bánh kẹo của Hà Nội được Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống.

Bí thư Chi bộ thôn Cổ Hoàng Chu Đăng Khoa cho biết: “Cả thôn Cổ Hoàng có 200 hộ dân thì có 120 hộ làm bánh kẹo với khoảng 500 lao động. Trong số này có hơn 10 hộ sản xuất quy mô lớn, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 3 tạ bánh kẹo trở lên, như gia đình bà Nguyễn Thị Thiếp, Trần Thị Xuân, Nguyễn Thị Tấn, Đặng Thị Chuyên hay gia đình anh Trần Văn Thuận. Kẹo Cổ Hoàng đã có mặt ở khắp nơi trên cả nước. Cũng nhờ làng nghề phát triển, kinh tế của thôn Cổ Hoàng nổi trội so với các thôn khác trong xã”.

Ở Cổ Hoàng, cơ sở sản xuất kẹo truyền thống Chiến Tấn là cơ sở sản xuất quy mô lớn, sản phẩm ngon có tiếng. Bà Nguyễn Thị Tấn (hơn 60 tuổi) cho biết: “Gia đình đã có 5 đời làm nghề, hiện có nhà xưởng quy mô cùng máy cắt, dây chuyền đóng gói kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng... Sản phẩm của Chiến Tấn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó sản phẩm kẹo lạc và kẹo dồi đã được chứng nhận OCOP 3 sao”.

Thời hiện đại, điểm đặc trưng ở Cổ Hoàng là các công đoạn làm kẹo chủ yếu vẫn được thực hiện thủ công với cảm nhận tinh tế của người làng nghề. Có lẽ nhờ vậy mà bánh kẹo Cổ Hoàng luôn có sức hấp dẫn riêng, được khách hàng ưa chuộng.

Chị Vương Thị Hồng Gấm, con dâu của bà Nguyễn Thị Tấn, người phụ nữ nấu kẹo ngon có tiếng ở làng, cho biết: “Để làm ra những chiếc kẹo lạc ngon thì ngoài nguyên liệu chuẩn, khâu nấu nha và đường rất quan trọng. Lửa phải đều, không được quá to hoặc quá nhỏ; đường và nha trong chảo được đảo thật đều, thật nhanh trên bếp cho đến khi thấy có màu vàng nhạt. Nếu để già lửa thì kẹo đắng, dễ vỡ và rất khó kéo, còn nếu non lửa thì kẹo dai, không giòn. Kẹo nấu chín được đổ ra khuôn, cán mỏng. Mạch nha để nguội rất cứng, cắt sẽ vỡ vụn nên người thợ phải nhanh tay nhanh mắt, khéo léo và phải khỏe”.

Mở hướng đi xa

Hiện làng Cổ Hoàng đã được Thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Từ ngày được công nhận, làng nghề được nhiều người biết đến hơn, sản phẩm đi xa hơn. Thôn Cổ Hoàng đã thành lập Câu lạc bộ bánh kẹo làng nghề truyền thống, có nhiều hoạt động hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi gia đình, chính quyền địa phương cũng có sự hỗ trợ để làng nghề ngày càng phát triển. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Long cho biết: “Xã đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Huyện Phú Xuyên đã hỗ trợ thiết bị cho Câu lạc bộ bánh kẹo của làng nghề để in nhãn mác sản phẩm. Đặc biệt, huyện hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện quy trình sản xuất, mẫu mã bao bì sản phẩm để dự thi trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Huyện Phú Xuyên cũng hỗ trợ đưa sản phẩm tham dự các hội chợ trong và ngoài thành phố; tổ chức tập huấn cho các hộ ở làng nghề về quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, cách thức bán hàng qua mạng xã hội”...

Nói về những bước đi xa hơn cho làng nghề, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, làng nghề đã từng bước khẳng định uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, đường giao thông ở Hoàng Long chưa tốt, phần nào kìm hãm sự phát triển kinh tế của địa phương. Xã Hoàng Long mong muốn được huyện Phú Xuyên và thành phố quan tâm nhiều hơn để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Xã cũng mong muốn được hỗ trợ để xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm quy trình làm kẹo truyền thống để thương hiệu bánh kẹo Cổ Hoàng được biết đến nhiều hơn.

Bài và ảnh: Minh Phú