Di sản

Mạch giếng - Mạch làng

Đình Nguyên {Ngày xuất bản}

Không ít lần lang thang trên mảnh đất xứ Đoài, lần nào tôi cũng bị thu hút bởi nét đẹp đơn sơ, mộc mạc của đất, của người nơi ấy. Nói đến xứ Đoài, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các ngôi đình, chùa cổ nổi tiếng nhưng với riêng tôi, ấn tượng để lại là những giếng làng.

Mạch giếng xứ Đoài giờ vẫn thịnh, dù “làn gió” đô thị hóa đang thổi qua mảnh đất này. Bên miệng giếng, tôi vẫn thấy được sự trong mát, những câu chuyện đẹp đẽ về tình làng nghĩa xóm nơi nẻo quê.

xu-doai-2.jpg
Giếng đình Mông Phụ. Ảnh: Lê Bích

Di sản của làng

Từ khi còn nhỏ tôi đã biết xứ Đoài qua những trang sách, áng thơ. Để rồi, như một mầm xanh được tưới tắm và lớn lên từng ngày trong tôi, niềm yêu thích mảnh đất giàu nét văn hóa truyền thống ấy ngày một lớn, thân thương đến lạ.

Tôi nhớ mãi dịp ghé thôn Giếng Cốc (xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất) để kiếm tìm phong vị làng quê, nơi có những cây chè cổ thụ vài trăm năm. Tại đây, tôi gặp ông Nguyễn Văn Dũng, người đã có 4 đời gắn liền với cây chè. Tính riêng trong vườn nhà ông đã có hơn chục gốc chè cổ thụ. Ông Dũng khoe, chè nơi đây phát triển hoàn toàn tự nhiên chứ ít có sự chăm sóc của con người. Chè khi uống nếu chưa quen cũng gây “ngợp” bởi vị đắng, nhưng nếu để chè ngấm thì lại có dư vị thanh mát, ngọt hậu. Chè càng uống càng thấm và nếu khi đã dùng quen rồi thì rất khó bỏ.

Chè ngon nhờ nước. Ông Dũng chia sẻ, để hãm được ấm chè xanh ngon cũng tốn không ít công phu. Chè đem hãm thường chỉ dùng lá bánh tẻ. Sau khi hái từ vườn về thì đem rửa vài ba lần cho sạch bụi, để ráo nước và vò nhẹ. Quan trọng nhất là nước pha chè phải được lấy lên từ giếng làng. Mạch nước được chắt lọc qua những lớp, những tầng đá ong giúp tạo nên vị chè thanh ngọt. Cứ như vậy, chè sau khi ủ nước sôi chừng 20 phút là có thể dùng được trong cả ngày.
Ở Sơn Tây, giếng hiện diện như một phần hồn làng. Cổng làng, cây đa, giếng nước tạo thành vẻ đẹp bình dị, êm đềm nơi làng quê. Có thể nói, Đường Lâm là một trong số ít nơi còn lưu giữ lại hệ thống giếng nước đa dạng bậc nhất trong vùng. Có những giếng cổ tuổi đời hơn 4 thế kỷ.

Ghé Văn Miếu Sơn Tây, nơi thờ tự các bậc hiền triết của mảnh đất xứ Đoài, tôi bắt gặp bà Kiều Thị Thôn (78 tuổi, xã Đường Lâm) đang mải mê đứng ngắm chiếc giếng đá ong trong khuôn viên di tích. Mân mê khối đá vuông vức, chạm đến những vết dây gàu cọ vào thành giếng tạo nên những vệt dài sâu lút ngón tay, bà Thôn bảo, giếng này vốn không có tên, nhưng để dễ phân biệt với các giếng khác trong vùng nên người dân quen gọi nôm na là giếng Văn Miếu. Giếng dù chưa thuộc hàng cổ nhất nhưng từ xưa đến nay, hễ đến ngày rằm hoặc đến kỳ tế lễ, các vị chức sắc trong vùng đều dùng nước từ giếng để dâng lên các bậc thánh hiền.

Trong ký ức của bà Kiều Thị Thôn, thời bà còn thiếu nữ, giếng nước sôi động nhất là vào những buổi chiều hè. Khi ấy, bà con trong xóm kĩu kịt quẩy thùng ra gánh nước. Lũ trẻ lít nhít thì ngồi trong những chiếc thau đồng, té nước, ngậm nước vào miệng phun phì phì làm mưa. Tiếng cười, tiếng nói xôn xao cả góc quê yên lặng.

Không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt, giếng còn là nơi hò hẹn, là nơi chắp cánh tình yêu của không ít đôi lứa. Bà Kiều Thị Thôn cũng tình cờ gặp gỡ chồng mình trong những buổi chiều gánh nước như vậy. Chồng bà quê mãi tận Hà Tĩnh, ông theo cơ quan sơ tán về ở xóm Gò Sỏi. Ông gặp bà bên giếng. Và rồi, giếng nước trở thành điểm hẹn hò của ông bà.

