Quê để trở về
Thằng nhỏ ngồi gọn lỏn trong sọt hàng, ngắm phố xá xanh đỏ nhộn nhịp trôi qua. Phía bên kia em nó ghé vào mắt sọt nhòm đăm đăm phiên chợ Tết ven đường.
Ai đó gọi “Nga ơi” lúc xe đang trôi trên dốc chợ. Người đàn bà dùng hai chân miết xuống mặt đường lệt xệt mới kịp phanh chiếc xe.
- Ối giời ôi, xe không có phanh à?
- Có chứ, nhưng mòn...
- Thế mà dám chở hai đứa nhỏ. Tí nữa dắt vào tiệm sửa đi, hết bao nhiêu chị trả.
- Em đi quen rồi. Vâng, tí em thay.
- Chị cho ít thịt, trưa về mấy mẹ con nấu ăn. Thế Tết này có về quê không?
Nga chìa tay đón túi thịt, vẻ tần ngần:
- Chắc là em không về.
- Có nhà có quê sao lại không về? Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại. Bố mẹ nào không thương con cháu. Có khi họ nguôi ngoai rồi, chỉ có em vẫn giữ nặng lòng thôi. Nghe chị, về đi. Tụi nhỏ cũng phải biết quê quán chứ.
Nga ngậm ngùi xoa đầu hai đứa, dặn "ngồi ngoan, lát mẹ mua bánh rán”. Hôm nay hết hàng sớm, tính chở con đi loanh quanh ngắm chợ, chợt thấy phố xá đông vui chị lại chạnh buồn. Cuối năm là lúc con người ta tha thiết mong được sum vầy. Trong Nam ngoài Bắc ai cũng thu xếp để về nhà.
***
Nhà của bố mẹ Nga lưng tựa núi, mặt hướng ra sông. Mấy chị em Nga lớn lên bằng cua tép đồng chiều, bằng rau rừng ngọt đắng. Mẹ đẻ ba con gái, nhà nội khát mụn con trai. Chiếc nón mê mẹ đội hứng những lời bóng gió rát mặt. Mặc kệ, bố vẫn vui. Đứa lớn bố đặt tên Hằng Nga. Đứa thứ hai tên Thạch Thảo. Đứa út bố chọn cho cái tên Hồng Diễm. Nhà nghèo nhưng các con gái bố đều được đến trường. Tết tuy bố phải xoay xở trả đủ nợ nần nhưng đứa nào cũng có quần áo mới. Mỗi lần bà nội giục đẻ lấy đứa con trai, bố hề hà bảo: “Để sức nuôi mấy đứa con gái nên người. Con gái con là cục vàng cục bạc. Sau này chúng sẽ khiến bà tự hào”. Bà thở dài, ngoảnh mặt.
Nhà nằm dưới chân núi. Tháng Chạp về sương và mây quyện vào nhau bao phủ xóm làng. Bố dắt chiếc xe cà tàng ra sân, ba chị em chạy túa ra. Một đứa ngồi trên thanh ngang, bám vào ghi đông xe, còn hai đứa ngồi sau ôm chặt lưng bố, vừa đi vừa hát. Có năm đào rừng nở sớm, tiếng chim hót trĩu xuống trong những vạt sương mù. Kính cong! Kính cong! Kính cong! Tiếng chuông xe đạp đi xuyên màn sương là thứ âm thanh vui nhộn nhất trong ký ức tuổi thơ Nga.
- Tết này con được may áo hoa không bố?
- Được chứ. Mỗi chị em một bộ.
- Bố biết con mong nhất Tết để làm gì không ạ?
- Để được ăn mứt và nhận lì xì đúng không?
- Bố đúng là cái gì cũng biết tuốt tuồn tuột.
Bố hay nói chị em Nga như bầy chim sẻ rinh rích nói cười ấm ran căn nhà ngay cả mùa sương gió. Mấy chị em lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến. Những đêm cuối năm mấy chị em hay ngồi cuộn tròn trong chiếc chăn bông. Hôm thì ngồi trông nồi bánh chưng, vùi sắn ngô trong lớp than hồng chờ chín. Hôm thì ngồi xem mẹ ngào mứt, thỉnh thoảng bốc vụng, nóng giãy tay. Cũng có hôm chỉ ngồi nhìn con gà mái cuối cùng trong nhà bị bắt mang đi bán. Diễm thỏ thẻ:
- Sau này em lớn lên sẽ mua cho mẹ một bầy gà.
