Hà Nội văn

Mùi của tuổi thơ

Phương Hà {Ngày xuất bản}

Nhà tôi ở triền đê, làng một bên còn phía kia là sông. Mái ngói thâm nâu đã được rặng tre ôm kín. Chiều chiều đi học về, đứng trên đê nhìn về phía làng, tôi cứ mặc nhiên nghĩ rằng ngọn khói cao nhất đang bay ra sau những hàng tre cao vút ấy là khói bếp nhà mình. Ý nghĩ ấy làm đôi bàn chân thơ bé rảo bước thật mau. Có hôm tôi đi học về bà vẫn đang làm cỏ ngoài đồng, hay mải đi đâu đó chưa kịp thổi cơm.

z5192498837142_20b918ec9651.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Tới giờ, hình ảnh bình yên nhất trong lòng tôi vẫn là mỗi chiều về nhà thấy bà trong bếp đun nấu, từng cuộn khói nhỏ từ trong bếp bay ra, tiếng dao thớt cứ thế lách cách đều đều từng nhịp nghe rất vui tai. Mẹ sẽ đứng ngoài sân, thu quần áo hay tranh thủ quét tước cho gọn ghẽ. Cơn gió nhẹ khẽ đưa mùi thơm của thức ăn quyện với mùi khói bếp! Chúng tôi vẫn gọi đó là mùi của tuổi thơ.

Sau này, ông bà sửa nhà, mẹ tôi sắm thêm một cái bếp gas, để ở gian bếp mới xây ngay sát ao, gần mấy cây dừa. Cả nhà khuyên bà đừng đun củi nữa, nhưng bà nào có nghe. Ở quê vườn rộng, nên củi lúc nào thừa thãi, không đun nấu thì đám cành khô, cành gẫy chỏng chơ ở mấy gốc cây biết vứt đi đâu. Thế là mỗi chiều, những cột khói nhỏ vẫn bay lên trong căn bếp đã in hằn dấu vết của thời gian. Rui, mè trên mái bếp cũng bám đầy bồ hóng đen sì, bức tường khi bật điện lên, vẩy than trên lớp bồ hóng lấp lánh như sao.

Mùa hè, đứa nào cũng ngại đun bếp. Ấm nước mới đặt lên trên kiềng, còn chưa kịp reo mà mồ hôi mẹ, mồ hôi con đã thi nhau nhỏ xuống nền gạch. Tóc mai bết chặt vào má. Mặt cứ thế đỏ bừng như người lên cơn sốt.

Nhưng mùa đông thì khác lắm nhé, ngồi trong bếp thích ơi là thích. Đặc biệt khi phải đụng tay vào nước lạnh, mười đầu ngón tay cóng hết cả, nhăn nheo như quả táo tàu. Lúc ấy mà được sà vào bếp, hơ tay trên lửa thì ấm phải biết. Vừa hơ tay, vừa được nghe tiếng củi cháy lép bép, thi thoảng có một cành củi còn chưa khô giòn, nhựa sôi lên xèo xèo.

Khi hai tay đã ấm, tôi lại lôi một cành củi nhỏ đang cháy dở trong bếp ra, đợi than của nó tàn rồi vẽ lên nền bếp mấy nét nguệch ngoạc. Nghịch chán, chỉ cần lấy dép di di vài cái là được. Ngồi đun bếp cũng buồn tay, chị em tôi lấy lá dừa khô để đan chong chóng. Lá dừa khô giòn chứ không dẻo như lá tươi, nên làm cái gì cũng khó hơn, chong chóng đan ra cũng không đẹp. Nhưng ai lại cầm cái chong chóng màu nâu ấy đi chơi bao giờ, đan xong lại đốt, thế nên đẹp hay xấu có quan trọng gì.

Tháng Chạp, mùa dỡ khoai, vừa đun bếp, vừa vùi củ khoai lang vào trong than hồng, một loáng đã có khoai nướng thơm lừng để ăn. Cô em gái đang hái rau ngoài vườn cũng phải gọi với vào: “Chị nhớ phần khoai cho em đấy!”. Củ khoai nướng bên ngoài đen đúa, nhưng bên trong chín vàng, thơm lừng. Ăn khoai vùi kiểu ấy mà không cẩn thận là nhọ nhem đầy hai bên mép. Năm nào nhà không có khoai lang thì nướng tạm khoai tây, khoai sọ. Biết rằng khoai lang vẫn là thơm và bùi nhất, nhưng thôi “méo mó có hơn không” cứ có chút gì bỏ vào miệng chóp chép trong lúc nấu cơm là vui lắm rồi.

“Mía lùi” cũng là đặc sản của mùa lạnh. Mía vốn đã ngọt, nhưng nướng qua lửa, nước bên trong thân mía được rút bớt, thì cái ngọt ngào ấy lại càng sắc sảo hơn. Mía nướng ngọt nhưng không khiến người ta thấy khé cổ, dù nuốt xuống rồi, vị thơm như vẫn cứ vấn vít mãi nơi đầu lưỡi.

Ở quê, giờ không còn nhiều gia đình đun củi. Ai cũng bảo đun bếp gas tiện thế, việc gì phải đun củi cho khói. Củi chỉ để dành ngày Tết nấu bánh chưng thôi. Còn ở phố bây giờ, bếp gas cũng hiếm người dùng, người ta chuyển sang dùng bếp từ, bếp hồng ngoại. Hình ảnh nồi canh nóng bốc khói nghi ngút dưới ánh lửa bập bùng dường như đã trở nên hiếm hoi.

Thời gian trôi đi, có những thứ chỉ còn là kỷ niệm…

Phương Hà