Rối nước Hà Nội chuyển mình
Hà Nội có nhiều phường rối nổi tiếng. Mỗi phường đều có nét đặc trưng với những tích trò khác nhau.
Khi các địa phương nỗ lực thu hút du khách để phát triển kinh tế, từng phường rối đã chuyển mình để vượt khó, phát huy giá trị truyền thống trong đời sống đương đại.
Rối kể chuyện làng
Ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), chỉ cách nhau một cánh đồng có đến 3 phường rối nước có bề dày truyền thống hàng trăm năm. Đó là phường rối nước làng Ra, xã Bình Phú; phường rối nước làng Yên, xã Thạch Xá; phường rối nước Chàng Sơn, xã Chàng Sơn.
Anh Nguyễn Văn Viên, hậu duệ đời thứ 6 của gia đình có truyền thống múa rối nước, nay là Phó phường rối nước Chàng Sơn cho biết, rối Chàng Sơn có nét riêng, đó là điều khiển con rối bằng dây thay vì bằng sào. Để có một buổi diễn, các nghệ nhân phải mất 2 ngày căng dây, chuẩn bị sân khấu ở thủy đình. “Múa rối bằng dây ở Chàng Sơn từng nổi tiếng khắp xứ Đoài. Ông nội, bố và các bác tôi mang rối biểu diễn ở nhiều nơi. Vào dịp hội làng, múa rối trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu” - anh Viên nói.
Trong trí nhớ của nghệ sĩ múa rối giờ đã bước vào tuổi trung niên, những tiết mục được biểu diễn vào dịp hội làng chủ yếu là các tích trò cổ như “Hai Bà Trưng dẫn quân”, “Mời trầu”, “Trèo cau”, “Câu cá”... Rối Chàng Sơn đến nay vẫn còn lưu truyền được 20 tích, trò.
Cách phường rối Chàng Sơn không xa là phường rối làng Yên, xã Thạch Xá. Theo lời kể của các nghệ nhân lớn tuổi ở đây, phường rối còn lưu giữ được 17 cụm trò và 23 tích trò từ xưa truyền lại. Các trò thường diễn là: “Rước kiệu rước tượng”, “Đua ngựa chém chuối”, “Các nghề nhà nông” (cấy lúa, bắt cá, chăn vịt...). Trong khi đó, phường rồi nước làng Ra, xã Bình Phú có những con rối được tạo hình khuôn mặt tĩnh tại tựa mặt Phật.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Chính, nghệ nhân rối nước lớn tuổi ở làng cho biết, người làng Ra rất quý trọng nghề múa rối, bởi tương truyền, nghề này do thiền sư Từ Đạo Hạnh truyền dạy cho dân làng từ thế kỷ XI. Những con rối thường được để trong các bồ trên sàn hậu cung đình làng, trước khi đi diễn phải làm lễ hạ rối và lễ hạ thủy. Các tích trò rối nước của làng Ra luôn độc đáo, kết hợp hài hòa giữa vốn văn hóa cổ truyền với hiện đại. Nhiều tích trò đã trở thành thương hiệu của rối làng Ra như “Vinh quy bái tổ”, “Mời trầu”, “Leo cột cắm cờ”, “Rước kiệu rời tượng”, “Múa rồng”...
Ở Hà Nội, ngoài 3 phường rối nước ở huyện Thạch Thất còn có những phường rối nổi tiếng khác như rối nước Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh); phường rối nước Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức). Hiện nay còn có thêm Câu lạc bộ rối nước Sài Sơn (huyện Quốc Oai). Tháng 12-2023 vừa qua, múa rối nước Đào Thục được công nhận và đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong dịp làng đón tin vui, Trưởng phường rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị hồ hởi chia sẻ, rối nước Đào Thục có từ thời Hậu Lê, cách đây khoảng 300 năm, được lưu giữ và trao truyền nhiều đời nay.
Hiện làng vẫn còn khoảng 50 người tham gia biểu diễn, trong đó phần lớn là trung niên và cao niên. Bên cạnh việc giữ gìn hơn 20 tích trò cổ, chủ yếu là những câu chuyện dân gian, hiện nay các nghệ nhân còn xây dựng những trò mới có nội dung gắn với lịch sử và cuộc sống hiện đại như vở “chiến thắng Điện Biên Phủ 12 ngày đêm”, “Rước ảnh Bác Hồ”... Các tích trò cổ và mới đều có sức hút đông đảo người xem.
Giữ nghề và truyền lửa nghề
Những ngày cận Tết Giáp Thìn, làng Chàng Sơn tất bật vào vụ trả hàng mộc cho khách. Phó phường rối nước Chàng Sơn Nguyễn Văn Viên cho biết, hiện người Chàng Sơn đa phần làm nghề mộc vì đây là nghề mang lại kinh tế lớn. Rối nước giờ chỉ còn là thú vui dành cho những người đam mê. Năm 2001, múa rối Chàng Sơn được khôi phục trong nỗ lực của địa phương nhưng việc duy trì hoạt động khá khó khăn.
