Di sản

Quanh quanh làng cổ

Hải Giang {Ngày xuất bản}

Đoàn nghiên cứu chuyên ngành Khu vực học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam cùng GS.TS Momoki Shiro, chuyên gia JICA, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) - vừa có chuyến trở lại và làm việc tại ngôi làng cổ Bách Cốc, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) vào một ngày cuối năm 2023.

Ngôi làng cổ từng thu hút hơn 100 chuyên gia khảo cổ, sử học Nhật Bản, Việt Nam suốt từ những năm 1990, nay vẫn vang động những chiều kích văn hóa trên con đường “đến hiện đại từ truyền thống” (chữ dùng của Giáo sư Trần Đình Hượu).

nam-dinh.jpg
Giảng viên và nghiên cứu sinh Hàn Quốc, Trung Quốc tham quan không gian chùa Bách Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Dấu ấn của đổi mới

Hợp tác xã (HTX) Cốc Thành (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) còn nguyên những dãy nhà từ những năm 1990, dòng chữ đắp nổi “H.T.X.N.N Cốc Thành - Nhà lạnh bảo quản khoai tây giống”. Cánh cửa gỗ nâu, dòng phấn trắng trên cửa với lối ghi chép truyền thống của các xã viên nhằm phân loại sản phẩm gợi nhắc một giai đoạn dài, nhiều bước ngoặt của mô hình kinh tế này.

Nơi đây cũng chính là khu vực có 8 địa điểm khai quật do các nhà khảo cổ học Nhật Bản tiến hành từ năm 1996. Các di vật cổ được tìm thấy đánh dấu niên đại từ 3.000 - 4.000 năm trước, mở ra câu chuyện dài về một làng cổ có tên Bách Cốc - nơi ngư dân đã định cư từ thuở sóng biển vẫn ào ạt dạt vào nơi đây. Những mảnh gốm sứ chất lượng cao được tìm thấy phát lộ đời sống quý tộc nhà Trần tại các trang viên ở Nam Định...

Làng Bách Cốc (hay Bách Cốc xã với tư cách một làng hành chính có từ thời Lê Thái Tổ, được hình thành từ Bách Cốc Thôn và Tiểu Cốc Thôn (nay là khu vực của HTX Cốc Thành).

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Cốc Thành Bùi Văn Quý có thâm niên vào HTX từ năm 1982 sau khi đi bộ đội về, làm Chủ nhiệm (rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị) HTX từ năm 1992 đến nay. Cuộc gặp giữa GS.TS Momoki Shiro với Chủ tịch Bùi Văn Quý vì thế cũng là cuộc gặp của những người đã gắn bó cùng nhau từ buổi đầu của chương trình nghiên cứu Bách Cốc.

Phong thái điềm đạm, Chủ tịch Quý thong thả nói vo chuyện làng, chuyện xã: “Thành Lợi có 16 nghìn dân với 3 HTX nông nghiệp, trong đó HTX Cốc Thành có 2.400 thành viên. Diện tích đất nông nghiệp của HTX vào hàng khiêm tốn với 180ha, đa phần là đất lúa (70%), còn lại là đất màu cung cấp rau cho các khu công nghiệp và thành phố Nam Định. Đất nông nghiệp không nhiều, một nửa lao động làm nông nghiệp, xấp xỉ nửa kia trở thành nhân lực tại các khu công nghiệp, phần còn lại buôn bán nhỏ. Vấn đề chuyển đổi tìm đường đi cho mô hình kinh tế HTX là thách thức sống còn.

Trên đường vào HTX Cốc Thành, GS.TS Momoki Shiro ra dấu phấn khởi khi bắt gặp trạm bơm Cốc Thành ra đời từ cuối những năm 1960, giúp cánh đồng Bách Cốc chuyển từ canh tác một vụ thành hai vụ.

HTX Cốc Thành cũng được biết tới là đơn vị thứ hai của cả miền Bắc bắt tay xây dựng kho lạnh theo mô hình của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Bốn kho lạnh của HTX nằm trong những ngôi nhà đầy dấu ấn thời gian - một nhân chứng nữa của nỗ lực đổi mới. Với tổng trữ lượng chừng 165 - 170 tấn khoai tây giống, mặc dù gần đây chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ nhưng với lợi thế của người đi đầu, do đã khấu hao hết đầu tư kho, Cốc Thành sẵn sàng giảm lợi nhuận để giữ thu nhập ổn định. Trong khi các đơn vị mới thường phải gánh thêm phần chi phí đầu tư, trung bình 500 - 700 triệu đồng/kho.

Làm kho lạnh rồi Cốc Thành lại bắt tay làm nhà máy nước sạch trị giá nhiều tỷ đồng từ năm 2005 bằng nguồn lực chính là vốn góp. Thực hiện Luật HTX mới, tính trong toàn tỉnh Nam Định thì Cốc Thành là một trong số ít mô hình tiêu biểu, đồng thời là HTX chuyển đổi (HTX ra đời trước thời điểm Luật HTX 2012) có vốn góp cao nhất với 1,5 triệu đồng/thành viên.

