Hà Nội văn

Lòng mẹ

Truyện ngắn của Ngọc Anh {Ngày xuất bản}

Sáng nay bầu trời có phần u ám hơn hôm qua. Gần tám giờ mà trời vẫn mờ mịt, bảng lảng như sương giăng. Nghe con trai, con dâu nói bà Hạnh mới biết đấy là do không khí ô nhiễm, bụi mịn chứ không phải sương.

Thời tiết này khéo thằng Tùng lại ho, lại sụt sịt. Bà thở dài, đi ra đi vào giữa các phòng, chốc chốc lại đứng tần ngần bên cửa sổ.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Hồi ở quê những ngày đầu đông bà thường đi chợ chọn mua ít chanh đào về ngâm. Chanh đào vỏ mỏng cắt lát cỡ hai phân, ngâm đường phèn, mật ong vừa tăng sức đề kháng lại chữa ho rất tốt.

- A lô, mẹ à! Trưa nay con không về được. Đồ ăn có sẵn trong tủ lạnh mẹ cho vào lò vi sóng hâm nóng rồi ăn nhé.

- Ừ! Con cứ đi công việc đi. Mẹ tự lo được.

Bình con trai bà là đứa có hiếu. Mấy năm liền sau khi chồng mất, bà ở quê chăm lo vườn tược, thờ cúng. Nhưng hơn nửa năm trước bà bị tai biến, may có hàng xóm đến chơi phát hiện kịp nên chỉ hơi bị méo miệng, yếu một bên người. Con trai đưa bà lên thành phố điều trị, châm cứu, tập luyện suốt mấy tháng, giờ đã gần như hồi phục hoàn toàn tuy có phần chậm chạp hơn xưa. Vì thế các con bà nhất quyết giữ mẹ ở lại thành phố, mẹ con bà cháu quây quần cho yên tâm.

***

Nắng bắt đầu lên. Thấy máy giặt đã đầy quần áo, bà Hạnh đổ nước giặt vào rồi nhấn nút khởi động. Vậy là bà yên tâm, máy sẽ tự giặt, lát nó kêu “tít tít”, chỉ việc bỏ ra phơi là xong. Ở quê bà hay giặt ở bể nước giếng khoan. Nước nôi thoải mái, sân vườn thoáng mát, tha hồ giặt giũ, phơi phóng, thi thoảng người này người kia ghé qua trò chuyện, vui đáo để.

Buồn chân buồn tay, bà lại tranh thủ lau dọn chỗ này chỗ kia. Tuổi già có khác, làm một tí là thở dốc. Ngày xưa bà có thể gánh dăm bảy chục cân, nặng trĩu hai vai, hết gánh này đến gánh khác, giờ thì chẳng được một phần. Hồi Bình còn nhỏ, mỗi lần nó sốt bà lại thức cả đêm chăm con, hôm sau vẫn đi làm đồng, đi chợ. Nghĩ đến con bà lại thấy thương. Nhà không có điều kiện nên Bình cứ còi cọc, nay ốm mai đau. Thế mà nuôi mãi cũng lớn, lại học giỏi, trở thành niềm tự hào của ông bà. Nhắc đến chồng bà lại nhớ ra hai tháng rồi con dâu, con trai bận công việc nên cuối năm chưa đưa bà về quê hương khói cho ông được. Tự nhiên bà ứa nước mắt. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang, là Thủy con dâu bà gọi về.

- Mẹ à! Con thấy anh Bình bảo trưa nay anh ấy không về. Có nồi cá con mới kho để cạnh cây nước ấy, mẹ lấy ra ăn nhé.

- Thôi, cá kho để tối về cả nhà cùng ăn. Mẹ hâm nóng lại đồ ăn được mà con.

- Con kho nhiều mà. Mẹ cứ lấy cá kho mà ăn cho đỡ kích rích. Buồn thì mẹ cứ bật ti vi lên xem nhé. Không phải làm gì đâu mẹ. Chiều tối xong việc con đón thằng Tùng về sớm. Hai bà cháu xuống sân chơi cho thoải mái.

- Ừ, mẹ biết rồi.

