Gã bẫy chim
Khu tập thể nơi Thuận sống mấy ngày nay xuất hiện một gã bẫy chim.
Hai dãy nhà được xây cách đây nửa thế kỷ nên có khoảng trống ở giữa trồng khá nhiều cây xà cừ cao to, tỏa bóng râm mát, đặc biệt có nhiều chim đến kiếm ăn, đa phần là những chú chim chích bé bỏng nhưng rất tinh nhanh. Nhiều người định đuổi gã đi nhưng trông thấy gã có vẻ hiền lành lại thôi, vả lại chim của trời chứ của riêng ai!
Vợ Thuận quả quyết gã này không bình thường, còn Thuận thì cho rằng bên trong cái vẻ bề ngoài giản đơn của gã ẩn chứa cái gì đó sâu sắc.
Trưa hôm ấy, cô vợ đánh thức Thuận khỏi giấc ngủ, lôi ra cửa sổ, chỉ xuống chỗ gã bẫy chim:
- Anh nhìn kỹ xem, không phải là gã dở hơi thì là nhà thông thái à?
Thuận chăm chú theo dõi. Gã bẫy chim vừa bẫy được một con chim sâu bằng cách rắc một ít gạo vào khoảng trống bên cạnh cái bẫy bằng lưới tự làm, con chim sà xuống mổ gạo, thế là gã giật cho bẫy sập xuống. Con chim không bị đau, không thương tích gì nhưng sợ hãi bay loạn xạ tìm cách thoát thân trong tấm lưới khá rộng. Gã bẫy chim từ gốc cây gần đó đi lại, mở cái bẫy lên, con chim bay vút đi. Nhìn hành động của gã thì rõ ràng không phải sơ ý mà cố ý để con chim bay đi. Thuận lẩm bẩm:
- Lạ nhỉ? Người ta bẫy chim để ăn thịt hoặc đem bán. Gã này bẫy được chim rồi lại thả ra.
- Thế mới là gã dở hơi!
Vợ Thuận nói với giọng của người thắng cuộc và bảo đây là lần thứ ba cô chứng kiến gã thả con chim sập bẫy ra.
Thuận quay vào giường, định tiếp tục giấc trưa nhưng không tài nào ngủ lại được nữa. Anh ngồi dậy mặc quần áo rồi đi xuống sân để hỏi gã bẫy chim vì sao lại thả những con chim gã mất công bẫy được ra. Nếu gã không nói gì, hay nói năng huyên thuyên thì chắc chắn gã mắc một chứng bệnh tâm thần nào đó. Nhưng khi Thuận xuống đến nơi thì gã đã thu đồ nghề đạp xe đi mất. Thuận đi quanh quẩn chỗ gã hay ngồi rồi tạt vào quán nước gần đấy. Bà chủ quán hỏi Thuận hôm nay không đi làm hay sao mà giờ này còn xuống uống trà, Thuận bảo chiều nay có việc nên xin nghỉ, tiện mồm hỏi bà có nhìn thấy gã bẫy chim không. Bà chủ quán chép miệng:
- Rõ là kẻ dở người, bẫy được chim rồi lại thả chim ra!
- Hay là gã phóng sinh?
- Phóng sinh cái chết tiệt! Phóng sinh thì phải đi mua chim thả ra mới là phóng sinh, đằng này làm cho nó sợ vỡ mật ra rồi thả thì tội còn ngập đầu ấy chứ!
Đúng thế, làm con chim hoảng sợ thì là hành hạ nó chứ cứu sinh cái gì? Nhưng cái khuôn mặt phúc hậu, nụ cười nhân từ ấy thì không thể ác được, còn đôi mắt gã toát lên vẻ thông minh, sâu sắc, không hề có vẻ gì của một kẻ dở hơi. Thuận nhất định hôm sau sẽ gặp gỡ, tìm hiểu về gã nhưng không thấy gã trở lại khu tập thể của Thuận nữa.
