Di sản

Tết trong Hoàng cung nhà Nguyễn

Thiên Ân 20/02/2024 11:05

Cùng với việc phục dựng lễ Ban sóc và Thướng tiêu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế còn nỗ lực tái hiện hàng loạt nghi lễ và trò chơi từng diễn ra trong Hoàng cung - Đại nội Huế vào thời khắc giao thừa để người dân và du khách phần nào hình dung ra không khí vui xuân, đón Tết của vua quan nhà Nguyễn (1802 - 1945).

tet-hoang-cung.jpg
Tái hiện lễ dựng nêu trong Hoàng cung - Đại nội Huế theo nghi thức cung đình dưới triều Nguyễn.

Độc đáo lễ Thướng Tiêu

Ngay từ sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, đoàn rước gồm các vị chức sắc, bô lão, đại diện gia đình hoàng tộc, đội nhã nhạc và đội lính vệ đã có mặt tại Đại nội Huế. Cây nêu là một cây tre già được chọn kỹ lưỡng, dáng thẳng, dài khoảng hơn 15m được rước từ cửa Hiển Nhơn, cửa phía Đông của Hoàng thành vào Thế Tổ Miếu - Đại nội Huế. Tại đây, hương án cùng các lễ vật, đội nhạc đã chờ sẵn để tiến hành các nghi thức lễ Thướng tiêu (dựng nêu). Sau phần lễ, cây nêu được 10 lính vệ vác dựng đứng giữa sân cỏtrước Hiển Lâm Các (Thế Tổ Miếu) trong tiếng trống chiêng và lễ nhạc cung đình.

Theo nhà nghiên cứu Vĩnh Cao (hậu duệ của vua Minh Mạng), Hiển Lâm các có chiều cao 13m. Từ năm 1822-1945, các công trình xây dựng trong Kinh thành Huế đều phải thấp hơn chiều cao của Hiển Lâm Các. Riêng cây nêu theo phong tục truyền thống là phải cao hơn để che chở, bảo vệ các mái nhà khỏi ma quỷ. “Người xưa quan niệm rằng sau khi ông Táo cưỡi cá chép lên trời vào ngày 23 tháng Chạp thì sẽ không còn vị thần nào bảo vệ cho ngôi nhà của mình trước các thế lực ma quỷ. Vậy nên người xưa mới dựng cây nêu với đầy đủ lễ vật, lá bùa... để xua đuổi tà ma trong những ngày Tết Nguyên đán” - nhà nghiên cứu Vĩnh Cao cho biết.

Dưới triều Nguyễn, khi cây nêu được dựng lên trong Đại nội cũng là dấu hiệu cho thấy triều đình dừng việc triều chính để đón Tết. Bên ngoài Hoàng thành, người dân cũng bắt đầu đồng loạt dựng nêu. Việc tái hiện lại lễ dựng nêu trong Đại nội Huế do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện nhằm giữ lại một nét đẹp văn hóa truyền thống vào dịp Tết của người Việt nói chung và cố đô Huế nói riêng, thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách tham quan, đặc biệt là khách nước ngoài.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, là dịp lễ lớn nhất trong cả năm nên Tết trong cung vua Nguyễn được tổ chức rất linh đình. Cả tháng trước Tết, trong Hoàng cung đã lo chuẩn bị đồ cúng lễ, trang hoàng cờ hoa khắp nơi. Các nghi thức đón Tết bắt đầu ngay từ 20 tháng Chạp với lễ Ban sóc (phát lịch), lễ Nghinh xuân (đón ngày lập xuân), lễ Phất thức (lau chùi ấn tỷ và kinh sách)... Nhưng quan trọng nhất là nghi lễ chúc mừng ngày mùng 1 Tết. Ở thời khắc trọng đại ấy, nhà vua đội mũ Cửu Long, mặc Hoàng bào từ điện Cần Chánh được rước bằng kiệu sang điện Thái Hòa. Nhã nhạc tấu cùng 9 phát súng thần công. Quan Thái giám đốt hương trầm, quan Nội các tiến lên hoàng án lấy biểu chúc mừng trao cho quan Tuyên đọc, đọc xong các quan lạy tạ. Quan Phụng chỉ đọc lời đáp của vua. Nhạc tấu khúc “Hòa bình”, vua được rước về lại điện Cần Chánh. Tại đây các hoàng tử, hoàng thân, các quan văn võ từ tứ phẩm trở lên lạy mừng. Nhà vua ban yến và thưởng tiền mọi người. Người được ban tặng đưa lộc về nhà dâng lên bố mẹ, biếu người trong nhà để ai cũng được hưởng chút ân điển vua ban.

