Thiên Đức - Dòng sông thần tích
Do biến đổi của tự nhiên và sự can thiệp của con người, cho đến nay dòng sông cổ Thiên Đức đã dừng chảy. Tuyến đường thủy quan trọng xưa không còn bóng thuyền bè và vẻ sầm uất lưu thương, nhưng quá khứ vinh quang vẫn ẩn chứa trong lòng đất và bên dòng sông tĩnh lặng.
Huyền thoại một dòng sông
Theo tài liệu khảo sát thực địa và kết quả nghiên cứu khảo cổ, sông Thiên Đức bắt nguồn từ ngã ba Dâu (xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội) chảy qua Yên Viên, Yên Thường vòng xuống xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chảy qua thôn Lời, thôn Lở, thôn Nhân Lễ của xã Đặng Xá, chảy ven làng Sủi (xã Phú Thị) rồi chảy giữa hai xã Dương Xá và Dương Quang cùng thuộc huyện Gia Lâm, sau đó xuôi xuống sông Nghĩa Trụ (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Tư liệu, dấu tích còn lại cho thấy, từ sông Thiên Đức, theo dòng chảy nghiêng về đông, dòng sông lại tách thêm nhánh trên địa phận xã Lệ Chi ngày nay, nơi cửa sông chính là làng Cổ Giang (xã Lệ Chi - huyện Gia Lâm). Khúc sông này quanh co mà dấu vết để lại là hệ thống khe trũng, ao hồ liên hoàn, dòng chảy qua các thôn Trà Lâm, Tư Thế (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và trước mặt tây thành Luy Lâu, mang tên sông Dâu. Sông Dâu chảy xuôi qua địa bàn các xã Hà Mãn, Nguyệt Đức, Song Liễu (huyện Thuận Thành), hợp lưu với sông Nghĩa Trụ. Hai nhánh sông hòa nhập vào nhau tạo nên ngã ba sông rộng lớn, dòng chảy xuôi về Lục Đầu. Thời đó, thuyền bè có thể ngược sông Thiên Đức về Thăng Long và ngược lại, từ Thăng Long theo hệ thống sông xuôi về trung tâm Phật giáo Luy Lâu, vùng đông bắc đất nước với trung tâm Phật giáo Yên Tử. Con đường thủy này đến đầu thế kỷ XIX vẫn nhộn nhịp thuyền bè qua lại. Sách "Tam tổ thực lục" ghi rõ, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi từ kinh thành Thăng Long tới Yên Tử bằng con đường này mất đúng 5 ngày.
Sử sách chép rằng, trước sức ép của triều đình, khi vua Trần Thái Tông bất đắc dĩ rời Yên Tử xa giá về kinh, đi đến sông Thiên Đức thì trời bỗng nhiên nổi gió, mây mù phủ một khoảng trời, thuyền rồng không thể nào đi được. Vua bèn cầu khấn thần linh, trời phật phù hộ: “Ta cắm hai lọng bên sông, nếu lọng bên bờ sông nào cụp xuống chính là vị thần bên đó giúp ta khỏi nạn, ta sẽ đội ơn”. Quả nhiên lọng bên bờ đông cụp xuống, trời yên sóng lặng. Nhà vua lên bờ vào chùa đốt hương tạ lễ thần linh, trời phật và xin xây dựng lại ngôi chùa để báo đền công đức, lấy tên là Báo Ân Tự.
Khi Thiền phái Trúc Lâm được khai sinh, chùa Siêu Loại được nhà Trần chú tâm xây dựng thành một trung tâm tôn giáo lớn, một cơ sở quan trọng của Thiền phái Phật học hoàng gia. Nhưng phải tới Đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm là sư Pháp Loa trụ trì thì chùa Báo Ân mới thực sự có vị trí quan trọng. Trong sách “Tam tổ thực lục” còn ghi, năm Hưng Long thứ 21 (1313), sư Pháp Loa cho xây dựng lại chùa Báo Ân, mọi phí tổn về vật liệu, thợ thuyền và tiền công đều do triều đình chu cấp. Vua Trần Anh Tông đích thân đến chùa 3 - 4 lần và sai cấm binh khiêng gỗ, đổ đất.
Tại chùa Báo Ân, từ năm 1314 đã xây dựng điện Phật, gác chứa Kinh, Tăng đường và các am Hồ Thiên, Chân Lạc, Am Mã, Vĩnh Khê, Hạc Lai. Chùa được xây dựng trên vùng đất cao nhất ở đầu làng Trung (xã Dương Quang), hướng tây nam nhìn ra sông Thiên Đức. Chùa có bố cục xây theo lối "nội công, ngoại quốc" với hàng chục tòa chính và hàng trăm gian thờ Phật - Mẫu - Tổ, phía trước có "quán Vua gieo" là nơi hằng năm đức vua đến để ban phúc cho dân, sau chùa có "vườn Quan" là nơi các quan lại trong triều nghỉ ngơi khi hộ giá đức vua đến chùa Báo Ân lễ Phật. Chùa có vườn bia đá, vườn tháp Tổ và hệ thống ruộng đất rộng lớn do vua, quan các triều cấp cho nhà chùa.