Chủ nhật, vợ chồng Thuận đưa hai con đi chơi công viên. Thằng con trai lôi tay Thuận lại chỗ có tiếng chim kêu, thấp thoáng bóng dáng một người ngồi xa xa. Ồ, gã bẫy chim! Thuận đi nhanh lại nhưng không phải cái gã Thuận mong gặp, mà là một gã mặt choắt, môi thâm, mắt trắng dã như kẻ nghiện hút. Gã không bẫy chim bằng lưới mà bẫy bằng con chim giả được gắn lên cành cây khô cắm trên bãi cỏ trống, cạnh đó treo con sâu giả đang ngo ngoe trước gió. Gã ngồi xa, bấm bấm vào chiếc điều khiển khiến con chim giả phát ra tiếng hót như chim thật. Cả nhà Thuận đứng ngóng xem, một lúc thấy một con chim bay đến, nó không đến bên con chim giả ngay mà đậu trên cái cây gần đấy. Lập tức con chim giả phát ra những tiếng kêu tha thiết mời gọi, con chim thật không kìm nén được lòng mình liền bay vù xuống đậu bên cạnh con chim giả. Vừa đậu xuống, chưa kịp đớp mồi, con chim thật nhận thấy có điều gì đó bất ổn, nó muốn bay đi nhưng đôi chân đã bị dính chặt vào cành cây khô. Thằng con trai của Thuận thích chí reo lên, ăn quả lừa rồi chim ơi! Thuận quát con im mồm.
Con chim càng đập cánh càng bị dính chặt, bây giờ thì không chỉ đôi chân bé bỏng của nó bị trói chặt mà thêm một bên cánh của nó cũng bị băng dính ghì xuống. Nó kêu lên những tiếng tuyệt vọng, cầu cứu con chim bên cạnh nhưng con chim giả nào có biết gì, nó lặng im bởi gã bẫy chim đã bỏ chiếc điều khiển xuống ghế đá, nở một nụ cười sung sướng. Gã bẫy chim đi lại tóm con chim bỏ vào trong lồng. Thuận hỏi:
- Anh bẫy chim đem bán hay giết thịt?
- Nhiều thì bán cho nhà hàng, ít thì mang về nhà thịt.
- Một ngày anh bẫy được nhiều không?
- Tầm năm bảy chục con! Hôm nào gặp vận đỏ thì được trên trăm con.
Vợ Thuận nói với gã về khu tập thể của mình cũng có một người bẫy chim nhưng bẫy được con nào lại thả ra ngay. Gã bẫy chim bảo thằng ấy chắc chắn bị điên. Vợ Thuận hùa vào, thế mà chồng em bảo gã là nhà thông thái đấy! Thật ra Thuận chưa bao giờ nói gã bẫy được chim rồi lại thả chim ra là nhà thông thái, chẳng qua cô vợ có tính hay dè bỉu, khích bác người khác nên khoác vào cho Thuận, ra ý rằng cô đã đúng và Thuận đã sai, cho dù Thuận có hai bằng cử nhân còn cô chỉ có bằng cao đẳng. Những dịp cuối năm, tiền thưởng Tết ở công ty kinh doanh dược phẩm của vợ Thuận thường cao gấp đôi của Thuận, bởi thế vợ Thuận cũng nửa đùa nửa thật, chồng học gấp đôi em nhưng tiền Tết lại chỉ bằng một nửa! Thuận không nói gì nhưng trong lòng thì trống trải mênh mông.
“Chích, chích, chích!”, con chim giả lại hót lên những tiếng véo von, Thuận giật thót mình, cùng một lúc có hai con chim thật bay đến cái cây ban nãy. Cầu cho hai con chim đừng dính bẫy, nếu muốn bay xuống chia sẻ với đồng bọn thì một con bay xuống hy sinh, còn con kia biết được sự thật hãy bay đi. Thuận cầu mong, lòng dâng lên một nỗi buồn trĩu nặng rồi kéo vợ con đi chỗ khác.
Những đứa trẻ vô tư chạy nhảy, Thuận thì ngồi trên ghế đá trầm tư về những con chim và hai gã bẫy chim. Cùng là chim nhưng sa bẫy kẻ dở hơi thì được sống, còn sập bẫy kẻ gian xảo kia thì chỉ có con đường duy nhất là bị vặt lông, làm thịt.
