Xưa và nay

Chuyện ít biết về phố sách Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến {Ngày xuất bản}

Hà Nội có con phố khá đặc biệt, không số nhà, tên phố là ngày và tháng của một năm bi thương trong lịch sử chống thực dân xâm lược, đó là phố 19-12. Từ khi thành phố cho mở các quầy sách, người ta gọi đây là “phố sách”.

pho-sach.jpg
Một góc phố sách Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm

Phố 19-12 nằm giữa một bên là Tòa án Nhân dân tối cao (thời Pháp là Tòa Thượng thẩm) và bên kia là khách sạn Melia (xưa là Trường Kỹ nghệ). Phố dài hơn 100m, bắt đầu từ phố Hai Bà Trưng đến phố Lý Thường Kiệt. Năm 1900, phố có tên là Palais de Justice, năm 1933 đổi thành Paul Simoni. Tháng 12-1945, Thị trưởng Trần Duy Hưng đổi tên phố này thành phố Lê Chân. Tên Lê Chân được giữ nguyên sau lần đổi tên phố năm 1949 và 1951.

Với mục đích tái chiếm Hà Nội, trong tháng 12-1946, quân Pháp nhiều lần kiếm cớ gây sự với lực lượng Việt Minh. Sáng ngày 17-12, chúng thảm sát dã man người dân vô tội ở phố Hàng Bún. Chúng ta đã nhân nhượng vì không muốn chiến tranh nhưng thực dân Pháp càng lấn tới. Biết không thể tránh được một cuộc chiến tranh, ngày 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Đáp lời kêu gọi của Người, tối ngày 19-12-1946, Trung đoàn Thủ đô và Tự vệ Hà Nội đã chủ động nổ súng đánh quân Pháp. Đây là dấu mốc quan trọng vì lần đầu tiên đội quân non trẻ của ta đánh Pháp ngay tại đầu não của chúng. Bất chấp sự chênh lệnh về quân số, vũ khí, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, tự vệ thành và những người dân phố ở lại đã “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Trong chiến đấu, mất mát hy sinh là không tránh khỏi. Ở nhiều chiến lũy, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, tự vệ thành và người dân chết nhưng không thể lấy được xác. Tướng Pháp Jean Valluy đã ra lệnh cho binh lính mang những xác này ném xuống hầm trú máy bay ở phố Lê Chân. Hầm này được đào sau ngày 24-3-1944, vì sáng ngày này, máy bay Đồng minh đánh bom vị trí quân Nhật trong thành phố, còi báo động vang lên nhưng dân chúng không thể vào trú tránh ở hầm xây trong Tòa Thượng thẩm bởi cửa đóng kín. Chứng kiến sự việc này, luật sư Michel Dunezat đã bức xúc gửi thư cho Đốc lý De Pereyra. Và ngay hôm sau, De Pereyra đã tức tốc cho đào hầm chìm, nóc che gỗ phủ đất bên trên dọc phố Lê Chân.

Thành phố bị tạm chiếm, chính quyền đã rào chắn hai đầu, chỉ để lối nhỏ cho dân chúng vào thắp hương. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, thành phố đắp lại mộ, trồng cỏ, treo tấm biển ghi dòng chữ: “Mồ nhân dân và chiến sĩ hy sinh ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946” ở phía phố Lý Thường Kiệt. Năm 1981, thành phố đã cho bốc hài cốt mang lên an táng ở nghĩa trang Bất Bạt (nay là nghĩa trang Yên Kỳ, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì). Tuy nhiên, do không có con số tiểu đựng xương nên rất khó ước đoán số người chết được di chuyển.

Công việc hoàn thành, năm 1984, phố được đặt tên mới là 19-12. Để giảm bớt tình trạng mua bán đông đúc ở chợ Cửa Nam và Hàng Da, thành phố cho phép quận Hoàn Kiếm lập chợ tạm. Vì chợ nằm trong nghĩa trang nên dân gọi là chợ "Âm phủ".

Năm 2008, thành phố thu hồi 3.054m2 chợ 19-12 giao cho Công ty TNHH Thủ đô II làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê. Tổ hợp công trình gồm 2 khối cao ốc, tổng diện tích sàn 19.013m2. Một khối nhà cao 7 tầng làm văn phòng, khối kia 17 tầng, 5 tầng dưới là chợ truyền thống kết hợp nhà hàng. Nhưng dự án không nhận được sự đồng tình của các nhà sử học, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa nên thành phố đình chỉ, chuyển sang dự án phục hồi đường và công viên. Tháng 1-2009, máy xúc đào đất đã phát hiện dưới lòng đường còn xương cốt. Trong quá trình đào bới, công nhân thấy xương cốt lộn xộn, chồng chéo lên nhau, điều đó chứng tỏ những người chết bị quăng chồng lên nhau. Sau hơn 10 ngày tìm kiếm, có chỗ sâu 3,5m, công nhân đã thu gom được lượng xương cốt rất lớn, đựng đầy trong 497 tiểu sành.

Theo phong tục của người Việt, sau khi chôn người chết ít nhất 3 năm, gia đình có thể bốc mộ. Với thời gian như vậy xương chưa bị mục, xếp vào tiểu chỉ chiếm một nửa mẫu tiểu thông dụng. Như vậy với 497 tiểu đầy xương, ước đoán số người chết khoảng 1.000 người. Và vì thời gian quá lâu, hơn 60 năm nên những xương nhỏ đã bị mục, tức là số người chết có thể lớn hơn. Nếu tính cả số xương cốt đã bốc năm 1981, có thể phỏng đoán, số người bị chôn ở phố Lê Chân là rất lớn. Đó thực sự là tội ác dã man của thực dân Pháp với Thủ đô Hà Nội. Cùng với xương cốt, đội quy tập còn tìm thấy 119 hiện vật, trong đó có những hiện vật có thể giúp xác định họ là chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, là tự vệ Thành Hà Nội, là phụ nữ, tù nhân...

Tám năm sau khi công trình hoàn thành, thành phố quyết định mở phố sách. Ngày 30-4-2017, phố sách khai trương, trở thành địa điểm văn hóa của người dân Thủ đô.

Nguyễn Ngọc Tiến