Năm vừa qua, Cốc Thành tiếp tục đầu tư 470 triệu đồng để tu sửa, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch góp phần cùng với hai HTX còn lại cung cấp cho 100% hộ trong xã nguồn nước chất lượng. Nhiều dịch vụ khác cũng được đơn vị này đầu tư triển khai như thu gom rác, cung ứng giống cây trồng... để phục vụ người dân.

Kho lưu trữ tư liệu văn hóa bản địa

Điều thú vị, và có lẽ cũng là hiếm hoi trên cả nước, là ở một HTX như Cốc Thành lại có một phòng trưng bày thông tin khảo cổ về ngôi làng.

Bách Cốc cổ được định danh bằng khoa học khảo cổ với các đợt thám sát dày và lượng nhà khoa học kỷ lục của hai nước Việt Nam, Nhật Bản tham gia. Trong số này, những tên tuổi lớn như cố Giáo sư Phan Huy Lê, cố Giáo sư Sakurai Yumio (thành viên sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội)... Các giáo sư đã gửi lại nơi đây những nỗ lực thông hiểu làng xã để có thể gợi mở cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Theo các chuyên gia, có lẽ ở châu Á, Bách Cốc là ngôi làng đầu tiên được khai phá lịch sử bằng cách tiến hành khai quật tại địa điểm dân cư bình thường chứ không phải trên nền một di tích đặc biệt. HTX Cốc Thành “rơi” vào vùng nghiên cứu bởi 3 lý do: “Là khu vực nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của nông thôn miền Bắc, đồng thời là mô hình HTX có nhiều nét mới và đặc sắc của tỉnh Nam Định”.

Và mục đích khảo sát, theo Giáo sư Sakurai Yumio là để tập hợp một cách có hệ thống thông tin mọi mặt của nông thôn Đồng bằng sông Hồng, qua đó tìm hiểu cơ sở xã hội và văn hóa truyền thống Việt Nam, xây dựng cơ sở khoa học cho chiến lược phát triển nông thôn, nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, đúng như GS.TS Momoki Shiro từng nói: “Làng xã Việt Nam còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm quý giá chưa được khai thác”. Trường Tiểu học Trần Lâm (xã Thành Lợi) nằm sát khu vực HTX Cốc Thành vốn là không gian rộng lớn của chùa Hưng Thọ. Trong không gian nhà trường hiện lưu giữ tạm một tấm bia và cả mảnh vỡ của tấm bia khác còn chờ nghiên cứu. Cô giáo Phạm Thị Kim Thoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường mở cánh cổng sắt phía sau ngôi trường, bên những gốc hồng cổ Nam Định đậm hương sắc là khu vực lăng của dòng họ Nguyễn Công (một trong những dòng họ lớn của Bách Cốc cổ). Cô kể những câu chuyện lưu truyền về tên gọi làng Bách Cốc, việc thờ Thái hậu Dương Vân Nga khi bà qua vùng đất này đốc thúc binh lương... Tiếng trẻ thơ trong ngôi trường làm khách chững lại, nghĩ cánh đồng trồng màu mênh mông trước mặt kia có thể còn lưu giữ ký ức của tiền nhân hiện vẫn còn bí ẩn.

Chủ nhiệm HTX Cốc Thành Bùi Văn Quý từng bày tỏ mong muốn rằng Thành Lợi có thể có một bảo tàng riêng để lưu giữ các hiện vật tại ngay chính không gian làng cổ, thay vì chỉ trưng bày tại Bảo tàng Nam Định.

Theo Giáo sư Trần Đình Hượu, một trong những tổ chức chính trị - xã hội mang đặc sắc Việt Nam là tổ chức “Làng - Họ”. Và đó là “cái có sẵn, hình thành lâu đời, không thể nghĩ chuyện xóa bỏ mà phải nghĩ cách vận dụng, cải tạo”. Lại nhớ cụ Nguyễn Tài Tư, đời thứ 13 trong 18 đời dòng họ Nguyễn Tài (dòng họ lớn thứ hai của Bách Cốc cổ) tự hào chuyện dòng họ không chỉ quan tâm giữ gìn, hương khói chu đáo cho nhà thờ họ mà còn chăm lo khuyến học với mức hỗ trợ cho các cháu có thành tích học tập xuất sắc đến 1 triệu đồng/cháu ngay từ cuối những năm 1990.

Bách Cốc hôm nay cũng như nhiều ngôi làng của Đồng bằng Bắc Bộ, vẫn cứ là một lời mời gọi với các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Nghiên cứu sinh người Hàn Quốc Jo Hoyeon quan tâm đến gia phả, sắc phong của làng truyền thống Việt Nam. Vương Kế Cầm, nghiên cứu sinh người Trung Quốc chăm chú với dấu tích các nhà thờ dòng họ, bia đá ở Bách Cốc... Dịp này, vợ chồng nhà xã hội học Phạm Văn Bích và Misaki Iwai (Nhật Bản) cũng có mặt ở Bách Cốc để thực hiện đề tài nghiên cứu xã hội học về gia đình.

Những bài học truyền đời, mã văn hóa mà tiền nhân gửi gắm qua không gian di tích, trong phong tục, lễ hội của làng, xã chính là một trong những nguồn lực phát triển cho các địa phương, quốc gia, khu vực trên chặng dài “đến hiện đại từ truyền thống”.

Hải Giang