Độc lạ

Lấp lánh màu dân tộc

Tường Minh {Ngày xuất bản}

Không ngại đi vào lĩnh vực khó và khá mới mẻ ở Việt Nam, hơn 20 năm qua, nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà đã học hỏi, tìm hiểu, sáng tạo hàng nghìn bức tranh kính đặc sắc, độc đáo, mang bản sắc văn hóa của người Việt. Chính những đóng góp của chị gắn với thương hiệu “Vinh Coba” đã góp phần đưa nghệ thuật tranh kính chạm những giá trị mới.

tranh-kinh.jpg
20 năm qua, nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà đã sáng tạo ra hàng nghìn bức tranh kính độc đáo, mang bản sắc văn hóa Việt.

Muốn giỏi thì phải học

Sinh năm 1986 tại thôn Thượng Thanh (xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai), ngay từ bé, Bùi Thị Hải Hà đã không muốn gắn bó cả đời mình với nghề làm nông mà muốn làm điều gì đó khác biệt. Học hết cấp 2, chị bỏ học để ra thành phố học nghề làm tranh kính. Thời điểm ấy là năm 2003, khi chị gặp nghệ nhân Phạm Hồng Vinh (người đầu tiên chinh phục thành công nghệ thuật tranh kính mang thương hiệu “Vinh Coba”) và được truyền nghề. Nhớ lời căn dặn của thầy rằng “muốn giỏi thì phải học”, chị luôn chịu khó học hỏi để có thể hiểu và nắm chắc các công đoạn làm ra một bức tranh kính.

Làm tranh kính là phải đối mặt với biết bao khó khăn, vất vả, tưởng chừng chỉ đàn ông mới làm được, vậy mà người phụ nữ với dáng hình nhỏ bé ấy đã lọt vào “mắt xanh” của nghệ nhân Phạm Hồng Vinh. Với Bùi Thị Hải Hà, tranh kính mang lại niềm đam mê bất tận và chỉ có đắm chìm trong không gian nghệ thuật ấy chị mới được thỏa sức sáng tạo.

“Thầy Vinh rất nghiêm bởi nghề này cần sự chính xác, tỉ mỉ nên những ngày đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, áp lực. Thế nhưng, xác định sẽ gắn bó với nghề nên tôi đã cố gắng học tập nghiêm túc để rồi mỗi ngày tôi lại khám phá một điều thú vị về tranh kính” - chị Hà nói.

Nhớ về người học trò của mình, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh cho biết, trước đây khi có người đưa chị Hà đến gặp anh, anh đã không đồng ý nhận vì chị còn quá nhỏ. Anh lo chị không thể vận hành được những cái máy, những tấm gương to hơn gấp nhiều lần cơ thể. Nhưng rồi sự quyết tâm, kiên trì của chị Hà đã thuyết phục được anh. Anh Vinh bảo: “Chị Hà là người rất thông minh, nhanh nhẹn, chịu khó. Có hai điều mà một người thợ làm tranh kính cần phải có là sự kiên trì và ham học hỏi thì chị Hà đều có cả. Bản thân tôi đã nhiều lần đưa ra thử thách nhưng chị ấy vẫn vượt qua, cho ra những sản phẩm hơn mức kỳ vọng của tôi”.

Theo nghề đã lâu nhưng mỗi lần bắt tay vào làm một tác phẩm mới, chị Hà đều có cảm giác cẩn trọng như những ngày đầu. Chị bảo, điều khó khăn nhất của nghệ nhân làm tranh kính là sự chính xác, chỉ cần sai một chi tiết nhỏ là phải bỏ đi làm lại từ đầu. Hơn nữa, đã làm nghệ thuật thì phải luôn tìm tòi, sáng tạo để tạo ra những mẫu mã mới. Là người yêu văn hóa và những giá trị cổ truyền của dân tộc, chị luôn mong muốn mang được nét văn hóa đặc sắc của người Việt vào trong tác phẩm của mình.

Tranh kính “made in Vietnam”

Yêu văn hóa Việt, Bùi Thị Hải Hà dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các chủ đề, từ văn hóa, tâm linh đến vẻ đẹp con người, thiên nhiên của Việt Nam... rồi thể hiện kiến thức trên mặt kính một cách biến hóa. Chị chia sẻ: “Khi sắc màu dân tộc ẩn hiện trên lớp kính trong suốt, tôi luôn cảm giác các nhân vật, điển tích, văn hóa truyền thống sống động, lung linh như từng gặp đâu đó trong ký ức của mình. Những bức tranh kính mang lại giá trị nghệ thuật và truyền đi thông điệp văn hóa, giá trị văn hóa. Từ những bức tranh kính, người nước ngoài biết đến văn hóa của Việt Nam nhiều hơn, với người Việt thì những bức tranh kính của tôi đã làm họ thêm tự hào về truyền thống, văn hóa của quê hương”.