“Không có sân khấu biểu diễn thường xuyên, việc bảo tồn và duy trì múa rối rất khó. Con rối vì thế cũng hao mòn, hỏng hóc” - anh Nguyễn Văn Viên chia sẻ.
Giống như Chàng Sơn, nhiều phường rối ở Hà Nội đang gặp khó trong nỗ lực giữ gìn di sản nghệ thuật của cha ông: Hạ tầng biểu diễn xuống cấp; người dân chuyển sang làm nhiều công việc khác không còn mặn mà với múa rối; thiếu lớp kế cận...
Chủ nhiệm Câu lạc bộ rối nước Sài Sơn (Quốc Oai) Nguyễn Thị Mùi cho biết, theo mong mỏi của người dân Sài Sơn có đội múa rối riêng, năm 1994, Câu lạc bộ múa rối nước Sài Sơn được thành lập với sự hỗ trợ của các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Thăng Long. “Việc bảo tồn, phát triển múa đang dựa vào những cao niên trong làng còn đắm đuối với văn hóa truyền thống. Hiện Câu lạc bộ có 10 người, chủ yếu là những cao niên, trẻ nhất cũng đã 50 tuổi. Chúng tôi chỉ biểu diễn khi làng có hội, khách đặt trước, chưa thể duy trì những buổi diễn cố định” - bà Nguyễn Thị Mùi nói.
Dù khó, nhiều phường rối đang rất nỗ lực trong việc xây dựng sản phẩm mới, thay đổi phương thức quảng bá, tăng cường kết nối với các đơn vị du lịch để đưa khách về làng. Nhiều mô hình điểm đã trở thành tia sáng trong việc bảo tồn, phát huy rối nước.
Thành công nhất có lẽ phải kể đến phường rối nước Đào Thục (Đông Anh) với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả. Trưởng phường múa rối nước Đào Thục Nguyễn Thế Nghị chia sẻ, từ năm 1997 anh đã nỗ lực liên kết với các công ty lữ hành giới thiệu nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Hiện nay, múa rối Đào Thục đã có website, fanpage riêng giới thiệu văn hóa làng nghề cũng như lịch biểu diễn. Hằng năm, các nghệ nhân cao tuổi tổ chức các buổi truyền dạy cho thế hệ trẻ, là con cháu trong làng để duy trì lớp kế cận. “Thương hiệu của múa rối Đào Thục giờ đã “vượt khỏi lũy tre làng” để tiếp cận được với du khách nước ngoài. Vừa qua, làng đón những đoàn xe 45 chỗ chở khách quốc tế đến xem biểu diễn” - anh Nghị khoe.
Cũng giống như làng Đào Thục, Câu lạc bộ múa rối nước Sài Sơn tuy chỉ toàn người cao tuổi, nhưng các “nghệ sĩ” vẫn có những cách riêng để quảng bá, thu hút khách. “Thời đại công nghệ số rồi, chúng tôi phải học cách quay các tiết mục biểu diễn để đăng lên YouTube, Facebook. Nhiều công ty du lịch đã biết đến Câu lạc bộ, đặt chương trình biểu diễn khi có khách về” - Chủ nhiệm Câu lạc bộ rối nước Sài Sơn Nguyễn Thị Mùi niềm nở cho biết.
Đánh giá về công tác bảo tồn và phát triển múa rối nước của Thủ đô, Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long cho rằng, rối nước không chuyên của Hà Nội dần hồi phục thể hiện sự cố gắng của địa phương và người dân.
“Múa rối nước là loại hình nghệ thuật đòi hỏi đầu tư công phu về trang thiết bị, đạo cụ biểu diễn, điều kiện tập luyện, nếu không được quan tâm, đầu tư kịp thời sẽ đứng trước nguy cơ thất truyền. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cần có sự định hướng lại để hiểu rõ giá trị bản sắc, cốt lõi của từng phường và có công tác bảo tồn đúng hướng, tránh phát triển tự phát có thể dẫn đến mất bản sắc từng phường rối” - Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng gợi ý.
Đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các phường rối, từ đó đưa các phường rối trở thành điểm đến trong bản đồ du lịch của Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội Lý Thị Thúy Hạnh cho rằng, chính quyền địa phương, các nhà quản lý văn hóa cần quan tâm, giúp đỡ, nâng cao chất lượng hoạt động của các phường rối; chú trọng công tác đào tạo, biểu diễn và quảng bá, đồng thời cần có chính sách nâng cấp hạ tầng, quy hoạch các khu, điểm dịch vụ để phục vụ du khách.
Có thể thấy, cùng với các nhà hát múa rối chuyên nghiệp ở Hà Nội như Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối Trung ương, các phường rối với đặc thù và truyền thống được tích lũy hàng trăm năm là những điểm đến hấp dẫn, tăng trải nghiệm cho du khách. Nếu biết phát huy hiệu quả thì đây là nguồn lực lớn góp phần vào việc phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.