Xưa và nay

Đình Nông Vụ Đông

Thủy Hương {Ngày xuất bản}

Làng Vo Đông xưa là một trong ba làng thuộc trang Nông Vụ nằm bên bờ sông Đuống. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm quạt giấy hàng trăm năm, nhưng nay chỉ còn vài hộ giữ nghề.

dinh-lang.jpg

Ngày nay, làng Vo Đông được đổi tên thành thôn Nông Vụ Đông, thuộc phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội.

Nằm ở khoảng đất rộng đầu làng, sát với đê Vàng là ngôi đình Nông Vụ Đông - nơi thờ ba vị Thành hoàng làng là ba anh em họ Trịnh có sức khỏe và tài trí hơn người. Vào giữa thế kỷ VI, họ lập công trong cuộc đấu tranh do Lý Bí (Lý Nam Đế) lãnh đạo, chống giặc Lương phương Bắc. Sau khi thắng trận trở về, nhà vua mở tiệc mừng công, phong tước Quốc hầu và gia phong làm “Thượng chỉ gia thần” cho hai người anh, còn người em gái út được phong là Quốc nương. Khi các ngài mất được dân làng tôn làm Thành hoàng làng.

Đình Nông Vụ Đông từng bị giặc Pháp đốt phá vào năm 1947 và phải chuyển về sát chùa. Sau này, dân làng xây dựng lại đình trên nền cũ, chính là vị trí hiện nay, thuộc tổ 15, phường Phúc Lợi. Ngôi đình có quy mô bề thế, khang trang, nằm cách mặt đê Vàng khoảng 50m và quay vào phía trong làng. Cổng đình khá đồ sộ, được xây liền với hàng rào bao quanh đình. Bước qua cổng sẽ gặp một khoảng sân rộng, phía trước là một hồ nước bán nguyệt rồi tới nghi môn kiểu tứ trụ, bên trên đắp nổi hình rồng, phượng và các đôi câu đối. Qua nghi môn là bức bình phong kiểu cuốn thư. Hai bên sân là nhà tả vu, hữu vu. Chính giữa sân lát hàng đá xanh dẫn lên tòa đại bái, phía trước có các bậc thang, hai bên là hai hình rồng uốn khúc.

Tòa đại bái rộng 5 gian, hai bên tường hồi là hai cột trụ biểu hình khối vuông, trên cùng có đôi nghê chầu vào nhau. Mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp nổi hình rồng chầu mặt trời. Phía trước mở cửa bức bàn, hai bên là cửa sổ có hoa văn hình chữ “Thọ” bằng gỗ.

Liền kề với đại bái là hậu cung gồm 3 gian, được xây theo kiểu đầu hồi bít đốc. Chính giữa hậu cung đặt long ngai, bài vị chạm hình rồng theo phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng.

Trong đình Nông Vụ Đông hiện còn nhiều di vật có giá trị như 5 đạo sắc phong, trong đó sắc phong sớm nhất có niên đại Cảnh Thịnh 2 (1794); cuốn thần phả bằng chữ Hán; bộ long ngai, bài vị sơn son thếp vàng thế kỷ XVIII; sập thờ chạm rồng có niên đại thế kỷ XIX cùng hệ thống hoành phi, câu đối, bát bửu, kiếm thờ, tượng...

Đình Nông Vụ Đông được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1993.

Thủy Hương