Hà Nội 360

Nhiều đổi mới trong quản lý, tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024

Đinh Phúc Bền, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức {Ngày xuất bản}

Năm nay, huyện Mỹ Đức tiếp tục đổi mới công tác quản lý, tổ chức Lễ hội chùa Hương, tạo không gian an toàn, văn minh và thân thiện cho du khách.

xe-dien.jpg
Trong mùa Lễ hội chùa Hương năm 2024, du khách được đi xe điện từ bãi trông giữ phương tiện đến bến đò.

Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) diễn ra trong thời gian dài nhất so với các lễ hội khác trên cả nước. Nhiều năm nay, chùa Hương không chỉ là điểm đến tâm linh của Phật tử, mà còn là danh thắng hấp dẫn hàng triệu du khách thập phương mỗi dịp xuân về. Nơi đây không chỉ là địa điểm có thiên nhiên sơn thủy hữu tình, gìn giữ được nét tự nhiên vốn có, mà còn là nơi lưu dấu tu hành của Quán Thế Âm Bồ Tát với nhiều hang động thiên nhiên, nổi tiếng, nhất là động Hương Tích được chúa Trịnh Sâm phong là Nam Thiên Đệ Nhất Động.

Từ xa xưa, Lễ hội chùa Hương như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân xã Hương Sơn. Với sự phát triển của xã hội, lễ hội ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, những năm trước đây, một số hoạt động còn mang tính tự phát, như: Đón, dẫn khách, dịch vụ đỗ xe, nhà nghỉ, ăn uống, hàng quán... Nhiều hạn chế, bất cập đã trở thành nỗi ám ảnh, nỗi lo lắng, sự không hài lòng, thậm chí là bực tức đối với du khách thập phương về du xuân, chiêm bái lễ Phật.

thuyen-do-duoc-bo-tri-quy-cu.jpeg
Thuyền đò đưa du khách vào khu di tích chùa Hương được đăng kiểm, sắp xếp gọn gàng.

Để khắc phục những hạn chế, phát huy giá trị của di tích, các cấp, ngành đã ban hành nhiều chương trình, hành động. Đặc biệt là ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng về nhiệm vụ đổi mới công tác tổ chức, quản lý Lễ hội chùa Hương đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tạo nên giá trị văn hóa, tinh thần, vật chất xứng tầm với sự ưu đãi của thiên nhiên dành cho chùa Hương; đồng thời, tạo ra chuỗi liên kết, trục phát triển du lịch tâm linh: Chùa Hương - chùa Tam Chúc - Bái Đính, phục vụ du khách trong nước và quốc tế...

Thực hiện những chỉ đạo trên, huyện Mỹ Đức đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, với lộ trình rõ ràng, từng bước đổi mới, nhằm khai thác cũng như phục vụ du khách được an toàn, văn minh, thân thiện khi về với Lễ hội chùa Hương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc thực hiện lộ trình đổi mới công tác quản lý, tổ chức Lễ hội chùa Hương bị chậm lại.

Sang mùa lễ hội năm 2023, huyện Mỹ Đức bắt đầu thực hiện đổi mới trong việc trông giữ phương tiện của du khách; thử nghiệm mô hình vận chuyển du khách từ bãi xe đến bến đò vào di tích bằng xe điện; triển khai hình thức vé thắng cảnh điện tử...

chua-huong.jpeg
Du khách sẽ an toàn hơn bởi phương tiện được đăng kiểm, lái đò được đào tạo, tập huấn.

Phát huy kết quả đạt được, huyện Mỹ Đức tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, thông tin báo chí về Lễ hội chùa Hương năm 2024. Trong khu vực lễ hội, huyện Mỹ Đức chú trọng trang trí tạo cảnh quan, không gian đẹp; hàng quán được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng; môi trường được xử lý thường xuyên... Từ đó, ý thức bảo vệ môi trường của du khách và nhân dân tham gia lễ hội tăng lên rõ ràng, không còn cảnh vứt rác thải bừa bãi.

Đặc biệt, Lễ hội chùa Hương năm 2024 có sự đổi mới trong công tác quản lý thuyền đò. Công tác vận chuyển, phục vụ du khách được giao cho Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương, với sự quản lý chặt chẽ và điều hành sắp xếp du khách theo số thứ tự. Đội ngũ chèo thuyền đò chuyên nghiệp, được tập huấn kỹ lưỡng, đeo biển và áo phao đồng bộ. Vé thuyền đò chuyển đổi sang mô hình điện tử, nên triệt để không còn cảnh chèo kéo, bắt khách từ xa, chen lấn, xô đẩy và va chạm trong việc tranh giành khách... Tất cả đã tạo ra sự thuận tiện và an toàn cho du khách về với Lễ hội chùa Hương năm 2024. Cùng với đó, người dân Hương Sơn phấn khởi khi giá vé đò được tăng lên, bảo đảm ngày công lao động cho người trực tiếp chèo đò, không còn cảnh ép giá, vòi tiền bồi dưỡng.

Qua những đổi mới nêu trên, du khách đến với Lễ hội chùa Hương năm 2024 sẽ cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của danh thắng, không gian lễ hội, thảnh thơi, an toàn khi lễ Phật. Người dân Hương Sơn với nụ cười tươi nở trên môi phục vụ du khách tận tình, chu đáo.

ban-ve-dien-tu-vao-danh-thang-de-giam-ach-tac.jpeg
Năm nay, Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương tiếp tục bán vé điện tử vào khu di tích để hạn chế ùn tắc.

Với sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, sự quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn, năm 2025 và những năm tiếp theo, hệ thống hạ tầng kết nối từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Mỹ Đức và trục chùa Hương - Tam Chúc được đầu tư, đường 21B mở rộng, nâng cấp. Cùng với đó, những dự án phụ trợ, lân cận được các nhà đầu tư quan tâm sau khi có quy hoạch tổng thể Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương. Lễ hội chùa Hương hứa hẹn sự đổi mới sâu sắc, toàn diện, xây dựng một quần thể du lịch, dịch vụ xứng tầm với Thủ đô ngàn năm văn hiến, mang tầm quốc gia và quốc tế, là một trong những điểm du lịch, dịch vụ lớn của Thủ đô Hà Nội.

Đinh Phúc Bền, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mỹ Đức