Dòng Thiên Đức xưa khá rộng. Công chúa con vua Trần đi dạo gặp mưa to gió lớn khiến thuyền bị đắm. Mấy hôm sau dân làng Lợ (xã Đặng Xá) vớt được xác, chôn cất tử tế. Nhà vua cảm động, cho đổi tên làng Lợ thành làng Nhân Lễ. Đau lòng vì mất con gái yêu, nhà vua nổi giận cho đào sông Đuống cắt ngang sông Thiên Đức.
Như vậy, sông Thiên Đức là một dòng sông cổ, còn sông Đuống là sông đào có từ thời nhà Trần. Hai dòng sông này có chung điểm đầu nguồn là ngã ba Dâu (thôn Xuân Trạch, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh) và đây cũng là lý do sông Đuống còn có tên Thiên Đức.
Về tổng thể, sông Đuống chảy theo hướng tây - đông, cắt sông Thiên Đức cổ ở đoạn thuộc xã Đặng Xá bây giờ. Nó là một phân lưu của sông Hồng, khi mới đào chỉ là một dòng sông nhỏ, do cửa nối với sông Hồng bị cát bồi cao nên chỉ khi sông Hồng có lũ lớn thì nước mới tràn qua được. Vua Minh Mạng đã cho khơi dòng sông Đuống nhưng đến năm 1958, cửa sông mới được mở rộng để trở thành một phân lưu quan trọng giúp giảm sức uy hiếp của lũ sông Hồng đối với Hà Nội. Sông Đuống dài 68km, nối sông Hồng với sông Thái Bình. Sông Đuống chảy về phía đông qua tỉnh Bắc Ninh, đổ vào sông Thái Bình ở Lục Đầu. Cũng tại đây, sông Đuống (Thiên Đức) gặp sông Cầu (Nguyệt Đức) từ Thái Nguyên chảy xuống và sông Thương (Nhật Đức) từ Lạng Sơn chảy về. Cả ba sông hội lại ở Phả Lại thành sông Lục Đầu, còn gọi là Thao Giang.
Gạch nối giữa xưa và nay
Sau khi đào sông Đuống cắt ngang, đoạn còn lại của sông Thiên Đức cổ trở thành dòng sông cụt được đặt tên là Nghĩa Giang nhưng dân trong vùng vẫn cứ gọi là dòng Thiên Đức. Theo thời gian, mỗi năm trôi đi sông càng ngắn, hẹp lại. Phần chảy qua xã Yên Thường nay chỉ còn đoạn ngắn bị ô nhiễm nặng bởi nước thải của các làng nghề. Đoạn chảy qua xã Đặng Xá nay gần như bị xóa sổ. Cầu Giàng bị dân lấn chiếm làm nhà, khó có thể nhận ra nơi đây vốn là cây cầu mà vua Lý Thánh Tông từng gặp gỡ thôn nữ sau này mang tên Ỷ Lan. Sông Thiên Đức hiện nay phía hạ lưu cũng chỉ còn một đoạn dài vài cây số còn có thể gọi là sông.
Cả ngàn năm nay, bên bờ dòng Thiên Đức đã hình thành nhiều khu dân cư. Những người nông dân đời nọ nối tiếp đời kia cần mẫn đắp đê, đào mương, san lấp chỗ trũng tạo ra những thửa ruộng, những cánh đồng lúa màu mỡ, làng xóm trù phú. Do giao thông thuận lợi, việc giao lưu buôn bán, nghề thủ công vùng này khá phát triển. Gần đất kinh kỳ, việc học hành được coi trọng, rất nhiều danh nhân đất Việt xuất thân từ đây, cộng với sự ảnh hưởng từ trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Dâu - Keo - Sủi) với nhiều ngôi chùa cổ cùng hệ thống đình, đền thờ đã hình thành một nền văn hóa sông Thiên Đức huy hoàng.
Cùng với sự phát triển của đất nước, nhiều làng xóm, cánh đồng ven sông Thiên Đức xưa nay đã trở thành khu đô thị. Đầu nguồn sông Thiên Đức đã được quy hoạch xây dựng thành phố thông minh. Quanh đoạn sông Thiên Đức còn sót lại ở khu vực xã Yên Thường đã trở thành khu đô thị của quận Long Biên và khu đô thị Ninh Hiệp của huyện Gia Lâm. Xuôi xuống phía nam là khu đô thị Đặng Xá. Một loạt xã hạ lưu sông Thiên Đức chuẩn bị thành phường khi Gia Lâm trở thành quận. Đoạn sông Thiên Đức còn lại chảy qua xã Phú Thị, Dương Xá, Dương Quang đã có kế hoạch kè hai bên bờ, có đường dạo ven sông và những ngôi biệt thự soi bóng xuống dòng Thiên Đức, và đáng kể nhất là ngôi chùa cổ Báo Ân đang được đầu tư, phục dựng lại một thời huy hoàng của đạo Phật nhà Trần.
Khi hoàn thành quá trình đô thị hóa, rất nên có một con đường mang tên Thiên Đức để hoài niệm về dòng sông một thời ghi dấu nhiều thần tích lịch sử.