Ngày nào cũng thế, các con trai gái, dâu rể thường gọi cho bà ít nhất mỗi đứa một lần. Buổi trưa nào bà ở nhà một mình thì cứ một lúc lại có điện thoại của con. Vậy mà không hiểu sao bà vẫn thấy trống vắng, cô quạnh. Ở quê dù một mình nhưng bà vẫn thấy như chồng ở bên, dõi theo từng bước. Cửa nhà lúc nào cũng rộng mở, tiếng người đi qua đi lại náo nức. Thi thoảng hàng xóm lại í ới chuyện trò hay chia nhau ít đồ ăn. Chốn thành thị này cái gì cũng có nhưng sao vẫn cứ lạ lẫm với bà.

***

- Bà ơi con về rồi này!

Cu Tùng chạy ùa vào với bà. Thủy bước vào cửa thấy thấp thoáng quần áo phơi ngoài ban công, bộ ấm chén gần kệ ti vi không còn ở chỗ cũ nên biết mẹ đã giặt giũ, lau dọn rồi.

- Con nói với mẹ rồi! Mẹ cứ để nhà cửa, quần áo cho con làm. Gió máy thế này, mẹ ở nhà một mình nhỡ làm sao chúng con lại lo.

- Không sao, mẹ làm được mà. Thôi con nấu nướng đi, mẹ cho cháu xuống nhà chơi một tí.

Cuối giờ chiều hằng ngày là hai bà cháu lại xuống sân chung cư chơi. Tùng đi xe thăng bằng ở sân, chốc chốc lại cười sằng sặc. Cứ nhìn cháu cười là lòng bà Hạnh cũng thấy vui.

- Cháu chị đấy à? Trông yêu nhỉ!

- Ừ cháu nội đấy. Tuổi này đáng yêu thật.

- Chúng mình già rồi, chẳng biết có được thấy chúng trưởng thành không?

- Dào ôi, bà nghĩ gì xa xôi thế! Vui ngày nào biết ngày ấy.

Miệng nói vậy nhưng bà Hạnh cũng thấy nao nao trong lòng. Không biết cuộc đời bà còn được mấy năm bên con bên cháu.

- Tết này chị ở đây ăn Tết chứ?

Bà Hạnh nhìn xa xăm một lúc, buông một tiếng thở dài rồi đáp lời:

- Tôi tính ở với chúng nó đến sát Tết rồi về quê. Mấy tháng nay không ai lo vườn tược, hương khói cho ông nhà tôi. Về quê ăn Tết cho nhà có hơi ấm.

Thấy đường phố cũng đã lên đèn, bà Hạnh dắt cháu lên trên nhà.

Thủy đã lo cơm nước tươm tất. Bình cũng đã về, tắm rửa xong. Giờ là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm. Thời điểm này là lúc bà thấy vui nhất trong ngày. Nghe con cháu trò chuyện cứ rôm rả cả lên. Bỗng Bình quay sang nói với bà Hạnh:

- Mẹ à! Năm nay Tết con tính tranh thủ kỳ nghỉ đưa cả nhà đi du lịch. Cả năm chẳng có thời gian đi đâu, năm nay mình đi thăm thú đây đó cho nó thay đổi đi.

Thủy cũng nói thêm:

- Hay là đi Phú Quốc đi mẹ? Thử một cái Tết nắng ấm xem sao. Mẹ đồng ý là chúng con đặt vé máy bay, cả nhà mình Tết này cùng đi luôn.

Nghe đến đi chơi Tùng sáng mắt lên:

- Đi chơi, đi chơi! Con thích đi chơi! Bà ơi đi chơi thôi!

Tự nhiên bà Hạnh thấy nghèn nghẹn trong ngực. Bà hiểu các con muốn cho bà đi du lịch, muốn bà có thời gian vui vẻ cùng con cháu, nhưng sao bà thấy bối rối quá.

- Mẹ lo nhà cửa không ai dọn dẹp đúng không? Con sẽ gọi điện về quê nhờ người làm vườn, dọn sạch nhà cửa. Trước khi đi du lịch nhà mình về một hôm thắp hương cho bố rồi đi. Như vậy mẹ đã yên tâm chưa?

