Hà Nội văn

Bước ra tháng Giêng

Bùi Việt Phương {Ngày xuất bản}

Nhà tôi có một cánh cửa mở ra một khoảng đất lạc lõng giữa thành phố này. Ban đầu mới chuyển đến, người ta bảo đó là phần đất gia đình tôi không được sử dụng, dần dà, chẳng lẽ cứ để cỏ mọc, tôi trồng hoa.

Cứ thế, mùa nối mùa, chuyện đất cát chẳng ai nhắc đến, mấy mét vuông đất đã thành góc quên được ngăn cách với những âm thanh ồn ã và bụi bặm của thành phố này bởi một bức tường...

minh-h1.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Tôi nhớ lại có cái Tết đã qua đi thật vô định, dù nắng đẹp, trời trong, xăng đã đổ đầy bình nhưng chẳng biết sẽ phải đi về hướng nào. Tháng Giêng trôi, những giọt cà phê cứ xoay vòng rớt xuống như dấu chấm hết cho từng thời khắc mùa xuân.

Một ngày nọ, tôi đặt tên cho cánh cửa mở ra khoảng đất ấy là “Bước ra tháng Giêng”, dòng chữ được viết lên thật ngộ nghĩnh. Phải, chỉ có mùa xuân thì phía ấy mới không nắng gay gắt, nhiều khi tôi chỉ cần đẩy nhẹ cửa là bắt gặp ngay một chú chim sâu đang nháo nhác, một mầm xanh mới đang hiện ra, một chút gió tươi se lạnh thổi vào khuôn mặt mát rượi. Nhưng từ lối ấy đi đến đâu thì tôi đâu biết.

Đùng cái, bức tường phía trước được giải tỏa. Cánh cửa “Bước ra tháng Giêng” nhanh chóng được ba mẹ tôi sử dụng để bán hàng. Những cái cây hoa leo giờ nem nép góc tường như đang sợ hãi trước những lượt người vào ra, qua lại mua bán. Tôi cũng thế, tôi cũng muốn tránh sự ồn ào, mùa xuân này bèn mặc thật đẹp, dắt xe máy phóng đi từ rất sớm, xuất hành theo hướng của tháng Giêng...

Ở cái tuổi này, các cô bạn gái bằng tuổi tôi đang bận bịu với bếp núc cúng gia tiên ngày Tết. Tụi con trai thì vẫn còn say sưa với men xuân, tụi trẻ con dán mắt vào điện thoại, phố còn mình tôi, cứ đi như thế mà không sợ giá xăng tăng, không phải liếc đồng hồ, không hốt hoảng nhớ nồi cá kho trên bếp. Tháng Giêng có gì đợi tôi? Bỗng dưng có một tiếng nói vang phía sau lưng trong quán vắng: “Hồng nhà em năm nay nở nhiều không?”.

Tôi giật mình không phải vì tiếng nói ấy mà bởi nhớ đến gốc hồng hôm nào người đó đã đưa cho tôi trồng. Gọi là một người dưng cũng không hẳn mà thân thì chưa tới, khi người ta còn trẻ, tất cả đều là sự tình cờ, hững hờ mà sao thương nhớ đến thế. Khi tôi chưa kịp nói gì, anh đi qua bàn mỉm cười chào tôi, vẫn cái dáng thư sinh với chiếc áo blazer, quần jean nhẹ nhàng.

Bất giác, tôi tự thấy trên môi mình nở một nụ cười, từ nụ cười ấy vang lên một câu hỏi: “Giờ anh đi lối nào?”. Anh cười tinh nghịch, tay giơ chiếc chìa khóa lên chỏ: “Phía ngày xanh kìa, tháng Giêng đã mở lối...”. Tôi tự mỉm cười một mình, nhìn theo bóng anh và chiếc xe đạp thể thao khuất dần trong ngày xuân ấm áp.

Còn một ngày nghỉ nữa là phải đi làm, tôi nằm nhìn cái hàng chữ “Bước ra tháng Giêng” đang bị che lấp bởi những thứ đồ được treo lên của ba mẹ tôi, như những câu nói đầy lo âu của họ mắc trong tâm trí. Nào là: “Đừng ham mê công việc quá, phải chú ý chuyện trăm năm”, nào là: “Thằng ấy được, nó làm ở đâu, bố mẹ thế nào”; hoặc có khi lại giục: “Lâu lâu qua nhà thăm bác ấy đi...” (thực ra là vì nhà bác ấy có “lão” con trai chưa vợ)... cứ thế, những lời ấy đang che khuất lối vào tháng Giêng thanh xuân của tôi.

Rồi bất chợt, anh hiện ra phía sau cánh cửa tháng Giêng, anh trong vai khách mua hàng. Sao có người đi mua thức ăn cho thú cưng mà ăn mặc hợp thời trang thế. Nhìn anh hôm nay phong độ, dễ mến, nhẹ nhàng, trước khi lên xe anh còn kịp nhắn vào zalo của tôi: “Anh đợi ở góc quen đó nhé, lát em nhớ ra...”.

Hình như chính cánh cửa đã mở ra cho tôi tháng Giêng nơi có người con trai ấy...

Bùi Việt Phương