Ngoài giếng Văn Miếu, ở Sơn Tây còn có những chiếc giếng mang đậm yếu tố tâm linh và gắn với nhiều huyền thoại. Giếng nước thiêng chữa mất sữa cho những phụ nữ mới sinh thuộc thôn Cam Lâm (xã Đường Lâm) là ví dụ. Giếng nằm trong quần thể đền Mẫu. Giếng khá nhỏ, miệng giếng được người dân xây cất bằng đá ong. Theo các cao niên trong vùng, điểm đặc biệt là chiếc giếng này xuất hiện một cách tự nhiên, do mạch nước tự trào lên mặt đất. Thấy nước giếng phun lên lại trong vắt nên người dân xây quây lại thành bờ giếng. Cũng thực lạ và cũng chưa ai lý giải được vì sao những phụ nữ chẳng may tắc sữa, chỉ cần lấy nước ở giếng về để dùng, nấu cháo hoặc uống hằng ngày là chắc chắn có sữa về.

xu-doai-2a.jpg
Giếng làng Yên Trường. Ảnh: Lê Bích

Gìn giữ “vật báu”

Giếng gắn bó với không gian sinh hoạt chung của cả làng. Chẳng thế mà đi qua nhiều làng quê, tôi vẫn bắt gặp những chiếc giếng làng nước trong văn vắt. Có giếng to, giếng nhỏ. Có giếng hình tròn, to như cái ao, lại có cả giếng hình vuông, hình chữ nhật. Có giếng thành cao để tránh trẻ ngã xuống, có giếng thành thấp và lòng giếng thì bé con con. Muôn hình vạn trạng là vậy nhưng có một điểm chung từ những chiếc giếng nơi xứ Đoài, nơi tôi đến đó là tất thảy đều gắn liền với làng. Có giếng còn góp mặt với người dân từ thuở lập làng.

Tôi nhớ dịp lang thang cùng nhà văn Nguyễn Văn Học, một người đam mê trầm tích xứ Đoài. Khi đến xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ), chạm tay vào chiếc giếng cổ được bịt kín bởi những nan sắt, giọng anh bỗng thoáng buồn. Anh bảo, giống những di sản như cổng làng, đình làng..., giếng làng mỗi nơi lại nhận được cách ứng xử khác nhau. Có nơi giếng được coi như “báu vật”, vẫn được người dân chắt chiu sử dụng nhưng cũng có nơi miệng giếng bị bịt chặt. Những giếng nước bị bụi phủ, dương xỉ mọc xanh rì, phía bên trên chất đầy những thanh gỗ hoặc tấm sắt lạnh lẽo khiến những ai từng có ký ức gắn bó với giếng làng đều không khỏi chạnh lòng.

Thực vậy, có tìm hiểu mới thấy, chỉ riêng câu chuyện bảo vệ những chiếc giếng làng thôi cũng mỗi nơi một kiểu. Chẳng hạn, tại nhiều vùng của Hà Tây (cũ), khi cơn lốc đô thị hóa ập đến, người ta đã lấp giếng để làm mặt bằng xây dựng. Cũng có khi, giếng không được chăm sóc, thau rửa và sử dụng nên mạch nước cứ vơi dần rồi cạn hẳn. Trái lại, ở nhiều nơi mạch giếng vẫn thịnh. Như tại thôn Đông Thượng, xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất), người dân vẫn hằng ngày sử dụng nước giếng để tắm giặt. Ông Kiều Trung Thành, Trưởng thôn Đông Thượng cho biết, giếng có từ thuở lập làng. Hương vị nước lấy từ giếng cũng khác biệt với nước máy, bởi thế vẫn có những gia đình lấy nước từ giếng để pha trà. Dịp Tết, quanh miệng giếng, người dân Đông Thượng rủ nhau lấy những giọt nước mát lành để rửa lá dong, đãi gạo gói bánh. Ngày đầu năm, cụ thủ từ trong đình làng vẫn mang nước giếng về để tế thánh.

Ở làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ), nhờ giếng nước mà hình thành lệ tục đón “Tết lại” hết sức độc đáo. Nhắc chuyện này, bà Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1948) cho biết, thuở giặc giã loạn lạc, người dân Yên Trường đem bánh chưng, giò chả... giấu xuống giếng làng. Khi toán giặc cướp rút đi, dân làng mới dắt díu nhau quay về chốn cũ. Lạ ở chỗ, khi người làng vớt những túi bánh chưng, giò chả từ dưới giếng lên, dù hàng tháng đã trôi qua nhưng toàn bộ đều nguyên vẹn như mới. Bánh trái, giò chả vẫn thơm ngon, không hề có dấu hiệu hư hỏng. Niềm vui ngoài ý muốn ấy đã thôi thúc dân làng tổ chức ăn Tết lại một lần nữa và đặt tên là “Tết lại” hay “Tết cùng”.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa, qua thời gian, từ hơn 20 chiếc giếng, hiện giờ làng Yên Trường vẫn giữ được vẹn nguyên 9 chiếc. Đây là điều đáng mừng bởi tất thảy những chiếc giếng này đều là minh chứng cho một thời vượt qua gian khó, giặc giã của làng, là cây cầu vun bồi tình làng nghĩa xóm, để cho thế hệ sau biết đến mạch làng cổ kính.

Đình Nguyên