Di sản

Đặc sắc di tích đền Và

Ánh Dương {Ngày xuất bản}

Nằm ở vùng đất cổ “địa linh - nhân kiệt”, đền Và - hay còn gọi là Đông Cung, thuộc địa bàn phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây), đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1964. Đền tọa lạc trên một quả đồi thấp, bao bọc xung quanh là rừng cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

den-va.jpg
Hội đền Và.

Đền Và là một trong số gần 200 di tích ở vùng xứ Đoài thờ Đức thánh Tản Viên Sơn - một trong "Tứ bất tử" trong tâm linh người Việt Nam. Đền đã trải qua 3 lần tôn tạo lớn: Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), năm Thành Thái thứ 14 (1902) và năm Bảo Đại thứ 7 (1932). Đền có diện tích hơn 2.000 m2 được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc" - cách gọi theo lối chiết tự từ chữ Hán, “nội công” là dạng mặt bằng phía trong hình chữ công (工), còn “ngoại quốc” là chiết tự từ đường bao của chữ Quốc (囗), sử dụng các vật liệu quý như gỗ lim, gạch Bát Tràng, ngói mũi hài ri. Các hạng mục gác chuông, gác trống được làm theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái với các góc đao cong thanh thoát. Đại bái và hậu cung đều có 5 gian, thông gian giữa bằng ống muống. Các bộ vì kèo làm theo kiểu "chồng rường kẻ bảy" trên bốn hàng chân cột; các góc đao mềm mại. Bên trong đền được trang trí nhiều bức chạm bong, chạm nổi hình tứ linh, hoa lá rất sinh động, mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XIX - XX. Đền Và hiện lưu giữ nhiều di vật quý, gồm: 18 đạo sắc phong của các triều đại, từ Phúc Thái thứ 3 (1645) đến đời Khải Định thứ 9 (1924); 18 bức hoành phi; 2 bia đá; 3 chuông đồng; 5 bản thần tích; 6 pho tượng cổ...

Được khôi phục từ năm 1999, Lễ hội đền Và diễn ra vào Rằm tháng Giêng hằng năm và chính hội được tổ chức 3 năm một lần (vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu) để tưởng nhớ Đức thánh Tản Viên. Năm 2016, Lễ hội đền Và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, Lễ hội đền Và (chính hội) là hoạt động đặc sắc nhất của xứ Đoài từ ngàn xưa lưu truyền lại, vẫn giữ nguyên phong tục cổ truyền với nghi lễ rước Đức thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội ở thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) và quay trở về đền Và. Đoàn rước có 3 cỗ kiệu chính và những kiệu lễ, lọng, có múa lân, múa rồng, cờ các loại, đội nhạc, đội tế... Sau phần lễ, du khách đi hội đền Và có thể tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn ở khu đồi Lim cạnh đền như cờ tướng, cờ người, kéo co, chọi gà, nấu cơm thi, đánh đu...

Ông Lê Đại Thăng cũng cho biết, thị xã Sơn Tây đang lập quy hoạch, lập dự án xây dựng hạ tầng đền Và giai đoạn I. Dự án có diện tích gần 4ha, nằm cách đền Và 200m, gồm các hạng mục khu bãi đỗ xe kết hợp dịch vụ, nhà đón tiếp, các ki ốt kinh doanh và những hạng mục phụ trợ khác.

Hiện tại, UBND phường Trung Hưng cũng đã quy hoạch, sắp xếp các hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông bảo đảm mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường tại khu di tích đền Và. Cùng với đó, UBND thị xã Sơn Tây, phường Trung Hưng và Ban Quản lý di tích tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức và tham gia lễ hội.

Ánh Dương