- Chị sẽ kiếm thật nhiều tiền xây nhà mới cho bố mẹ. Đẹp hơn nhà cái Phương đầu xóm. Thế chị Nga sau này lớn lên làm gì?
- Chị muốn làm cô giáo. Chị sẽ đứng trên bục giảng, ở bên dưới cả mấy chục đôi mắt đen láy chăm chú khoanh tay nghe chị giảng. Oách không?
Cả mấy chị em đồng thanh: “Oách!”, rinh rích cười đùa rồi chìm vào giấc ngủ đẫm sương xuân tràn vào nhà qua cửa sổ.
***
Thời gian trôi qua những mùa xuân căng tràn mơ ước. Lớn lên mới biết người tính không bằng trời tính. Ba chị em đều không đứa nào hạnh phúc. Diễm làm ăn thất bát, ly dị chồng rồi mang con về cho ông bà ngoại để đi xuất khẩu lao động. Thảo làm công nhân lương ba cọc ba đồng, con cái đau ốm, thiếu trước hụt sau. Nga là chị cả còn bết bát hơn. Đang học cao đẳng thì có bầu, đi theo người đàn ông mà cả nhà không ai đồng ý. Hôm xách túi bỏ theo chồng, Nga tự hứa sau này giàu có sẽ quay lại, còn nếu khổ cũng tự chịu, không phiền đến người thân. Hôm ấy cũng là tháng Chạp. Sương từ đỉnh núi đổ xuống, đi một đoạn xa quay nhìn lại Nga không thấy ngôi nhà nhỏ bình yên của mình đâu nữa.
Nga về nhà chồng, vun vén hạnh phúc qua hết thăng trầm này đến biến cố khác. Nhưng cuối cùng chị phải ra đi tay trắng, mang theo hai đứa con bé bỏng vì không chịu được người chồng nghiện rượu, tối ngày đánh đập vợ con. Nga từng dắt con đứng rất lâu ngoài bến xe, nhìn những chuyến xe khách mang biển số quê nhà vừa chạy qua trước mặt. Nga không đủ can đảm trở về xóm núi. Chị không muốn là nỗi hổ thẹn của bố mẹ trong mắt dân làng.
Nga đưa con đến thị xã này, thuê căn nhà nhỏ đủ che mưa nắng, hằng ngày bươn chải mưu sinh. Người xóm chợ đã quen với hình ảnh ba mẹ con chở nhau trên chiếc xe thồ đầy ứ rau củ. Sáng nào cũng vậy, cứ bốn giờ sáng Nga vào làng rau lấy hàng. Lúc ấy bọn trẻ còn say giấc, chị vội vã rướn người đạp xe trong sương lạnh. Lấy hàng xong lại vội vã trở về xóm trọ đưa các con đến trường. Tụi nhỏ ngồi trong đôi sọt sau lưng mẹ hát véo von, ngắm thế giới qua đôi mắt thơ ngây, đen láy.
Xóm chợ chừa cho mẹ con Nga một chỗ để dựng xe hàng. Chỗ đó trước cửa nhà hai ông bà có những con vật nuôi bé nhỏ. Bà cụ quê cuối dải miền Trung, giờ già yếu không về thăm được. Bà thích nghe ngâm thơ. Ngày nào trong nhà vọng ra mấy câu dễ cứa ruột gan. Có hôm nghe xong mấy câu “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người?”, thằng Cá quay sang hỏi mẹ:
- Mẹ ơi! Có phải ai cũng có quê hương không ạ?
- Đúng vậy con.
- Thế quê hương của mẹ ở đâu? Sao con không bao giờ nghe mẹ kể.
Nga lặng người, không biết phải trả lời con thế nào. Có những đêm chị chìm vào giấc mơ ngọt ngào. Chị mơ thấy mình dắt tụi nhỏ đi trên con đường quen thuộc, con đường trở về nhà sau dãy núi mờ sương. Bố mẹ chân thấp chân cao chạy ra ôm lũ cháu vào lòng. Bếp nổi lửa sau những ngày xa cách, lũ nhỏ dồn con mèo cụt đuôi vòng quanh gốc cây đào. Lúc tỉnh giấc chỉ thấy nhớ nhung nhức nhối.
