Diện mạo “thành” và “thị” Thăng Long xưa
Kể từ khi được chọn thay thế Hoa Lư năm 1010, Thăng Long gần như liên tục là kinh đô của nước Đại Việt cho đến khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế năm 1802.
Nơi “bốn phương chầu về”
Ngay sau khi đến mảnh đất “rồng cuộn, hổ ngồi” năm 1010, đức vua Lý Công Uẩn đã cụ thể hóa tư tưởng của ông được tuyên cáo trong “Chiếu dời đô” bằng việc bắt tay vào quy hoạch và xây kinh đô mới. Kinh đô mới là sự khẳng định vị thế của nước Đại Cồ Việt (sau đổi thành Đại Việt) độc lập với láng giềng, cũng là biểu tượng cho quyền lực. Vì thế, diện tích Thăng Long bao gồm thành Đại La và cả ở phần đất trước đó là kinh sư thời Đinh - Tiền Lê.
Khác với thành Đại La chỉ có tường lũy bao bọc, kinh đô Thăng Long được quy hoạch nhất quán, theo mô hình mà người xưa gọi là “Tam trùng thành quách” (ba vòng thành lồng nhau) và “Trong thành ngoài thị”. Lớp trong cùng có điện cho vua nghỉ ngơi, cho hoàng tộc, chỗ ở của cung nữ... gọi là Cấm thành (hay Nội điện). Bao quanh Cấm thành có tường bảo vệ, có lính canh. Lớp thứ hai (thời Lê và Nguyễn gọi là Hoàng thành), có điện chầu, nơi tiếp sứ thần, nơi vua quan làm việc. Lớp thứ ba phía ngoài tường bao bọc Hoàng thành là phần thị, tức là nơi dân cư sinh sống. Nhà Lý chia phần thị thành 61 phường, trong đó có phường làm nông nghiệp, phường sản xuất thủ công, phường buôn bán. Bao quanh phần thị là tường đất, vừa làm đê ngăn nước lũ, vừa là lũy chặn giặc ngoại xâm.
Cả Thăng Long nằm trong ba con sông. Phía bắc chạy dọc theo bờ nam sông Tô Lịch, tương ứng với đường Hoàng Hoa Thám hiện nay. Phía tây chạy dọc theo bờ đông sông Tô Lịch, tương ứng từ cuối phố Yên Thái đến Cầu Giấy hiện nay. Phía nam thành chạy dọc theo bờ bắc sông Kim Ngưu, tương ứng với đường La Thành - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân ra đê sông Hồng ngày nay. Phía đông thành bám theo bờ tây sông Hồng, tuy nhiên mặt phía đông không cố định, lúc hẹp lúc rộng vì phụ thuộc vào dòng chảy của sông Hồng. Ba con sông là hào tự nhiên vừa sâu vừa rộng có thể ngăn thế mạnh “Bắc di mã” (người Phương Bắc đi lại bằng ngựa) và tận dụng điểm mạnh “Nam di chu” (người Việt đi lại bằng thuyền). Sông cũng là đường giao thông, là nguồn cung cấp cá tôm cho dân kinh thành. Ở không gian phần thị, nhà Lý cho xây trung tâm giáo dục, đào tạo nhân tài gọi là Quốc Tử Giám. Phía nam có công trình tâm linh tế trời đất là đàn Nam Giao. Bao quát tổng thể, kinh đô Thăng Long là một xã hội Đại Việt thu nhỏ.
Trong “Đại Việt sử ký tiền biên” bàn về tầm nhìn, quy hoạch kinh đô của Lý Công Uẩn, sử gia Ngô Thì Sĩ viết: “Phía tây thông với Sơn Tuyên, Tuyên Hưng, phía bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc, miền đông nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền Cần Xương thì liên lạc bằng trạm, Thăng Long là nơi trung tâm của nước, bốn phương chầu về”. Ngô Thì Sĩ cũng cho Thăng Long là đất thiêng vì “Có núi Tản Viên chống vững một cõi”, và “Núi là vạt áo che sông, là dải thắt đai, sau lưng là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm”.
Sự hưng vong như một quy luật. Sau 215 năm trị vì, năm 1225 quyền lực nhà Lý chuyển sang nhà Trần. Nhà Trần thống trị Đại Việt nhưng vẫn đóng đô ở Thăng Long. Người giữ vai trò kiến thiết, xây dựng các cung điện thời Trần là Nguyễn An, quê Hà Nam. Khi quân Minh chiếm đóng Thăng Long, Nguyễn An bị tướng giặc Trương Phụ bắt đưa về nước để tham gia thiết kế và trông coi xây dựng Tử Cấm Thành. Dù xây mới nhiều công trình song quy hoạch Thăng Long thời Trần cơ bản không thay đổi. Khi nhà Hồ khống chế được nhà Trần đã cho xây thành mới ở Thanh Hóa (nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) nhưng nhà Hồ không chống đỡ nổi quân Minh xâm lược nên chỉ tồn tại được 7 năm (1400 - 1407). Nhà Hồ thất bại vì thế giặc mạnh song người xưa tin vào tâm linh lại cho rằng, nhà Hồ dời bỏ đất thiêng Thăng Long nên không được trời đất và tiên tổ phù hộ.
