Hà Nội văn

Tết về nghe cây lá thương mình

Trần Huyền Trang {Ngày xuất bản}

Từ hồi ba má quyết định cắt miếng đất vườn ra làm đôi, bán đi một nửa, mua một căn nhà khang trang trên đất chợ để tiện bề sinh sống, bán buôn, tính đến nay cũng đã hai mươi năm chẵn. Ấy vậy nhưng ngày 30 Tết mà năm nào má cũng nhắc: “Về thăm nhà cũ để dọn dẹp cho mảnh vườn cũng được đón Tết con ơi!”.

cho-noi-cai-be-vinh-long.jpg

Khi mấy chị em tôi dần lớn lên đều quay cuồng với công việc, gia đình, con cái. Chúng tôi có những mối bận tâm lớn lao hơn mảnh vườn cũ. Một phần cũng bởi miếng đất đó nằm sát sông, một năm hai ba bận, con đường nhỏ xíu dẫn vào vườn lại sạt lở bởi triều cường lên rồi rút mạnh. Đường đi đã khó, điện càng không, nước sông mỗi trận triều cường dâng lên ngấp nghé mép giường. Nhìn những đứa con mỗi tối chong đèn dầu, ngồi co cẳng trên ghế đẩu học bài, ba má xót lắm, nhưng cũng không nỡ bán hết miếng đất đó. Bởi là đất ông bà để lại. Nó cũng là dấu tích của ba má nhiều năm sống ở nơi này: Hơn chục cây dừa đã thành lão, mấy cây xoài thanh ca đã thành của hiếm nhất vùng, mãng cầu, bình bát, một vườn chuối đủ loại, thêm mấy cây mai xin giống tận Long Thành về trồng.

Những năm đầu về nhà mới, mấy chị em tôi dù rất mê ánh đèn điện đất chợ mà sao vẫn thương quay quắt những đêm xóm nhỏ vàng vọt ánh đèn dầu. Chúng tôi thích tiếng xe gắn máy chạy rất oách trên đường lộ nhưng cũng hay giật mình nửa đêm nhớ tiếng xuồng ghe khua lộp khộp ở bến sông.

Nhà cũ sát sông, những ngày tháng Chạp rộn lên đầy sức sống. Nước sông duềnh lên dập xuống bao bận với ghe xuồng chở đầy hoa kiểng, trái cây mùa Tết đưa từ miền Tây lên, cập bến rồi phân phối cho bạn hàng ở những ngôi chợ nhỏ trong vùng. Tôi nhớ mình từng ngồi mê mệt nơi bến sông những buổi chiều nước lớn, gió lớn chỉ để nhìn ngắm những cô chú thương hồ “lên hàng”. Những giỏ cần xé tre đầy ứ dừa, thơm, bưởi, xoài, dưa hấu căng mọng...

Ghe cặp sát bến sông, tiếng người xốn xang cả một vùng trời giữa những bóng cây bần la lả trên mặt nước. Bọn trẻ con chỉ trỏ cặp mắt được tô vẽ tròn xoe ở đầu ghe, thắc mắc sao không bao giờ thấy ghe nhắm mắt ngủ. Ghe cứ mở thao láo vậy suốt đời sao? Rồi cả đám bật cười. Chắc ghe nôn nao ăn Tết đó! Tụi trẻ con mà, ai nói gì cũng tin, như tin cái vụ cho chuồn chuồn cắn rún sẽ biết bơi vậy đó!
Tôi thắc mắc sao ghe nào bán hết hàng cũng vội vã trở về, không ở lại ăn Tết với chúng tôi? Mấy cô chú xoa đầu tôi, dúi cho mấy đồng lì xì sớm: “Cô chú phải về nhà đón Tết chứ con! Mình đi suốt cả năm, còn vườn tược, cây trái quê nhà. Tết mà bỏ nhà cửa vườn tược lạnh tanh, đâu được!”.

Năm rồi, mưa gió trái mùa, mấy chậu mai kiểng nhà tôi nở từ tháng 11. Các vườn mai kiểng gần nhà chung cảnh ngộ. Chồng tôi tiếc rẻ: Vậy làm sao có Tết! Ba nói, rằm tháng Chạp về vườn cúng đất đai, sẵn thăm mấy cây mai cũ, biết đâu...

Ba nói vậy thôi, chứ ông bệnh không rời khỏi giường nửa bước. Ba rất thích những bông mai Tết, cái màu cứ rực rỡ như không khi nào hết vui. Kể cả khi Tết hết, mai tàn, rụng đầy gốc mà vẫn cứ khiến ba ngồi cả buổi ngắm mai, ngắm đến khi bình trà cạn khô.

Chúng tôi đưa má về vườn. Bình thường, cây lá thiếu hơi người sẽ không đơm bông kết trái. Nhưng kỳ diệu thay, vườn chuối bỏ hoang nhờ con nước lớn ròng ra vô mấy bận mà đất tơi xốp, buồng trái nào cũng chắc nịch. Những cây xoài đang trổ bông trắng xóa cả vòm cây. Mấy quầy dừa ôm nhau trên cao, đợi nắng, đợi gió cho trái ngọt. Em trai hái mớ dừa bánh tẻ về cho tôi sên mứt, rọc mớ lá chuối về cho má gói bánh tét để nhớ cái Tết xưa.

Nhưng điều làm chúng tôi vỡ òa ra, chính là cội mai già nhất im lìm trong khu vườn. Không ai tuốt lá mai nhưng nó tự nhiên rụng bớt lá già. Trên thân cây đầy dấu thời gian bỗng thò ra những chùm nụ xanh non ken dày như mỉm cười vẫy gọi. Mắt chúng tôi cũng xanh ngời màu lá, màu chồi nụ hoa trái quanh mình. Tết về mang theo những thương yêu nồng ấm. Vậy nên người người đều mong về nhà đón Tết. Như cô chú dân thương hồ đã nói với tôi: “Tết - về nhà, về quê là về để nghe cây lá cũng thương mình!”.

Trần Huyền Trang