Bà Hạnh ậm ừ cho qua chuyện. Bà không muốn bữa ăn gia đình đang vui lại bị trầm xuống.

Buổi tối Tùng thường đi ngủ từ chín giờ. Vợ chồng Bình khi ấy mới ra phòng khách ngồi ăn trái cây, xem phim. Bà Hạnh sau một hồi tần ngần rồi đi ra nói với các con:

- Các con à, mẹ muốn nói chuyện một chút.

Vợ chồng Bình cảm thấy có gì đó nghiêm trọng liền ngồi thẳng dậy, tắt ti vi.

- Vâng! Mẹ định nói chuyện gì ạ?

Bà Hạnh nhìn con trai, con dâu, hít một hơi thật sâu rồi nói:

- Mẹ biết các con muốn mẹ đi chơi cùng. Các con cũng muốn có thời gian nghỉ ngơi trải nghiệm cùng cu Tùng. Nhưng mẹ già rồi, mẹ cũng là người quê. Ăn Tết ở nơi xa, du lịch này kia không hợp với mẹ.

Bình cười lớn:

- Ôi mẹ! Mẹ làm con tưởng chuyện gì. Mẹ đừng lo, mẹ đi thử đi, sẽ rất vui.

Bà Hạnh ra hiệu để bà nói hết:

- Ngoài việc đó ra mẹ muốn ăn Tết ở quê. Mẹ chẳng biết sẽ còn bao năm ở trên đời nữa, mẹ muốn ở bên bố con những ngày lễ tết. Mẹ quen với cuộc sống ở quê, ở đây dù đầy đủ, tiện nghi nhưng quả thực mẹ vẫn không quen, mẹ muốn về lắm các con à. Các con cứ đi du lịch đi đừng lo cho mẹ.

***

Cuộc nói chuyện với mẹ làm Bình thao thức mãi. Thủy cũng trằn trọc xoay qua xoay lại. Bình định nói gì đó với vợ nhưng lại thấy không biết bày tỏ ra sao. Chợt Thủy choàng tay ôm lưng chồng thủ thỉ:

- Anh à!

- Gì vậy em?

- Hồi bố còn sống, mẹ lúc nào cũng tươi cười. Từ ngày bố mất mẹ trầm đi nhiều anh nhỉ?

Bình quay sang nhìn vợ, vừa vuốt mấy sợi tóc mai lòa xòa cho vợ vừa nói:

- Ừ! Ngày xưa bố chăm mẹ khéo lắm. Đi đâu cũng hai ông bà tíu tít. Con cái có thế nào cũng chẳng thể lo cho bố mẹ như ông bà chăm nhau được.

Im lặng một lúc rồi Thủy khẽ nói:

- Hay là Tết này mình về quê với mẹ. Tết mẹ vừa có bố ở bên lại có vợ chồng mình và cu Tùng. Hè đi chơi cũng được, chẳng cứ là Tết.

Nghe vợ nói Bình vừa mừng, vừa cảm động. Trong lúc còn rối bời chưa nghĩ ra phải thế nào thì Thủy đã cởi bỏ mọi nút thắt trong lòng anh. Bình tỉ tê kể về những năm bố anh còn sống. Dịp Tết bố hay đợi anh về rồi sang nhà chú đụng lợn. Ở quê sau ông Công ông Táo là làng xóm đã vui như hội. Láng giềng, họ hàng còn tổ chức ăn uống tất niên cùng nhau. Đến 29 Tết thì nhà nọ phụ nhà kia gói bánh chưng. Chiều ba mươi là những chiếc bánh nóng hổi cũng được vớt lên để trên bàn thờ. Ở thành phố đâu có những cảnh như vậy. Ngày Tết, Bình hay cùng mẹ ra chợ mua sắm. Chợ quê không có cao lương mỹ vị gì đặc biệt nhưng đông vui khác hẳn ngày thường. Nếu Tùng được đi chợ Tết quê chắc cu cậu vui lắm.

Hai vợ chồng cứ chuyện trò về những ngày Tết xưa rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc mơ Bình lại thấy nụ cười của mẹ khi được trở về quê nhà.

Truyện ngắn của Ngọc Anh