Hà Nội 360

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc vào vụ Tết

Quỳnh Dung {Ngày xuất bản}

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân làng nghề bánh chưng Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) lại tất bật, vừa chuẩn bị nguyên liệu, vừa gói bánh chưng để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

tranh-khuc.jpg
Sản xuất bánh chưng tại làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì). Ảnh: Tuấn Anh

Theo bà Đặng Thị Thảo, chủ cơ sở sản xuất bánh chưng tại làng Tranh Khúc, nghề làm bánh chưng ở làng Tranh Khúc có từ rất lâu và nghề truyền thống này đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán, số lượng người đặt bánh chưng tăng gấp đôi so với ngày thường. Dự kiến Tết năm nay, gia đình bà sản xuất khoảng 5.000 chiếc bánh chưng và giá bán cao hơn năm trước khoảng 20%, dao động từ 40.000 đến 50.000 đồng/chiếc.

“Số lượng người làm bánh chưng có lúc nhiều, lúc ít, song chất lượng bánh chưng Tranh Khúc không những được duy trì, mà còn ngon hơn theo năm tháng. Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng bởi vị thơm ngon và độ dẻo…”, bà Thảo bộc bạch.

Hiện làng Tranh Khúc có 140 hộ dân làm bánh chưng và trung bình mỗi năm các hộ sản xuất được khoảng 10.000 chiếc bánh chưng. Khoảng 70% số bánh chưng này phục vụ khách hàng tại Hà Nội, còn lại là phục vụ khách hàng của các tỉnh, thành phố khác và xuất khẩu. Thời điểm này, các hộ gia đình trong làng đã chuẩn bị đủ nguyên liệu để làm bánh chưng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đáng chú ý, hiện tại các hộ sản xuất bánh chưng ở làng Tranh Khúc đã áp dụng công nghệ mới vào một số công đoạn làm bánh. Thay vì luộc bánh bằng củi khô, các hộ gia đình chuyển sang luộc bằng nồi hơi, nồi điện, giúp bánh chưng chín đều, ngon hơn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ xưởng bánh chưng Phong Sơn ở thôn Tranh Khúc cho hay, ngày xưa người dân trong thôn đều đun bánh chưng bằng củi và phải có người ngồi trông suốt từ khi bắt đầu luộc đến khi xong để canh lúc nào hết nước, hết củi thì thêm vào, nếu không bánh sẽ không chín. Giờ đây, các hộ dân đã đầu tư nồi inox cỡ lớn và nấu bằng điện, bánh chín bằng hơi nước, mỗi lần có thể luộc được từ 600 đến 800 bánh/nồi. Bánh chưng luộc bằng điện chín đều, nhừ hơn, nhưng vẫn giữ được độ thơm ngon, béo ngậy của bánh. Do hơi nước được giữ trong nồi, nên người nấu không phải lo thêm nước hay bánh bị sống và rất yên tâm về chất lượng.

Chia sẻ về việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống làng nghề, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Văn Mão cho biết, thời vụ cao điểm của làng nghề kéo dài trong suốt tháng 12 âm lịch của năm. Để giữ gìn danh tiếng bánh chưng Tranh Khúc, xã cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở các hộ gia đình sản xuất phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và giữ vững chất lượng bánh chưng của làng nghề.

“Xã Duyên Hà đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là Điểm du lịch và xã đang hướng tới du lịch trải nghiệm, giới thiệu mô hình sản xuất bánh chưng, bánh giày truyền thống của làng nghề tới các trường học trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận”, ông Nguyễn Văn Mão thông tin.

Còn theo Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Tạ Thu Sa, Huyện đoàn vừa phối hợp với xã Duyên Hà tổ chức liên hoan bàn tay vàng làng nghề truyền thống bánh chưng tại thôn Tranh Khúc và có 5 hộ gia đình trực tiếp tham gia làm bánh. Liên hoan này nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi về những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc dịp Tết Nguyên đán, trong đó có tục lệ gói bánh chưng ngày Tết và góp sức trẻ vào việc giữ lửa truyền thống làng nghề. Hơn nữa, thông qua liên hoan để quảng bá sản phẩm bánh chưng truyền thống địa phương tới đoàn viên, thanh niên và nhân dân. Trong quá trình tham gia liên hoan, các đại biểu đã được trải nghiệm những công đoạn làm bánh chưng, từ việc chuẩn bị nguyên liệu, như lá dong, đậu, gạo, ướp gia vị vào thịt làm sao cho đậm đà và giữ được hương vị; đồng thời, thấy được giá trị của hương vị bánh chưng truyền thống mà cha ông truyền lại.

Có thể thấy, những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên khắp các ngõ, xóm của xã Duyên Hà mùi hương bánh chưng lan tỏa. Người dân ai cũng hân hoan trong niềm vui công việc, chứa đựng niềm hy vọng về cái Tết ấm no, đủ đầy.

Quỳnh Dung