Hà Nội 360

Người dân góp đất ruộng và kinh phí để xây dựng cụm công nghiệp làng nghề: Cách làm hay ở Phú Túc

Bạch Thanh {Ngày xuất bản}

Hơn 30 hộ dân đã tự nguyện góp đất ruộng, góp tiền để xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), giúp chi phí đầu tư chỉ bằng 1/3 các cụm công nghiệp làng nghề tương tự trong khu vực. Đây là cách làm hay, giúp không bị lãng phí nguồn lực đầu tư, đang được huyện Phú Xuyên nghiên cứu, nhân rộng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

nho-vao-cum-cong-nghiep-lan.jpg
Từ khi vào Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc, gia đình bà Nguyễn Thị Bình đã có điều kiện mở rộng sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu.

Nhân dân đồng thuận cao

Anh Trần Minh Căn là chủ hộ sản xuất Căn Sim, nằm trong Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên). Cơ sở sản xuất của gia đình anh chuyên chế tác lẵng hoa, giỏ quà, tạo việc làm cho hàng chục lao động, có doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Khi chưa vào cụm công nghiệp, ngôi nhà của gia đình vừa là nơi ăn ở, vừa là xưởng sản xuất, rất chật hẹp nên khá bất tiện. Từ năm 2022, xưởng sản xuất của gia đình anh di chuyển vào Cụm công nghiệp, xe container vào tận nơi chuyên chở hàng, rất thuận tiện.

Trước đó, gia đình anh Căn đã góp gần 1.800m2 đất nông nghiệp để xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc và nộp 1,5 tỷ đồng làm hạ tầng. Đổi lại, gia đình anh được chia 1.197m2 đất sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất trong cụm công nghiệp.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Hữu Phái (cùng xã) cũng góp 680m2 đất nông nghiệp, sau đó được chia 452m2 đất trong cụm công nghiệp để xây dựng nhà xưởng, phát triển sản xuất.

Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Minh Trần Văn Hiến cho biết, công ty là đơn vị thực hiện dự án Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc. Khác với các cụm công nghiệp khác trên địa bàn huyện Phú Xuyên, Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc do 100% bà con nhân dân trong làng nghề đóng góp cổ phần bằng đất, kinh phí để xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng. Công ty được bà con nhân dân cử làm đại diện về mặt pháp lý, thực hiện các thủ tục xây dựng dự án theo quy định pháp luật. Mọi thu chi, đóng góp đều được thực hiện một cách công khai, minh bạch và do các hộ quyết định. Hơn nữa, do không phải giải phóng mặt bằng, nên việc xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc rất thuận lợi, nhanh chóng.

Chủ tịch UBND xã Phú Túc Trần Văn Khiêm thông tin, Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc có 31 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh, đi vào hoạt động từ năm 2022. Các hộ có đất nông nghiệp được thành phố Hà Nội cho phép đóng góp để xây dựng cụm công nghiệp được chia đất sản xuất, kinh doanh, với tỷ lệ không vượt quá 70% so với tổng diện tích. Ngoài ra, mỗi sào đất nông nghiệp (360m2), các hộ phải đóng góp khoảng 300 triệu đồng để làm hạ tầng của cụm công nghiệp.

“Với cách làm này, địa phương không phải lo các thủ tục về tái định cư, tiền bồi thường và nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân nên tiến độ thực hiện dự án rất nhanh chóng”, ông Trần Văn Khiêm cho hay.

Cần sớm nhân rộng

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên Đỗ Thành Công chia sẻ, tiến độ thực hiện các dự án xây dựng khu, cụm công nghiệp nhanh hay chậm thường phụ thuộc vào khâu giải phóng mặt bằng. Khi việc giải phóng mặt bằng hoàn thành, coi như dự án đã thực hiện được 70% công việc. Với mô hình nhân dân đóng góp đất và kinh phí xây dựng cụm công nghiệp làng nghề ở xã Phú Túc, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng không phải thực hiện nên tiến độ dự án rất nhanh.

Cũng theo ông Đỗ Thành Công, sở dĩ xã Phú Túc thực hiện thành công mô hình này là nhờ địa phương làm tốt công tác quy hoạch. Khi dồn điền, đổi thửa vào năm 2012, các hộ dân có nhu cầu chuyển đổi từ đất lúa sang đất công nghiệp làng nghề được dồn về một khu được quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề; còn các hộ chưa có nhu cầu được đổi ruộng về một khu khác.

Thực tế, để có một lô đất trong cụm công nghiệp do doanh nghiệp tự đầu tư theo quy hoạch của Nhà nước, bà Bạch Thị Phương, một hộ sản xuất đồ gỗ ở xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) cho biết, thông thường hộ sản xuất phải bỏ chi phí 2-5 tỷ đồng, chưa kể tiền xây dựng nhà xưởng,... Theo ông Hoàng Văn Luận ở xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên), hầu hết các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất ở các làng nghề đi lên từ quy mô hộ gia đình, tiềm lực tài chính không lớn, nên việc di chuyển vào cụm công nghiệp gặp không ít khó khăn do phải thuê đất, xây dựng nhà xưởng và nhiều vấn đề phát sinh khác. Đây là những rào cản khiến nhiều hộ sản xuất dù rất muốn chuyển vào cụm công nghiệp nhưng không thực hiện được.

Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, với cách làm ở Phú Túc, khi cụm công nghiệp xây dựng xong là được lấp đầy ngay, không bị lãng phí nguồn lực đầu tư. Để đẩy mạnh phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, UBND huyện đang tiếp tục triển khai xây dựng các cụm công nghiệp ở các xã: Phú Yên, Vân Từ và triển khai quy hoạch cụm công nghiệp ở các xã: Tân Dân, Sơn Hà, Phượng Dực...

Việc phát triển các cụm công nghiệp làng nghề là rất cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng của các địa phương cũng như đáp ứng tiêu chí xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, mô hình người dân đóng góp đất và kinh phí xây dựng cụm công nghiệp như ở xã Phú Túc đang mở ra hướng đi mới cho các địa phương khác tham khảo, học tập. Được biết, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có quy định về trường hợp Nhà nước thu hồi đất và các trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất. Đây là điểm rất thuận lợi để những mô hình như ở Phú Túc được nhân rộng, bảo đảm sử dụng đất đúng quy hoạch và ngày càng hiệu quả hơn.

Bạch Thanh