Phát huy “thế trận lòng dân” để bảo tồn bản sắc văn hóa
Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là phần việc quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô một cách bền vững.
Tiếp thu tinh thần ấy, từ rất sớm các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tại nhiều địa phương đã triển khai hàng loạt mô hình văn hóa tiêu biểu, nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình này trong thực tiễn, góp phần phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Tại quận Hoàn Kiếm, từng có thời điểm câu nói “nhanh như kẻ cắp chợ Đồng Xuân” được người Hà Nội truyền tai nhau để nói về nạn trộm cắp, sự lộn xộn tại khu chợ từng được coi là sầm uất nhất Hà Nội này. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, chợ Đồng Xuân đã có những chuyển biến tích cực, nét văn hóa ứng xử “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” đã dần hình thành, nhất là từ khi Thành phố triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, khi mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” được quận Hoàn Kiếm áp dụng rộng rãi, chợ Đồng Xuân đã dần lấy lại tiếng thơm “vui nhất là chợ Đồng Xuân.
Chị Nguyễn Thu Huyền (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Trước đây, người dân vào chợ Đồng Xuân ngại hỏi giá, sợ bị mắng, bị nói thách. Giờ đây, chợ không chỉ sạch hơn, thoáng hơn, đa số gian hàng đều niêm yết giá, in mã QR để bà con tiện thanh toán tiền. Các tiểu thương nhẹ nhàng, niềm nở hơn, không khí thật sự văn minh hơn trước nhiều”.
Đó là chưa kể trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình thiết thực: Đề án số 378/ĐA-UBND của UBND quận về “Một số nét văn hóa ứng xử của người dân khu phố cổ”; cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN); phong trào “Xây dựng nét đẹp của thanh thiếu nhi quận Hoàn Kiếm”; cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; phong trào “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Phòng Giáo dục và Đào tạo; cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân, viên chức, người lao động…
Tại quận Thanh Xuân, chị Vũ Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận cho biết, Hội đã chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở triển khai thực hiện nhiều hoạt động bổ ích: Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, mô hình “Chợ dân sinh nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần”, mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Biến chân rác thành vườn hoa tự quản”, “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang”... và nhờ đó, nếp sống mới dần “bén rễ” trong đời sống.
Xác định rằng công dân được giáo dục tốt từ gia đình thì sẽ ứng xử đúng ở ngoài xã hội, nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố triển khai phong trào “Gia đình văn hóa”, phong trào “Ông, bà mẫu mực - con cháu hiếu thảo”, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”… Mới đây, Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025”, trong đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Bộ tiêu chí gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tới các địa phương, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội...
Coi con người là trung tâm để xây dựng và phát triển văn hóa, Hà Nội ngày càng hoàn thiện bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” dùng trong trường học. Hơn 10 năm qua, bộ tài liệu đã góp phần giáo dục học sinh về thái độ ứng xử, giao tiếp thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, theo chị Vũ Hồng Minh - Bí Thư Thành đoàn Hà Nội, ngoài mô hình “Trường học không rác thải nhựa”, mới đây Hội đồng Đội thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và công ty Môi trường đô thị Urenco triển khai thí điểm xây dựng “Nhà phân loại rác thân thiện” tại 5 trường tiểu học, THCS nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phân loại, tái chế rác thải, hình thành thói quen phân loại rác trong giới trẻ.
Các mô hình, phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là sự cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách của Đảng bộ, chính quyền Thành phố nhằm tạo môi trường văn hóa lành mạnh, giáo dục, bồi đắp phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội. Điều này một lần nữa được khẳng định trong Chỉ thị số 30-CT/TU "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" của Ban Thường vụ Thành ủy. Nhìn lại những thành quả đạt được trong thời gian qua, có thể thấy đây là những “quả ngọt”, minh chứng cho sức mạnh của “thế trận lòng dân”, sức mạnh của niềm tin, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong công cuộc xây dựng nếp sống mới, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.