“Những viên ngọc quý” của Hà Nội
Thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Nội rất nhiều hồ. Người xưa lại đào đất đắp đê, chặn dòng đắp đập nên Hà Nội có cả hồ nhân tạo.
Thời vua Tự Đức, trung tâm tỉnh Hà Nội ở huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Hai huyện này có sông Tô Lịch “vừa trong vừa mát” chảy qua. Cửa sông bắt đầu từ phố Chợ Gạo qua Nguyễn Siêu, Hàng Đường, Hàng Lược quặt góc rồi men theo chân thành Hà Nội chảy ra chợ Bưởi ngày nay.
Đặc biệt, hai huyện này cũng có nhiều hồ lớn như hồ Tây, Trúc Bạch, Mã Cảnh, Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Bảy Mẫu, Văn Chương, Kim Âu, Huy Văn... Do địa thế cao ở phía bắc và tây bắc, thấp dần về phía nam và tây nam nên người xưa tận dụng điều kiện địa lý tự nhiên đó để đào kênh liên thông, làm hệ thống tiêu úng, thoát nước thải sinh hoạt. Vào mùa mưa, hồ tích nước giữ vai trò hồ điều hòa. Cùng với ao, những hồ này là nơi tắm giặt, bơi lội, rửa rau, vo gạo của dân chúng thị thành. Dân các làng quanh hồ có trách nhiệm khơi thông dòng chảy, bù lại họ được quyền thu hái hoa sen, đánh cá.
Năm 1888, thực dân Pháp thành lập thành phố Hà Nội trên phần đất của huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận với diện tích 945ha. Họ lấp sông Tô Lịch để xây chợ Đồng Xuân, cho cải tạo khu phố cổ, xây dựng khu phố mới ở phía nam hồ Gươm. Họ lấp hồ Mã Cảnh, Hàng Đào, Hàng Chuối, Liên Trì... bán mặt bằng cho tư nhân làm nhà. Vì hồ bị lấp nên họ cho làm cống ngầm thoát nước thải. Nước thải sinh hoạt ở khu vực “36 phố phường” theo các đường cống đổ ra hồ Hoàn Kiếm.
Sau tiếp quản Thủ đô năm 1954, chính quyền mới đã mở rộng địa giới, hồ ở ngoại ô được “nhập tịch” vào nội thành. Hà Nội phát triển, một số hồ bị lấp như Kim Liên, hoặc thu hẹp là Giảng Võ, Ngọc Khánh lấy đất xây nhà ở cao tầng.
Cuối những năm 1980, đầm Ga Vọng mênh mông bị lấp để làm quốc lộ 1 mới. Đào đất thành hồ thì lâu song lấp lại rất nhanh, trong vòng mấy tháng hồ Phương Liệt rộng gần trăm héc ta kế bên đã bằng phẳng. Những năm 1990, một tay ông Sáu “bò” nhận thầu lấp hàng loạt hồ ở phía tây sân bay Bạch Mai, những hồ ấy nay là phố sầm uất. Tuy nhiên, nhiều hồ “cái” vẫn còn như hồ Tây, Trúc Bạch, Hoàn Kiếm, Bảy Mẫu, Ba Mẫu...
Ngày nay, từ nội đô đến ngoại thành trùng điệp nhà cao tầng, bê tông vào tận cùng ngõ ngách thì hồ trở thành tài sản quý giá. Cùng với “Nhị Hà quanh bắc sang đông”, hồ thành máy điều hòa tự nhiên, hấp thụ năng lượng mặt trời, giúp giảm nhiệt độ vào mùa hè nóng bức. Hồ thành nơi vui chơi, nghỉ ngơi, tổ chức sự kiện, sáng sớm hàng đoàn xe đạp nối nhau quanh các hồ lớn nên người ta gọi là “con đường sức khỏe”. Không chỉ là tài sản, nhiều hồ Hà Nội còn là di sản quý báu vì có bề dày lịch sử, văn hóa, nơi sinh ra truyền thuyết mà theo nhà sử học Trần Quốc Vượng thì tâm thức Hà Nội phần lớn đều bắt đầu từ hồ.