Khi sáng tác, nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà rất chú tâm tới những đề tài về Hà Nội, bởi với chị, mảnh đất nghìn năm văn hiến chứa đựng nhiều nét đặc sắc mà không nơi nào khác có được. Trong những tác phẩm của chị như “Rồng nhà Lý năm móng”, “Một thoáng Việt Nam”, “Chùa Một Cột”, “Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, “Cầu Long Biên”, “Áo dài bên Hồ Gươm”, “Vợ chồng xẩm”, “Người gánh hàng rong”..., Hà Nội hiện lên đẹp mỹ miều và đầy bí ẩn. Nhìn những bức tranh kính này, ai cũng phải tấm tắc ngợi khen cho sự tài hoa của người nghệ nhân khi đã tái hiện Hà Nội một cách chân thực, chi tiết trên tấm kính.

“Hình ảnh địa danh đặc trưng của Hà Nội đã đi vào trong nhiều tác phẩm hội họa trên các chất liệu, giờ đây tôi đã giúp chúng có thêm một đời sống mới, sức sống mới. Chiêm ngưỡng hình ảnh về Hà Nội qua tranh kính, công chúng sẽ cảm nhận về Hà Nội dưới một góc độ mới mẻ, từ đó thêm yêu Hà Nội và mong muốn được làm điều gì đó cho mảnh đất này” - chị Hà chia sẻ.

Thị trường đầy tiềm năng

Tranh kính nghệ thuật có nguồn gốc và lịch sử ra đời cách đây hàng trăm năm ở các nước châu Âu, ban đầu là để trang trí trong các nhà thờ, cung điện, lâu đài. Tại Việt Nam, cách đây khoảng vài chục năm, những gia đình giàu có đã mua những bức tranh kính đầu tiên từ Trung Quốc. Vẻ đẹp long lanh của tranh kính đã thu hút người xem cũng như giới nghệ nhân kính ở Việt Nam. Các nghệ nhân thời đó đã bỏ công sức tìm tòi, học tập công nghệ sản xuất tranh kính của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đã thành thục kỹ năng làm tranh kính, các nghệ nhân Việt Nam đã có những bước sáng tạo để tranh phù hợp với quan điểm thẩm mỹ, văn hóa, truyền thống của Việt Nam; họ sáng tạo với các đề tài về đời sống người Việt, hoa sen, chim, cá, động thực vật, phong cảnh thiên nhiên Việt Nam... và dần hình thành dòng tranh kính Việt Nam.

Hiện nay, nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà đang làm chủ cơ sở sản xuất tranh kính có diện tích 300m2 tại thị xã Sơn Tây. Xưởng mang lại thu nhập ổn định cho 12 người, với mức lương từ 5 - 9 triệu đồng/tháng. Hầu hết thợ tại xưởng đều là những người có nhiều kinh nghiệm. Chia sẻ với chúng tôi, những công nhân đều cho rằng, đã “trót” gắn bó với tranh kính là mê mẩn không muốn rời. Họ cũng bày tỏ sự tôn trọng đối với chị Hải Hà, một nghệ nhân tuy còn khá trẻ nhưng rất tài năng và có tình yêu tha thiết với Hà Nội.

Khách hàng của xưởng chủ yếu là các cơ sở tôn giáo và một số ít là những hộ gia đình. Chị Hà đã thiết kế tranh kính cho hơn 60 nhà thờ, ngôi chùa trên khắp đất nước. Vài năm trở lại đây, chị đã sáng tạo ra 19 loại sản phẩm ứng dụng để tham gia dự thi và đoạt 16 giải thưởng 4 Sao OCOP. Những sản phẩm này được ứng dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng, đồ vật trang trí, quà tặng... Chị là nghệ nhân trẻ tuổi nhất trong 100 nghệ nhân được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận (năm 2014), và mới đây đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là nghệ nhân (năm 2023).

Mong muốn thể hiện đậm nét chiều sâu văn hóa Việt trên những sản phẩm của mình, nghệ nhân Bùi Thị Hải Hà chia sẻ: “Những năm gần đây, tranh kính ở Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ với những mẫu mã đẹp mắt. Tuy nhiên, tranh kính vẫn còn là loại hình nghệ thuật khá xa lạ với nhiều người. Đây là một thị trường khá tiềm năng, vì thế tôi luôn muốn sáng tác nhiều hơn để thương hiệu tranh kính “made in Vietnam” ngày càng phát triển”.

Tường Minh