***
Ngày 23 tháng Chạp, chợ đông chật bán mua. Chẳng mấy chốc sọt rau đã vơi. Hai đứa nhỏ xin mẹ ra xem hàng bán cá chép đỏ ngay cổng chợ. Đúng lúc ấy có người đàn ông lớn tuổi tìm đến chợ hỏi thăm. Chợ ồn ào quá, lời hỏi thăm tiếng còn tiếng mất. Chị hàng thịt lớn tiếng hỏi lại: “Bác hỏi mẹ con cô Nga bán rau đúng không ạ?”. Mấy tiếng đó lọt vào tai thằng Cá khiến nó quay ngoắt lại. Nhìn theo tay chị hàng thịt, ông già thấy hai đứa nhỏ đang tròn xoe mắt nhìn mình. Ông nhận ra ngay máu mủ của mình. Nước da bánh mật, chiếc mũi thẳng và đôi mắt hệt như con gái ông lúc bé, không lẫn vào đâu được. Quẳng túi đồ trên tay, ông chạy lại ôm tụi nhỏ. “Ông ngoại này. Ông đến đón tụi con về ăn Tết đây này”. Chẳng chút nghi ngờ gì, tụi nhỏ tin đấy chính là ông ngoại.
Nga lặng người khi nhìn thấy bố đang dắt hai đứa nhỏ chạy lại. Chị bật khóc ngon lành như đứa trẻ đi lạc vừa được bố mẹ tìm về. Chị nhận ra bố đã già đi nhiều, tóc đã bạc. Nỗi xót xa, ân hận cứa vào tâm can chị tái tê. Ông già không nói nhiều, chỉ vài câu nghèn nghẹn: “Mình về nhà thôi con”.
Trên chuyến xe khách về quê, hai đứa nhỏ tíu tít kể cho ông ngoại nghe biết bao chuyện chúng thấy được trong những buổi ngồi trong sọt hàng của mẹ. Chuyện của chúng không có nỗi buồn. Như thể chúng chưa từng bị cái lạnh tái tê luồn qua lớp chăn mỏng mẹ cuộn quanh người trong mùa đông lạnh giá. Như thể chúng chưa từng tủi thân đi ngang qua cửa những ngôi nhà ấm cúng, đông đủ cha mẹ con cái sum vầy. Chúng kể với ông về những chiếc bánh rán bọc đường, bánh ngô nóng hổi được mấy bà trong xóm chợ dúi cho. Chúng kể về chú chó đang nằm ngoan ngoãn trong chiếc làn nhựa mà khi nãy ông phải năn nỉ chủ xe mới cho mang lên. “Hôm đấy trời mưa lạnh. Anh em con ngồi sau xe mẹ bỗng thấy gần bãi rác ven đường có con chó con run run đứng đó. Hình như nó khóc vì lạc mẹ. Tụi con mang nó về nuôi làm bạn”. Những câu chuyện như thế khiến đường về nhà ngắn lại. Ông bảo con gái: “Mệt thì cứ ngủ đi. Chợp mắt một giấc là về đến quê nhà”. Nga nhắm mắt, hai chữ “quê nhà” ấm ran trong lòng chị.
Xóm núi hiện ra sau màn mưa xuân lất phất. Bên đường những cành đào chi chít nụ hồng như những hòn than nhỏ. Mẹ đứng đó hệt trong giấc mơ, ôm tụi nhỏ vào lòng hít hà, nựng nịu. Mẹ giục tắm nhanh, cơm canh nóng hổi đang chờ. Tối ấy, chú chó lạ sủa ầm ĩ vì nhà đông khách. Bố pha ấm trà, mẻ mứt gừng mẹ vừa ngào được mang ra mời bà con chòm xóm. Những khuôn mặt thân quen nắm tay đứa con xa quê vừa trở về. Họ hỏi han những chuyện đã qua, nói về những điều phía trước. Ai đó dúi cho tụi nhỏ mấy quả bóng bay. Ai đó nói nhà có xe đạp cũ còn dùng tốt sẽ mang cho tụi nhỏ đạp đến trường. Ai đó động viên Nga ra Tết xin vào khu công nghiệp gần nhà, lương cũng đủ nuôi con ăn học. Ai đó nói: “Có quê là để về. Nếu cuộc sống ngoài kia có khó khăn thế nào thì vẫn còn có quê hương đón đợi”. Nga tin vào điều đó, như tin vào chồi non lộc biếc mùa xuân...