Hà Nội có nhiều hồ nổi tiếng cả nước là hồ Tây, Hoàn Kiếm, Đồng Mô... Xa xưa, hồ Tây là nhánh của sông Hồng nối với sông Tô Lịch qua cống Đõ của làng Hồ Khẩu (nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ). Hồ Tây có 6 tên gọi, trong đó Kim Ngưu (Trâu Vàng) là tên với nhiều dị bản, song bản phổ biến nhất là trâu con nghe tiếng chuông đúc bằng đồng đen phát ra ở hồ Tây đã lồng lên đi tìm mẹ, những dấu chân của nó thành sông Kim Ngưu. Khi đến hồ Tây, tiếng chuông bị tắt, con trâu lồng lộn ngụp lặn tìm mẹ đã biến cái hồ nhỏ thành hồ Tây mênh mông. Hồ Tây còn có truyền thuyết khác, đó là đáy hồ có hang cáo, con cáo này thành tinh có chín đuôi chuyên hại người nên Lạc Long Quân đã vào hang giết chết. Vì thế, hồ Tây có tên hồ Xác Cáo.
Về tâm linh, hồ Tây được cho là nằm trên trục thần đạo nối với núi Tản Viên, nơi ở của thần Sơn Tinh. Cao Biền, viên tướng của nhà Đường am hiểu phong thủy và thuật pháp muốn hại thần Sơn Tinh nhưng bất lực. Hồ Tây có chùa Trấn Quốc, ngôi chùa cổ nhất Hà Nội dựng vào thế kỷ VI bên bờ sông Hồng với tên ban đầu là Khai Nguyên. Những năm lũ sông lên cao gây ngập chùa, để tránh nước lũ làm hỏng, chùa được chuyển vào hồ Tây và đổi thành Trấn Quốc. Quanh hồ có nhiều chùa theo thiền phái Vô Ngôn Thông, có phủ Tây Hồ - nơi thờ mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh bất tử của Việt Nam. Làng Võng Thị là điểm giải trí lừng danh thời Hậu Lê được Nguyễn Huy Lượng nhắc đến trong “Tụng Tây Hồ phú” sáng tác năm 1802: “Làng Võng Thị còn đông tiệc rượu/ Tiếng cầm đà não nuột buổi tà ô”. Có làng Thụy Chương (nay là Thụy Khuê) nấu rượu với gạo sen giống Bách Diệp nổi tiếng kinh thành. Cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã lập tour xe ngựa qua các làng quanh hồ. Báo “Tương lai Bắc Kỳ” năm 1899 đã mô tả: “Mặt trời lặn vẫn còn tiếng xe ngựa lọc cọc”.
Hoàn Kiếm cũng là hồ đẹp. Cố kiến trúc sư Hoàng Phúc Thắng sáng tác bài hát “Truyền thuyết hồ Gươm” đã gọi hồ Hoàn Kiếm là “đóa hoa trong lòng thành phố”. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Văn Uẩn gọi hồ Gươm là “cô gái duyên dáng”. Du khách trong nước, người nước ngoài đến Hà Nội không thể không thăm hồ Gươm.
Ở ngoại thành, hồ Đồng Mô tuy là hồ nhân tạo hình thành năm 1970 song liên quan đến truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh và huyền thoại chàng rể chống lại rồng lửa. Ở một số hòn đảo trong hồ xa xưa từng là nghĩa địa của người Mường. Đây cũng là một trong nhiều địa danh có sự giao thoa văn hóa giữa người Việt cổ và người Mường cổ. Ở hồ Đồng Mô có cá thể rùa như ở hồ Hoàn Kiếm và những cá thể rùa này có mối liên hệ gì với rùa hồ Hoàn Kiếm vẫn còn là câu hỏi. Trong lòng hồ hiện có 21 đảo lớn nhỏ, cây xanh mướt, chiều chiều, hàng đàn cò về nghỉ ngơi. Từ một hồ tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngày nay Đồng Mô đã được khai thác thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng.
Hà Nội còn có rất nhiều hồ khác gắn với truyền thuyết, lịch sử, văn hóa. Ngày 20-3-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định và phê duyệt danh sách 3.164 đầm, hồ, ao trong thành phố cấm không được san lấp. Đây là quyết định cần thiết để bảo vệ những tài sản, di sản này cho con cháu.