Tái hiện Tết xưa

Tết xưa trong cung đình triều Nguyễn diễn tiến theo những nghi thức ấn định trong “Hội Điển Sự Lệ” do sự sắp đặt của bộ Lễ và chọn ngày của Khâm Thiên Giám. Có rất nhiều quy tắc phức tạp tỏ rõ sự tôn nghiêm, linh thiêng, quyền uy chốn Hoàng cung.

Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, trên cơ sở chất liệu cung đình, những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã nỗ lực nghiên cứu và tổ chức tái hiện hàng loạt nghi lễ và trò chơi từng diễn ra trong Hoàng cung - Đại nội Huế ở thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới để người dân và du khách phần nào hình dung ra không khí vui xuân, đón Tết của vua quan nhà Nguyễn.

Cùng với nghi lễ dựng nêu, những trò chơi cung đình và trình diễn thư pháp cũng được tái hiện nhằm góp phần giới thiệu nét đẹp văn hóa chốn Hoàng cung. Ở sân điện Thái Hòa diễn ra các trò chơi trong cung cấm dưới thời các vị vua triều Nguyễn, như đổ xăm hường, bài vụ, thả thơ, chơi đầu hồ phục vụ du khách. Trong đó, trò đầu hồ khá phức tạp với những luật lệ khắt khe để tăng độ khó, thử thách người chơi. Mỗi du khách tham gia được trao 5 thẻ tre, đứng cách bình gỗ một tấm chiếu, nếu ai ném trúng 2 thẻ tre vào bình gỗ thì được tặng quà là một bức thư pháp.

Còn trò bài vụ giống như trò bầu - cua - tôm - cá hiện nay nhưng các con vật trong các ô đặt cược được vẽ tinh xảo, theo phong cách cung đình. Khách chơi nhận các thẻ thay cho tiền để chơi vui và lấy hên đầu năm. Cùng với đó, trò chơi đổ xăm hường - trò chơi gieo con xúc xắc để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa, như Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Thú chơi tao nhã, nhẹ nhàng này nhằm tôn vinh tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa...

Vào ngày mồng 7 tháng Giêng, lễ hạ nêu tại Đại nội Huế diễn ra với các nghi thức tương tự nghi thức dựng nêu, chỉ khác là sau khi tống thần, đốt sớ thì cây nêu được hạ xuống, chiếc giỏ tre được tháo ra. Chiếc ấn lấy xuống từ cây nêu được dùng để đóng lên những bức đại tự viết theo lối thư pháp với ý nghĩa tốt lành, chúc phúc đầu năm mới, như Phúc, Lộc, Tài, Đức, Tâm, Đạt... để dành tặng cho du khách.

Lễ Ban sóc dưới triều Nguyễn

Thông qua hình thức sân khấu hóa với những trình thức, nghi tiết thuở xưa, tại di tích Ngọ Môn (Đại nội Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức tái hiện lễ Ban sóc triều Nguyễn cận Tết Giáp Thìn 2024. Đây là lễ phát lịch của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong. Lịch được tiến vào Hoàng cung để cho Hoàng gia dùng, phát cho các quan ở kinh thành cũng như các địa phương, và phân phát lại để dân chúng sử dụng. Lễ Ban sóc trước đây được triều Nguyễn tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Tuy nhiên, bắt đầu vào năm Tân Sửu 1841, lễ Ban sóc được vua Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà còn được ban cho thần dân. Trong sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” có chép, vua Minh Mạng định rằng: “Lễ Ban sóc có khác với ba tiết lớn. Nay đổi định: từ nay về sau làm lễ Ban sóc ở trước cửa Ngọ Môn”.

Thiên Ân