Hà Nội 360

“Thăng Long phi chiến địa”

Quốc Chính {Ngày xuất bản}

Xuân về đang làm thắm những cánh đào đất kinh kỳ. Đâu đó trong không gian yên bình của thời khắc giao mùa văng vẳng “Thăng Long phi chiến địa/ Giặc đến Bồ Đề giặc lại tan”.

Từ hàng trăm năm qua, vần thơ cổ này đã thành di sản thi ca bất hủ về kinh đô Thăng Long. Người Hà Nội thế kỷ XX và trước đó không biết tác giả là ai, nhưng sự trác tuyệt hiếm thấy đã khiến vần thơ được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, đến tận xuân này.

thang-long.jpg
Ảnh: Lê Việt Khánh

Lần đầu tôi được nghe âm hưởng kiêu hùng này là qua câu chuyện bà ngoại kể ở nơi sơ tán trong những năm đầu không lực Mỹ bắn phá miền Bắc. Đó là câu chuyện về cụ Cửu ở số nhà 11 phố Cao Bá Nhạ - trước mang biển phố Nguyễn Trọng Hợp (sau 1954 đổi thành ngõ Cầu Gỗ).

Người hàng phố gọi cụ Cửu, tên thật là Lê Văn Đoán, theo phẩm trật của triều Nguyễn phong. Cụ Cửu là người được nể trọng, có chút danh vọng. Chức Cửu phẩm - theo “Đại Việt sử ký toàn thư” - có từ khi nhà Lý định đô tại Thăng Long; được bổ nhiệm tại các huyện đường và quan trọng hơn là kiêm thêm việc cố kết nhân tâm ở địa phương.

Câu chuyện cụ Cửu cứ nhấn nhá “Thăng Long phi chiến địa” - tức Thăng Long không phải nơi chiến địa - vào đận rét đậm mùa Đông 1946, quyết không “tản cư” đã theo tôi suốt hơn nửa thế kỷ về một nhà Nho bình thản trước họa binh lửa xâm lăng.

Theo thời gian, kể từ khi được vua Lý Thái Tổ chọn làm nơi định đô vào năm 1010, kinh đô Thăng Long của Đại Việt - trên tọa độ “Hoàng đạo” - đến xuân này đã hơn 1.000 năm tuổi. Suốt hơn nghìn năm qua, địa danh này đã thành điểm đến trên bản đồ khu vực và thế giới, nổi tiếng không chỉ về chiến sử, tôn giáo mà còn cả về thương mại, bang giao... Nhưng, nơi đây được biết nhiều hơn trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm lại đúng ở câu: “Thăng Long phi chiến địa”. Trên tọa độ “Hoàng đạo”, “phi chiến địa” này, vó ngựa hung hãn của quân Nguyên từng làm mưa làm gió trên lục địa Á - Âu, trải từ Địa Trung Hải xuyên qua Siberia lạnh giá đến tận bờ biển phía Đông của nước Nga, đã khựng lại tại đây đến 3 lần. Cũng tại Thăng Long, cuộc trả gươm của vua Lê đầu thế kỷ XV ở hồ Lục Thủy sau khi quét sạch giặc thù - để từ đó định danh hồ Hoàn Kiếm, tên nôm là hồ Gươm - đã thành điển tích có một không hai về một Thăng Long - Hà Nội luôn khát khao hòa bình!

Sau đó, dù qua nhiều biến cố như Nam - Bắc triều dưới thời Mạc (1527 - 1592) hay Trịnh - Nguyễn phân tranh dưới thời Lê Trung hưng (1533 - 1789) cũng như cuộc hành binh thần tốc ra Thăng Long (1789) của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ hoặc “Hà Thành thất thủ” (1882) dưới triều Nguyễn và cuộc lui quân thần thánh vào mùa đông năm 1946 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gần đây nhất là trận “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972) thì, ý nghĩa của “Thăng Long phi chiến địa” chưa bao giờ thay đổi.
Lịch sử cho thấy, mọi kẻ xâm lược đều chuốc lấy thảm bại tại địa danh mang tên Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Cái thế lui binh “nhường giặc ở nhờ một đêm” - một thuật dùng binh thời phong kiến - cũng như những cuộc “tản cư”, “sơ tán” khổng lồ thời cận đại để Thăng Long lại ca khúc khải hoàn cho thấy: “Thăng Long phi chiến địa” không chỉ là mơ ước thanh bình mà còn là lời nguyền đúc kết từ lịch sử, linh hồn của một kinh thành cổ.

“Thăng Long phi chiến địa/ Giặc đến Bồ Đề giặc lại tan”. Câu thơ khuyết danh về thành phố hơn 1.000 năm tuổi ra đời vào thời điểm nào, đến nay vẫn chưa có lời khẳng định chính xác. Nhưng vế thứ hai: “Giặc đến Bồ Đề giặc lại tan” đã cho một chút manh mối.