Gần trưa thì vợ chồng Thuận đưa các con về nhà. Thuận chở đứa lớn đi trước, vợ chở đứa nhỏ đi sau, đến chỗ cái hồ chợt cô vợ vượt lên nói to:
- Anh không trông thấy gã bẫy chim dở hơi à?
- Đâu?
- Bên kia đường.
Thuận không có thói quen nhìn ngang nhìn ngửa hai bên đường nên ít để ý, anh vòng xe lại, cô vợ bảo xem làm gì cái gã dở hơi ấy. Thuận nói anh không tin gã bẫy chim là kẻ tâm thần, em về trước đi, anh muốn gặp gã bẫy chim một lúc. Vợ Thuận bực bội phóng xe đi, miệng làu bàu, thành phố lại sắp có thêm một kẻ dở hơi nữa!
Đúng là gã bẫy chim từng bẫy chim ở khu tập thể nhà Thuận đang ngồi trên ghế đá. Hôm nay gã mặc quần bò, áo phông, nom trẻ trung hơn, cái bẫy chim đặt trên vệ cỏ ven hồ. Không có gì là nóng ruột hay vội vã cả, gã đang mơ màng nhìn xuống mặt hồ, thi thoảng lại đưa chai nước mang sẵn đi nhấp nhấp vài ngụm.
Một con chim sẻ màu nâu bay đến đậu trên cành cây gần đó, nó đã phát hiện ra những hạt gạo trắng được rắc trên một tấm vải màu đen đặt trong cái bẫy. Con chim sà xuống mổ gạo. Gã bẫy chim giật sợi dây, tấm lưới sập xuống. Con chim cuống cuồng bay lên nhưng vô ích, nó sợ hãi ị ra một bãi. Gã bẫy chim thong thả đi lại phía chiếc bẫy, Thuận hồi hộp nhìn theo. Ồ, gã thả con chim ra thật! Con chim bay vút đi rất nhanh. Gã bẫy chim lại thong thả về cái ghế đá để ngồi. Thuận dắt xe lên vỉa hè, định lại bắt quen trò chuyện thì một ông có vẻ là trí thức đã nghỉ hưu ngồi gần đấy quan sát từ đầu đến cuối hành động của gã bẫy chim đi đến chỉ vào mặt gã:
- Mày là ai?
- Tôi chỉ là thợ bẫy chim.
- Làm quái gì cái gọi là thợ bẫy chim, chỉ có thợ xây, thợ lò, thợ cơ khí thôi!
- Tôi bẫy nhiều thành thợ, khu vực nào chim hay bay đến tôi biết ngay, con chim nào sẽ sập bẫy tôi cũng biết ngay.
- Mày bỏ ngay cái trò độc ác của mày đi nếu không tao sẽ đập tan cái bẫy chim của mày đi đấy!
Gã bẫy chim bảo ông biết gì mà quy chụp, ông này hùng hổ, tao là tiến sĩ, từng lãnh đạo cả trăm người mà tao lại không biết cái việc sờ sờ ra đấy à! Gã bẫy chim hỏi người đàn ông trí thức:
- Tôi có giết chim đâu mà độc ác, tôi thả nó ra đấy chứ!
- Nhưng mày làm cho nó sợ hãi.
- Tôi hỏi ông nếu không phải tôi mà gặp bọn bẫy chim khác thì số phận con chim sẽ thế nào?
- Mày ngu thế, tất nhiên con chim sẽ bị bán cho nhà hàng làm món đặc sản hoặc đem về nhà làm thịt.
- Vậy là tôi đang dạy cho lũ chim bài học sinh tồn đấy chứ!
Ông trí thức kia dường như đã hiểu ra nên lặng lẽ bỏ đi, và Thuận thấy cũng không cần phải gặp gỡ, tìm hiểu về gã bán chim nữa. Gã không chỉ dạy cho chim mà còn dạy cả cho người bài học về sự sinh tồn. Trên đời này nếu không làm mà muốn có ăn thì thế nào cũng bị sập bẫy.