Hà Nội văn

Giai điệu bốn mùa

Tản văn của Phạm Hồng Sơn {Ngày xuất bản}

Đời người bắt đầu từ ấu thơ và tuổi trẻ, như mùa xuân trong hành trình của vạn vật thuận theo chuỗi vần xoay của thời gian. Qua tiết xuân hoa đua nở sẽ có nắng hè chói chang, rồi đến thăm thẳm sắc trời mùa thu để gợi tâm tư về sự đằm thắm lên ngôi của lứa tuổi trung niên.

Và đông về mang theo bao nỗi nhớ, cả sự phiền muộn hay nỗi lòng riêng lẻ, cũng là lúc tổng kết cho một năm sắp qua. Nhưng trên hết, ta thấu hiểu giá trị thời gian để chắt lọc và trân trọng cái đẹp, cái tốt giữa nhân gian bao la, đầy biến động, phức tạp. Nào cùng trải nghiệm xuân - hạ - thu - đông.

mua-dao.jpg
Xuân về trên phố. Ảnh: Lê Bích

Xuân đến bao giờ nếu không phải là từng giọt mưa phùn lắc rắc, vô tư rơi từng giọt mỏng, đủ làm ẩm áo khoác người thiếu nữ ra phố nhập vào dòng đời trong thời khắc sang năm mới. Cỏ lún phún lớn nhanh, từng chiếc lá non mởn, hồng tía lên dưới nắng xuân êm dịu. Mùa xuân bao giờ cũng gợi nhắc sự sinh trưởng như ước vọng muôn thuở mà thành đề tài chưa bao giờ cũ với những kẻ nhỡ có chút tâm hồn lãng mạn. Cái Tết vừa đi qua nhưng dấu ấn, tinh thần của nó vẫn vẹn nguyên đây, với bánh chưng trên bàn thờ, bình hoa đẹp vừa được thay mới và khói hương trầm bảng lảng, như lời tri ân với tiền nhân ở cõi xa xăm. Không khí cổ truyền hiển hiện thật đậm đà, nhiều nơi đã kịp khai mùa lễ hội.

Xuân về, ta đong đầy cảm xúc, thấy cảm thông cùng nỗi lòng của giới nhạc sĩ tài hoa, có lẽ bởi họ nói hộ chúng ta những nghĩ suy về cuộc sống. Ta nhớ từng câu trong bài “Mùa xuân gọi” của Trần Tiến rồi thấy bóng mẹ già đang ngóng đợi con - người lính còn gian lao nơi biên ải, nhớ “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, rồi “Đi qua vùng cỏ non” của Trần Long Ẩn và nhiều nhạc phẩm về mùa xuân khác. Nên nghe nhạc lúc tâm trí thanh nhàn mới thấy hết thú vui tao nhã và giản dị của cái sự nghe mà nghĩ. Làm thế để hồn cốt, tinh túy của giai điệu, ca từ thấm vào hồn mình. Thật hạnh phúc cho người biết nâng niu, thưởng thức thơ ca nhạc họa để làm giàu cho bản thân bằng những giá trị nhân bản trong thời buổi giá trị vật chất đang có phần lấn lướt.

Mùa hè cứ ào ạt, nóng vội như khi người ta còn trẻ với nhựa sống căng đầy, đôi khi nông cạn đến mức nhầm tưởng cuộc sống thật giản đơn. Tuổi trẻ rồ dại nhưng đáng yêu, thừa tự tin và ước vọng mà thiếu kinh nghiệm - khởi nguồn cho những thất bại, hụt hẫng, tiếc nuối sau này làm mất nhiều năm tháng sửa chữa mà trưởng thành. Hè về đầy hứng khởi, gió biển lồng lộng thổi, vẫy gọi con người ùa ra bãi tắm gần xa, tha hồ thảnh thơi giao hòa với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Trên con đường ra biển chợt thấy những người mồ hôi thấm đẫm tấm áo dày, nhọc nhằn tay xẻng quanh lò nhựa đường nấu sôi để bịt lại những ổ gà, lỗ hổng. Có lẽ họ chẳng mấy khi đủ điều kiện hay nhã hứng mà đến với biển, mà... làm thơ.

