Di sản

Chiêm ngưỡng những kiệt tác rồng đá ở Hà Nội

Bài và ảnh: Chu Minh Khôi {Ngày xuất bản}

Khu trưng bày về thời Lý tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 216 đường Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bao gồm nhiều hiện vật chất liệu đá; trong đó có nhiều kiệt tác điêu khắc đá cổ chạm khắc hình rồng.

rong-da.jpg
Hình tượng rồng đá được tạo tác sắc nét ở đền An Dương Vương.

Một trong những hiện vật vô cùng giá trị được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cột đá chạm búp sen rồng cuốn, còn gọi là cột đá Bách Thảo, được tìm thấy tại phường Ngọc Hà (quận Ba Đình). Cột đá được tạo tác đặc biệt tinh xảo vào thời Lý (thế kỷ XI). Những gì còn lại có thể chia thành 3 phần. Dưới cùng là phần đế, gồm 3 lớp cánh hoa sen tạo thành vòng tròn bao quanh đế. Phần thân được tạo tác thành hình búp sen với 6 lớp cánh sen chính tạo thành những vòng tròn, xen kẽ mỗi lớp cánh sen chính có một lớp cánh sen phụ. Phần trên cùng là đôi rồng uốn lượn, đuôi hướng lên trên, thân hướng xuống dưới, hai đầu rồng ngóc lên, hướng vào nhau chầu vào viên ngọc; ở phần này, đỉnh đã bị mất khiến người ta khó đoán chóp của tác phẩm chỉ là đuôi rồng hay còn gì khác. Cột đá chạm búp sen rồng cuốn là tác phẩm đặc trưng cho phong cách nghệ thuật thời Lý, đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng trưng bày một tảng đá kê chân cột cỡ lớn còn nguyên vẹn, niên đại 1057, nguồn gốc từ chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Tảng đá hình vuông, kích thước mỗi chiều 1m, vòng chân cột có đường kính 60cm. Quanh chân cột là vòng cánh sen được chạm nổi tinh tế, với 16 cánh sen chính cùng 16 cánh sen phụ xen kẽ. Mỗi cánh sen chính trông giống như mai rùa, trên mặt chạm đôi rồng đối xứng ẩn hiện trong mây, ôm lấy lạc thư ở giữa. Một hiện vật độc đáo khác là bệ kê chân cột hình tròn, chạm khắc “Lưỡng long tranh châu” tinh xảo, có niên đại thế kỷ XI - XIII, cũng được tìm thấy tại chùa Phật Tích. Cùng với đó là các hình lá đề trang trí rồng bằng đá mang phong cách nghệ thuật thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV).

Thắng tích Phật giáo Hương Sơn (hay chùa Hương, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) là địa danh du lịch nổi tiếng của Hà Nội, với tâm điểm là động Hương Tích. Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương cho biết, trên ban thờ ở động Hương Tích có đôi chân đèn được làm từ chất liệu đá xanh, tạo hình trúc hóa long rất tinh xảo. Mỗi tác phẩm chân đèn đá nặng khoảng 70kg, cao 78cm, rộng 28cm. Các đường hoa văn trên chân đèn được khắc rất mềm mại, các chi tiết tinh xảo, ăn nhập với nhau. Đặc biệt, đôi chân đèn đá này độc đáo ở chỗ đối xứng nhưng không đăng đối. Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (Hội quán Di sản) cho rằng, mô típ trúc hóa long xuất hiện nhiều ở thời Lê Trung hưng, thời Tây Sơn, nhưng kiểu cách tạo hình ở tác phẩm chân đèn đá động Hương Tích không trùng lặp với nơi khác.

Tòa điện Kính Thiên cùng với nhiều công trình kiến trúc cổ trong Hoàng thành Thăng Long đã bị tàn phá từ lâu, nhưng ngày nay, thành bậc điện Kính Thiên (có từ thời Hậu Lê) là di tích hiếm còn sót lại trong kiến trúc Hoàng thành và đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Các thành bậc này có cấu trúc hình tượng rồng được chạm trong tư thế vận động từ trên xuống theo chiều dọc của thành bậc, đầu rồng ngẩng cao. Trên đầu rồng, trán dô tạo thành u, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, miệng dài, lưỡi ngắn, nanh nhọn, miệng ngậm ngọc, sừng dài có nhánh, bờm có 4 dải lượn hất ngược về phía sau. Thân rồng tròn mập có vảy, uốn 7 khúc hình sin, bụng có vây. Rồng có hai chân to khỏe, năm ngón chân nhiều đốt, năm móng sắc nhọn. Chân trước vươn lên nắm râu, chân sau ở tư thế gấp khuỷu đạp mạnh kéo thân trườn về phía trước. Khuỷu có lông, lông dài, hình đao lửa chạy dài về phía sau.

Tại cổng Đền thờ An Dương Vương ở Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh) ngày nay cũng có đôi rồng đá cổ thời Hậu Lê, rất đẹp. Thân rồng mập mạp, nhiều vảy. Đầu rồng được tạc cách điệu, có sừng dài nhọn. Ở các chân rồng đều có hoa văn mây lửa, một chân trước của rồng với các ngón nắm chặt lấy râu.

Nếu muốn chiêm bái những kiệt tác rồng của Phật giáo, nên đến chùa Trăm Gian (thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ). Lối đi lên chùa hiện có 3 đôi rồng đá thời Trần được chạm khắc vô cùng tinh xảo, với những kiểu dáng khác nhau, con rồng nào cũng bệ vệ uy nghiêm. Đặc biệt, các đầu rồng được chạm khắc rất tỉ mỉ, từ bờm, tóc, mí mắt, râu, miệng, răng... Đây đều là những hiện vật rồng thuộc loại hiếm quý có niên đại thời Trần và đều còn nguyên vẹn.

Bài và ảnh: Chu Minh Khôi