Ký ức nước
Sáu mươi năm trước tôi là thằng bé “bột nhẽo” bám đuôi mẹ, ngày nọ theo thằng nghịch như quỷ vượt đê sông Hồng, biết đến một thế giới khác hẳn phố cổ.
Đường giữa hai sân bóng đá Long Biên, Phúc Xá vắng người, dẫn ra những giàn đỗ, cà chua. Vũng nước chân trụ cầu Long Biên sậy xanh um, bắt được cà cuống. Trẻ phố trộm khoai chuột, ngô sữa bị bắt khóc thảm thiết. Dòng nước màu nâu đỏ chảy nhanh, nhiều vũng xoáy nguy hiểm không ngăn được thú khám phá, cởi hết xuống bì bõm. Thái “quái” trổ tài lặn dưới gầm bè mãi không thấy lên. Trung “Biên tròn” bị ruồi chui vào tai. Hôm Quỳnh, Tâm, Sơn “sẹo xanh” bơi sang hẳn bên Gia Lâm, cả bọn lo lắng chả biết có ngủm, rồi ba thằng ôm chim lội ngược về sau cuộc thả trôi. Một thế giới hoang dã, khiến vừa sợ hãi vừa tò mò.
*
Lớn lên biết câu “Nhất cận thị nhị, cận giang”, ra ý sống cạnh thành thị, sông nước dễ phát đạt, trở nên giàu có. Nhiều nơi trên đất nước mình có cái “thế” sinh thành như vậy: Việt Trì “thành phố ngã ba sông”, Phủ Lý sông Châu, Hải Phòng chi chít cửa biển. Vào phía Nam là Đà Nẵng bên sông Hàn, Sài Gòn chằng chịt hệ Cửu Long Giang. Hồng Hà vĩ đại pha nước những Đà, Thao, Lô... là dòng sông Cái của Đồng bằng Bắc Bộ, để dọc dòng chảy bao nhiêu đô thị, lớn thành kinh sư, nhỏ tụ về bao mảnh đời làng mạc xung quanh, đủ khiến “người khôn của khó”.
“Thị” và “giang”, trước khi trở thành “nhất”, “nhị” như câu trên, nơi nào có, tức là tạo lập ra một trung tâm trước? Thử tưởng tượng đoạn khởi đầu là bến đò. Người đi chợ, con gái lấy chồng xa, lính thú về với vợ... ngồi đợi trong quán nghển nghển rất sốt ruột, bèn “vắt chân chữ ngũ đánh củ khoai lang/ bớ mụ nhà hàng rót tôi bát nước”. Thuyền đinh chở măng, củ nâu, tơ sống cánh kiến, bè tre gỗ đỗ lại bốc dỡ sinh ra trạm thuế, đồn binh. Dân buôn đi lại nhiều va chạm lắm rất khôn ngoan, bỏ quê đến chỗ làm ăn dễ. Đường sông tấp nập gắn liền những ngôi chợ ven bờ, hai bên nương vào nhau tồn tại, sinh lợi. Thị “chợ” lổn nhổn eo sèo sinh ra thị “thành” có ông quan ngồi trong, đi đứng, ăn nói có lễ nghĩa. Xung quanh ngôi thành là dân buôn chả biết cấy cày nữa, đẻ ra lũ con cháu sành ăn chơi, ngâm vịnh, để lại cái gọi là văn hóa đô thị. Một nền nếp, kiểu cách sống khác hẳn ra đời, xa cách hoặc còn dùng dằng với sân đình thành hoàng, những đống mả ven đường, người quê đi chợ tin rằng đặt thêm hòn đất vào sẽ gặp may.
Tưởng thế, thì đồ rằng “giang” giương cao vai trò của mình trước “thị”.
Nghìn năm trước Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi đã quyết định bỏ Hoa Lư dễ thủ hiểm ra lập đô giữa đồng bằng trống trải, ngoại xâm đến hoặc có biến phải chạy đi - như Trần, Hậu Lê sau này. Nhưng có như thế mới thoát khỏi đẳng cấp "thủ lĩnh quân sự" như nhà Đinh, Tiền Lê, đặng mà trấn trị cả thiên hạ, dương danh với ngoại bang.