Rồi một sáng cuối thu, trời hanh lên, sáng trong thật dịu dàng cho lòng ai xao xuyến. Ta xuống phố, điệu đà trong bộ cánh đỏm dáng, chợt thấy mình bé nhỏ, mong manh và thèm khát cái gì đó còn mơ hồ nhưng mường tượng ra ấy là niềm quý yêu cuộc sống. Ta muốn có người tri kỷ bầu bạn, có cả người đáng để ta yêu và đủ tâm, đủ lực để cùng tận hưởng những gì cuộc sống ban tặng. Sao những kẻ mang tâm hồn đa cảm, trót nể nang cuộc đời vẫn phải tự ru mình bằng vài phút thăng hoa? Mà cái cớ để “thăng” lại hay chợt đến bất định, vô tình thành duyên với con người, khiến đời nảy ra những khoảnh khắc lạ, đẹp và đầy khao khát như một cuộc tình vừa mới nhen lên. Nó cũng khe khẽ gõ cửa trái tim, cảnh báo nỗi cô đơn của tuổi xế chiều. Nhưng trăng thu rất thanh và hiền, duyên dáng, đầy cảm thông và bao dung, nồng ấm, biết chắt chiu đong đếm từng giọt hạnh phúc trong đời của người phụ nữ Việt.

Mùa đông nay bớt giá lạnh hơn xưa, bởi hiệu ứng nhà kính làm tăng nhiệt toàn cầu. Nhưng không vì thế mà vơi đi trong ta bao hoài niệm, hình ảnh một mùa lạnh cô đơn nào đã ẩn sâu trong miền ký ức. Có những cuộc chia tay giữa đông tàn hoang lạnh, trong đêm đen, khắc nghiệt bởi hoàn cảnh khốn khó và sai lầm, vô tình gây ra sự biệt ly chưa ngày tái ngộ. Đêm về, phố Hà Nội lên đèn, đua sức sáng cùng muôn vàn tinh tú, đủ sắc màu lấp lánh tân kỳ như muốn khỏa lấp những gì còn vương vấn nơi quá khứ, đẩy con người mạnh bước đến tương lai. Xã hội nay hiện đại, gấp gáp hơn làm nhịp sống trở nên vắn tắt, người ta có nhiều vật chất nhưng ít thời gian nên đôi khi giật mình nhận ra bản thân ngày càng thiếu niềm vui thực thụ. Có ai mê mải tận hưởng bề nổi của cuộc sống đã bị “đơ” một cõi tinh thần. Còn ta, một lần qua ngõ nhỏ thấy phảng phất mùi thơm nhẹ, chợt đồng cảm với cô hàng ngô nướng đang tuổi mặn duyên, má ửng hồng phục vụ khách món quà quê đạm bạc. Mùa đông cứ thế chầm chậm qua, để thiếu nữ Hà Nội thỏa thích trưng diện, đầy đặn nét kiêu sa của người kinh kỳ. Và ai bên ai tình tứ, vui mỗi bước chân vì có nhau trong đêm Nô-en se lạnh đậm màu lãng mạn, thầm mong mối duyên lành rồi đây sẽ như ý, ứng báo ngay lúc tiếng chuông vọng từ ngôi nhà thờ cổ xa xa. Qua cữ Tết Dương lịch là sắp vào cuối đông, cả đất nước hối hả với những mục tiêu, kế hoạch; doanh nghiệp thì lo chuyện lương thưởng cho người lao động; các cửa hàng tranh thủ “mùa gặt” với nườm nượp khách vào ra...

Mà lạ, cái gì cũng để dành cuối năm, để ai nấy đều lo toan vất vả, nhưng vì thế mà bao sự việc được dồn nén, phải đến rồi sẽ qua. Nhà ga, bến tàu rét là thế mà ấm hơn nhờ bội phần huyên náo, vì có ai muốn mình nhỡ chuyến tàu cuối năm? Người lính trẻ về thăm quê hương, con trẻ đòi theo mẹ đi chơi Tết, lòng mong tiền mừng tuổi và cành đào cành mai lại nô nức xuôi ngược đường thiên lý Bắc - Nam cho bao gia đình vui ngày sum họp. Những ngày cuối đông dày thêm ý nghĩa bởi đó là sự chuyển tiếp, nghênh đón một năm mới đang cận kề. Mấy ông đồ thời 4.0 thong thả soạn giấy điều, nghiên mực chờ vẽ dòng chữ “Cung chúc tân xuân”, còn ta đợi nghe giai điệu quen thuộc: “Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ...”. Suối nhạc xuân tưng bừng tuôn chảy, nhắc ta niềm hy vọng hướng tới tương lai.

Tản văn của Phạm Hồng Sơn