Thì ra, Bồ Đề là bến Bồ Đề bên bờ Bắc sông Hồng. Bến Bồ Đề thuộc làng cùng tên nằm gần như đối diện với Ô Quan Chưởng (đầu phố Hàng Chiếu ngày nay). Tên làng nay vẫn còn, đặt theo tên cây vì làng có hai cây bồ đề lâu năm, cao bằng tháp Báo Thiên, từ đó có thể nhìn rõ mọi động tĩnh trong thành Thăng Long (hồi đó gọi là Đông Quan). Mùa xuân (tháng Giêng) năm 1427, Lê Lợi đã lập dinh ở đây để “đối lũy” với Đông Quan - theo “Đại Việt sử ký toàn thư” - và dựng lầu nhiều tầng chỉ huy cuộc bao vây, diệt viện và bức lui quân Minh trong thành Thăng Long. Địa danh Bồ Đề từ đó nổi tiếng, thế mới có câu:

“Nhong nhong ngựa ông đã về,
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”.

Vậy, “Giặc đến Bồ Đề giặc lại tan” - vế thứ hai, dù theo thể nôm nhưng vẫn giữ được âm vận với hàng chữ Hán ở vế thứ nhất - chỉ có thể ra đời sau khi Bồ Đề đã thành một địa danh nổi tiếng gắn liền với sự kiện trên.

Theo thời gian, kể từ năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ xem đất này là “thắng địa” và chọn làm “kinh sư” - gọi theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi - với tên Thăng Long, hơn 300 năm sau, dưới ánh lấp lánh của lịch sử, nơi đây được cổ nhân mặc định là miền đất “phi chiến địa”, há chẳng phải là diệu đoán, là mơ ước thanh bình từ muôn đời ư!

Từ “thắng địa” triều Lý đến “phi chiến địa” vào các đời sau - trên phương diện thi ca, người Thăng Long đã bỏ ra hơn 300 năm, thậm chí nhiều hơn thế - ít nhất là đến triều Lê Trung hưng - để nghiền ngẫm và khai phóng hai câu cổ phong này. Thế nên, đây hẳn là hai hàng thơ được theo đuổi và được làm mới - ở vế thứ hai - với khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử thi ca của nhân loại.

Trong dân gian và sử sách còn thấy vế chữ Hán nguyên gốc của hai hàng thơ trên. Đó là:

“Thăng Long phi chiến địa,
Thiên hạ vạn đại xương”.

Tạm dịch:
“Thăng Long phi chiến địa,
Non nước thịnh mãi bền”.

Đây là đôi câu đối “ngũ ngôn” chữ Nho trác tuyệt trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, đến nay vẫn còn là một thách đố với các nhà chuyển ngữ. Nhịp điệu, thanh vận của câu thứ hai khi đọc thành lời nghe như có tiếng ngựa khua nước kiệu, tiếng gió lướt trên lúa đồng. Rõ đấy, thấy được mà không nhìn kịp, không theo kịp. Tỷ như “vạn đại xương”, chữ “xương” nghĩa là “tốt đẹp, thịnh vượng” (theo “Từ điển Hán - Việt” của Thiều Chửu). Nhưng đây lại là: “vạn đại xương” thì ý nghĩa của “tốt đẹp, thịnh vượng” đã đặt “thiên hạ” - đất nước - vào một bối cảnh xuân khó bút nào tả xiết! Như một trong những ẩn dụ hay nhất của thi ca về đất kinh kỳ, “Thăng Long phi chiến địa” một lần nữa dự báo đầy kinh ngạc về một kinh thành bách chiến bách thắng với bao điển tích oai hùng.

Thế nên, “Thiên hạ vạn đại xương” bỗng như vụt thoát cái vỏ ngôn ngữ đầy vẻ kiêu hùng của câu thơ để khẳng định sự thật lịch sử về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà sẽ còn thật xa trong tương lai. 989 năm sau, dưới thời kỹ thuật số, “Thăng Long phi chiến địa” được cả thế giới công nhận. Đó là ngày 16-7-1999, tại thủ đô Lapaz của Bolivia, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã trao “Giải thưởng UNESCO - Thành phố Vì hòa bình” cho Hà Nội. Và, Thăng Long - Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á, là 1 trong 5 thành phố đại diện cho 5 châu lục được chọn trao giải thưởng này.

Qua hàng pho sách và truyền khẩu xuyên nhiều thế hệ càng thấy sự kỳ thú của “Thăng Long phi chiến địa”. Bất chấp cơn thịnh nộ của tự nhiên cùng những đổi thay khó đoán đang làm chao đảo các lục địa, năm 2023 vừa qua, Việt Nam vẫn là điểm đến của thế giới trên nhiều bình diện. Vượt lên những khó khăn, những bích họa vừa được làm mới trên phố Phan Đình Phùng cùng với Hàng Lược đang thắm bóng đào... mách bảo thêm rằng: Thăng Long chẳng những “phi chiến địa” mà mãi là “thắng địa vạn đại xương” - “Thành phố Vì hòa bình”.

Quốc Chính