Xưa và nay

Nét đẹp truyền thống lễ hội đình Yên Phụ

Hương Ly 19/03/2024 17:05

Theo thần phả lưu truyền, đình Yên Phụ thờ Đức Thánh Uy Đô Linh Lang Đại Vương cùng 2 em của Ngài là Vương Duy Đại Vương và Vương Ba Đại Vương. Các ngài là chính phái của họ Hồng Bàng, tông thứ hai của Bách Việt.

Ngày 19-3, UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ tổ chức lễ hội truyền thống đình Yên Phụ.

yp-bt-cuong-dep-.jpg
Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ Bùi Thế Cường khai mạc lễ hội truyền thống đình Yên Phụ năm 2024.
yp-nd-dep-(1).jpg
Đông đảo các các tầng lớp nhân dân phường Yên Phụ dự lễ khai hội.

Tương truyền, đời vua Trần Thánh Tông, Đức Thánh Uy Đô Linh Lang Đại Vương đầu thai làm con trai Hoàng hậu Minh Đức (sinh ngày 2-2 năm Ất Sửu – 1.265) được đặt tên là Hoàng tử Uy Lang. Đến đời vua Trần Nhân Tông, năm 1.287, quân Nguyên Mông xâm lược nước ta. Hoàng tử Uy Lang chiêu tập quân sĩ đánh giặc, có ngày đánh 8 trận thắng cả 8, chém 3 vạn tên giặc… Do có công lớn, Hoàng tử được phong là Dâm Đàm Đại Vương (Đại vương vùng Hồ Tây).

Hoàng tử Uy Lang đã làm việc nước tại đình Yên Phụ, đình An Thọ, đình Nhật Tân (nay đều thuộc địa bàn quận Tây Hồ). Sau đó, ngài theo cửa Phật đi giáo hoá khắp nơi trong hơn 10 năm. Đến giờ Ngọ ngày 8-8 năm Canh Tý (1.300), ngài không bệnh mà qua đời trên đất Yên Phụ.

yp-te-nam-.jpg
yp-te-nu-dep-.jpg
Nghi thức tế lễ trang nghiêm tại lễ khai hội.

Lễ hội diễn ra ngày 10-2 Âm lịch hằng năm. Hội đình Yên Phụ bắt đầu bằng phần lễ với nghi thức tế trang nghiêm của các bô lão. Sau nghi thức lễ tế là màn biểu diễn múa lân, rồng của các thanh niên trong làng. Tiếp theo là màn rước kiệu do các thanh niên cường tráng, mặc trang phục truyền thống, đai đỏ, đai xanh rước, theo sau là đoàn múa sinh tiền, các vị chức sắc, bô lão và nhân dân cùng hưởng ứng.

Múa Rồng và các kiệu thánh được rước dọc phố Yên Phụ, qua đường Thanh Niên tới chùa Trấn Quốc để thỉnh nước về tắm tượng. Theo lệ cũ, lễ rước được tổ chức 3 năm 1 lần.

Sau phần lễ là phần hội đặc sắc với nhiều trò chơi dân gian nổi tiếng như đánh cờ người, chọi gà, chọi chim, bơi thuyền... Trong đó, hội thi “Tiếng hót chim vành khuyên” trong khuôn khổ lễ hội truyền thống đình Yên Phụ luôn thu hút được sự tham gia của đông đảo nghệ nhân đến từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

yp-hoanh-phi-co-vat.jpg
Kiến trúc độc đáo của đình Yên Phụ, quận Tây Hồ

* Nhân dịp lễ hội truyền thống năm 2024, UBND phường Yên Phụ đã tổ chức trao giấy chứng nhận Phường văn hoá cho 14 tổ dân phố. Trước đó, vào ngày 27-1, cùng với phường Thuỵ Khuê, phường Yên Phụ đã được UBND quận Tây Hồ trao tặng danh hiệu “Phường văn hoá”.

Theo Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, quán triệt quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), "Phường Văn hóa” là một mô hình văn hoá riêng có được quận Tây Hồ triển khai với quan điểm làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người. Qua đó, góp phần xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, nâng cao dân trí, phát triển đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từ đó phát huy nội lực, tiềm năng của cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hương Ly