Dời đô là quyết định vĩ đại, phải đối mặt với thử thách, nhưng nhờ thế triều Lý tồn tại dài hơn hẳn Đinh, Tiền Lê trước đó ở Hoa Lư. Tên mới của kinh đô mới trở thành biểu tượng của độc lập tự chủ, văn hóa, cho đất nước tự cường.
*
Hồi sang Trung Quốc, tôi thắc mắc các thành thị thường dựa vào một con sông, thì đâu là con sông ấy của Bắc Kinh. Câu hỏi bình thường mà cắc cớ, khiến người thông thạo không trả lời được. Sau mới biết chốn ấy của đất nước tỷ dân là vùng sa mạc, bão cát nhiều chứ nước hiếm, chính quyền từ lâu muốn đào sông dẫn từ miền Nam lên mà chưa thể. Hay vậy, thì càng thấy ta may mắn. Chữ S dài dặc từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng có sông, chủ yếu từ phía Tây cao đổ xuống biển Đông. Sông nước gắn bó, cùng tạo nên hệ làng, chợ, thành thị, cho những giá trị thật lớn lao, trường tồn trong lịch sử. Sinh ra một tâm thức nước chỉ cách ứng xử mềm mại uyển chuyển kiểu “tam giáo đồng nguyên”, hay một trời ca dao nối lòng người giữa đôi bờ, từ cửa lên nguồn.
Những nơi không “cận giang” thì gần gụi mặt nước ao bèo. Leo hẳn núi cao lại có “Người Thái ăn nước người Mông ăn sương”. Môn folklore còn khái quát “tên nước thế nào tên đất thế nấy”, Nậm Tè (nước thật) trên Lai Châu có Mường Tè xã, Mường Tè huyện, chảy xuống dưới mới gọi sông Đà.
*
Nghĩ thế lại phát phiền tâm trạng mới. Từ Bắc vào Nam, đô thị bên sông nhiều biết bao. Nhà chọc trời chiếm lĩnh tầm nhìn xa, trở thành biểu tượng thành phố, nhưng dòng nước khai sinh ra chúng thật khó thấy. Sông Lô hùng tráng vào thành phố Hà Giang bị bê tông bít kín, khách sạn, nhà hàng bề thế đóng cọc to xuống đáy, soi mặt lưng thô kệch xuống dòng chảy. Cao Bằng có hẳn hai con sông thoáng đãng, chợ sáng họp bên Bằng Giang nhộn nhịp sản vật, màu sắc dân tộc. Đặc biệt nhất là Huế, chốc chốc lại hiện ra dòng Hương, cho ta tâm thức âm dương cân bằng, hòa quyện, có thể đi bộ hoặc ngồi cả ngày thưởng thức, thoát nhịp sống dồn ép.
*
Thế rồi không khỏi “nhớ” thành phố của mình, nơi gắn bó gần như cả đời. Hoàn Kiếm, con hồ ngọc ngà, biểu tượng Thủ đô từng nối với Nhĩ Hà. Sông Tô nước trong thuyền bè du ngoạn. Những hình ảnh đẹp đã xưa quá. Gần gụi là hồ Tây, không có đường vành đai khéo đã bị lấn chiếm, hẹp đi bao nhiêu. Làng lên phường phố, ao chuôm lấp để xây cất, nước thải không còn chỗ đổ xóm giềng sinh cãi cọ. Ngoài vở sông Hồng, xóm vô gia cư đã đứng chắc, lập đơn vị hành chính. Muốn nhìn được sông phải đi xa, lạch Quýt to còn tàu bè phì phò chứ lạch Cam đã thắt nhỏ lắm, như không còn chảy. Màu nước cũng không phải màu phù sa.
Thế mà Bãi Giữa lại mọc vài bãi tắm, họp chiều cả hè lẫn đông. Những “tiên ông” bơi giỏi ra giữa dòng khoe da mầu đồng. Kẻ nhút nhát, chập chững đơn giản chỉ duỗi dài trên bờ cát chờ tiếng còi của con tàu ngược dòng trong ánh chiều sậm dần. Nhớ nước một lúc rồi về với phố xá chật chội.