Hà Nội 360

Vùng đồng bào dân tộc Ba Vì: Động lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia

Ánh Dương {Ngày xuất bản}

Những năm qua, việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Ba Vì luôn được Trung ương và Thành phố quan tâm. Đặc biệt, công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn năm 2021 - 2025 theo Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang tạo nên sự đổi thay đáng ghi nhận tại vùng đất giàu bản sắc này.

ba-vi.jpg
Cầu Quýt được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp việc đi lại, giao thương ở xã Yên Bài (huyện Ba Vì) thuận lợi hơn.

Tập trung phát triển hạ tầng

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, để kịp thời triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn năm 2021 - 2025 theo Chương trình mục tiêu quốc gia, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã ban hành Thông báo số 179-TB/HU, ngày 5-5-2021, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 30-6-2011 của Huyện ủy về “Phát triển kinh tế - xã hội 7 xã miền núi” giai đoạn 2021 - 2025. UBND huyện cũng ban hành Kế hoạch số 400/KH-UBND ngày 29-11-2021 về “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, huyện Ba Vì xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, UBND các xã miền núi trong việc triển khai các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...

Cùng nỗ lực của huyện, từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã bố trí gần 445 tỷ đồng cho 41 dự án về trường học, y tế, giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa thôn, trụ sở làm việc... tại 7 xã miền núi của huyện Ba Vì (Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài). Đến nay, 30 dự án đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, các dự án còn lại đang tiếp tục triển khai.

Tại xã Ba Vì, nơi có 94% dân số là người dân tộc Dao, những năm qua, thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì đã đầu tư, thi công nhiều công trình hạ tầng, như xây sửa trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, nhà trung chuyển rác thải, trạm y tế, tường bao nghĩa trang... với tổng trị giá khoảng 15 tỷ đồng. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết: Năm 2020, cả 3 thôn của xã được đầu tư xây mới nhà văn hóa thôn với khuôn viên rộng 500m2/nhà văn hóa, có hội trường 300 chỗ ngồi, giúp các thôn có nơi sinh hoạt cộng đồng. Đáng chú ý, cùng với các công trình cơ sở hạ tầng khác, xã Ba Vì còn được huyện đầu tư xây dựng nhà trung chuyển rác thải, góp phần giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới vào cuối năm 2021.

“Để nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống, từ năm 2022 đến nay, nhân dân xã Ba Vì tích cực tham gia cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn” hằng tháng, do UBND huyện Ba Vì phát động. Người dân đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng để mua cây, hoa, lắp đèn chiếu sáng đường ngõ, xóm; tham gia hơn chục nghìn ngày công lao động tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, hoa, vẽ tranh tường...” - ông Lăng Văn Hà chia sẻ thêm.

Năm 2023, xã Yên Bài - nơi có cộng đồng người dân tộc Mường, Dao, Thái sinh sống, trong đó người Mường chiếm đa số - đã được Thành phố và huyện Ba Vì đầu tư hơn 50 tỷ đồng để thực hiện các dự án: Xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đường trục chính xã; thảm nhựa đường từ Yên Bài - Tản Lĩnh đi qua UBND xã, nối đến đường Ba Vành - Suối Mơ (dài 3km); nâng cấp hệ thống mương ven đường Ba Vành - Suối Mơ (dài 4km); xây dựng mới cầu Bài, cầu Dừa, cầu Quýt. Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Lập phấn khởi nói: “Sau khi các tuyến giao thông được đầu tư, nâng cấp, 3 cây cầu được xây mới, rộng từ 6m đến 8m, đã giúp điều kiện giao thông trên địa bàn xã tốt hơn. Điều đó góp phần giúp địa phương hướng tới mục tiêu sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao”.

Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư

Đến nay, tại 7 xã miền núi của huyện Ba Vì, thu nhập bình quân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 177 hộ (0,94%); có 74/76 làng được công nhận Làng văn hóa (94,7%); cả 7/7 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng lên... Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì Bạch Hồng Nam chia sẻ: Sự quan tâm của Thành phố và huyện trong việc đầu tư các dự án trên địa bàn xã, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã giúp xã Ba Vì phát triển mạnh mẽ. Bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2021 và tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng xã đạt nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Năm 2020, xã Minh Quang (có 55% dân số là người dân tộc Mường, Dao) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, xã đã quy hoạch nhà văn hóa, sân thể thao trung tâm trên tổng diện tích 7.400m2. Toàn xã có 15 nhà văn hóa thôn cơ bản có diện tích đạt chuẩn. Các thôn cũng huy động xã hội hóa được 1,7 tỷ đồng để mua sắm thêm thiết bị cho nhà văn hóa. 14/15 thôn làng ở Minh Quang đã đạt và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa... “Cùng với sự giúp đỡ của Thành phố và huyện, nhân dân xã Minh Quang tích cực chung sức cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Điển hình, năm 2021, nhân dân trong xã đã hiến 16.238m2 đất, 1.325 ngày công để cải tạo, nâng cấp đường làng ngõ xóm, khuôn viên nhà văn hóa, các công trình công cộng, tiêu biểu là các thôn: Cốc Đồng Tâm, Phú Lội, Minh Hồng, Mộc, Liên Bu, Xuân Thọ. Năm 2022, nhân dân Minh Quang tiếp tục hiến 9.310m2 đất, đóng góp 2.250 ngày công để tu sửa đường làng, ngõ xóm, đường mương nội đồng phục vụ sản xuất, xây dựng khuôn viên nghĩa trang, tiêu biểu là thôn Đầm Sản, Liên Bu, Víp. Đáng chú ý, hưởng ứng cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”, từ năm 2022 đến nay, toàn xã đã huy động được 7.319 ngày công và vận động xã hội hóa được 975,4 triệu đồng để trồng cây, hoa, làm đẹp cảnh quan, môi trường” - Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang Đinh Xuân Ngoan thông tin thêm.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, tiếp tục quan tâm tới các xã miền núi, Huyện đang giao các ngành khẩn trương hoàn thiện nội dung tiếp theo để đề xuất Thành phố bổ sung danh mục dự án nguồn sự nghiệp vào nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn năm 2021 - 2025, trong đó có Dự án Xây dựng, lắp đặt hệ thống thiết bị luyện tập thể thao ngoài trời tại khu trung tâm, nhà văn hóa các xã miền núi để phục vụ nhân dân, tổng kinh phí gần 117,969 tỷ đồng. Dự án sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu thực tiễn trên địa bàn huyện và hoàn thiện tiêu chí chấm điểm xã nông thôn mới nâng cao tại các xã.

“Thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại 7 xã vùng núi. Đồng thời, huyện cũng kiến nghị Thành phố quan tâm, bố trí vốn trong các năm 2024 - 2025 để thực hiện 31 dự án trên địa bàn, trong đó ưu tiên quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi tại các xã miền núi của huyện. Cơ sở hạ tầng tại các xã miền núi được đầu tư toàn diện theo hướng chuẩn quốc gia sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp huyện khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn” - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng nhấn mạnh.

Ánh Dương