Trong “Đại Việt sử ký tiền biên”, Ngô Thì Sĩ không tiếc lời ngợi ca Lý Công Uẩn là người “sáng suốt mưu kế anh hùng” và “vua tầm thường không thể theo kịp”. Xưa nay người ta chỉ khen “mưu kế sáng suốt”, mấy ai khen “mưu kế anh hùng”, vì “anh hùng” là điều chưa xảy ra. Song những gì trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam cho thấy, Ngô Thì Sĩ không hề quá lời. Nhà Lê sơ, Mạc và các triều vua thời Lê Trung hưng đều đóng đô ở Thăng Long. Năm 1902, thực dân Pháp thành lập thủ đô của Liên bang Đông Dương, tại sao họ không chọn Huế, kinh đô của triều Nguyễn hay Sài Gòn, đô thị phát triển nhất Việt Nam khi đó mà lại chọn Hà Nội?
Sau 20 năm kháng chiến, Lê Lợi đã chỉ huy nghĩa quân đánh đuổi giặc Minh về nước. Năm 1428, Lê Lợi vào Thăng Long xưng vương, cho đổi tên Đông Quan mà giặc Minh đặt thành Đông Đô, sau lại đổi thành Đông Kinh. Cung điện, đền đài bị giặc Minh phá nát, vì thế Lê Thái Tổ phải cho sửa chữa, xây mới. Theo bản đồ Hồng Đức vẽ năm 1490, Hoàng thành thời Lê sơ bao gồm Hoàng thành thời Lý và Trần. Chính giữa Hoàng thành là điện Kính Thiên, nơi vua hội họp với các đại thần bàn bạc quốc gia đại sự. Xung quanh điện Kính Thiên có nhiều điện khác. Năm 1512, vua Lê Tương Dực sai Vũ Như Tô đứng ra trông nom xây dựng hơn 100 nóc cung điện có gác. Vũ Như Tô giữ vai trò là tổng công trình sư như cách gọi của thời nay. Gần tường lũy và hào có bốn linh điểm (dân gian thường gọi là tứ trấn) gồm: Đền Bạch Mã (nay ở phố Hàng Buồm) trấn giữ phía đông, đền Linh Lang (đền Voi Phục Thủ Lệ) trấn giữ phía tây, Trấn Vũ quán (tên nôm là đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh) trấn giữ phía bắc và đền Kim Liên (nay là đình Kim Liên thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa) trấn giữ phía nam. Và bốn linh điểm này trở thành mốc giới cho vùng đất kinh kỳ mở rộng.
Từ “thành” đến “thị”
Cũng như thời Lý, Trần, khu vực thành thời Lê đóng vai trò hạt nhân quyết định khu vực thị. Nhưng nhà Lê coi trọng phần thị dù thị là cộng sinh tồn tại nhờ vào thành, có chức năng phục vụ cho đời sống hằng ngày và sinh hoạt triều nghi của vua quan. Nhà Lê sơ lập phủ Trung Đô (sau đổi thành Phụng Thiên) để quản lý phần thị, dưới có hai huyện là Vĩnh Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có 18 phường. Cũng như các triều vua trước, 36 phường gồm ba loại, làm nông nghiệp, buôn bán và sản xuất thủ công. Dân cư đông đúc, các làng nghề ra kinh đô mở xưởng, buôn bán nhộn nhịp nên dân gian gọi Thăng Long là Kẻ Chợ.
Năm 1527, quyền thần Mạc Đăng Dung đoạt ngôi Lê Cung Hoàng chiếm quyền nhà Lê sơ. Nhờ sự phò tá của cựu thần nhà Lê sơ là Nguyễn Kim đã đưa Lê Trang Tông lên làm vua. Một tài danh họ Trịnh là Trịnh Kiểm nghe tin đã tham gia “phò Lê diệt Mạc”. Các nhà sử học gọi giai đoạn 1533 - 1789 là Lê Trung hưng.
Thời kỳ này Thăng Long có thay đổi. Đề phòng quân Lê - Trịnh tấn công, năm 1588 nhà Mạc huy động dân bốn trấn đắp thêm lũy ngoài thành Thăng Long. Bắt đầu từ Nhật Chiêu (Nhật Tân ngày nay) chạy qua phía tây hồ Tây đến Bưởi nối vào lũy từ thời Lý, Trần. Lũy cao và rộng, chân lũy có hào, mười mấy dặm trồng tre phía ngoài. Năm 1592, quân Mạc bị quân Lê - Trịnh đuổi khỏi Thăng Long. Chúa Trịnh Tùng cho phá nhiều đoạn lũy phòng khi quân Mạc quay lại sẽ không có chỗ trú. Thời Lê Trung hưng, mặt phía đông thành Thăng Long được mở rộng, vua cho đắp đê mới từ đầu phố Hàng Đậu qua phố Nguyễn Hữu Huân, Hàng Chuối vòng ra đầu phố Trần Hưng Đạo ngày nay.
Trong gần 800 năm gần như liên tục là kinh đô, vị trí khu vực Cấm thành, Hoàng thành từ nhà Lý đến nhà Hậu Lê có xê dịch nhưng cơ bản vẫn nằm trong ba con sông. Thay đổi nhiều nhất là phần thị, sự thay đổi xuất phát từ yêu cầu phát triển của kinh đô Thăng Long.