Nhớ làng Trúc Yên xưa
Ca dao Hà Nội xưa có câu: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mùng khói tỏa mờ sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” tả cảnh đẹp yên ả vào buổi sớm ở quanh hồ Tây.
Đây là địa danh mà nhà thơ Cao Bá Quát không cầm được cảm xúc khi viết: “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” ("Tây Hồ quả thật là nàng Tây Thi").
Không rõ trúc được trồng bên hồ Tây từ bao giờ, nhưng trong bài thơ “Hồ Tây bát cảnh” (8 cảnh đẹp ở Hồ Tây) được cho là của vua Lê Ý Tông (1735-1740) đã mô tả bến trúc ở làng Nghi Tàm. Những cây trúc màu vàng trong nắng chiều bừng lên ánh vàng sang trọng. Bến trúc này là nơi chúa Trịnh Giang lên tắm vào mùa hè cùng các cung nữ. Ở hồ Trúc Bạch xưa có một làng không trồng trúc nhưng có nghề làm mành trúc, đó là làng Trúc Yên. Xưa, để ngăn gian trong và gian ngoài, các nhà thường treo mành. Nhà khá giả treo mành trúc, còn nhà bình bình treo mành tre. Ở Hà Nội, thói quen treo mành đến thời bao cấp vẫn còn. Có nhà cải tiến lấy tờ họa báo cuộn rồi dán lại, sau đó cắt từng đoạn xâu vào dây làm mành.
Thời Hậu Lê, cấp hành chính của kinh đô Thăng Long gồm phủ Phụng Thiên, dưới phủ có 2 huyện là Quảng Đức và Vĩnh Xương, mỗi huyện có 18 phường. Các làng quanh hồ Trúc Bạch ngày nay khi đó thuộc huyện Quảng Đức. Năm 1802, Nguyễn Ánh lập triều Nguyễn lấy niên hiệu là Gia Long. Năm 1805, vua Gia Long đổi Thăng Long thành Bắc Thành, đổi phủ Phụng Thiên thành Hoài Đức, đổi huyện Quảng Đức thành huyện Vĩnh Thuận, Quảng Xương thành Thọ Xương. Cho lập thêm cấp hành chính giữa phường với huyện gọi là tổng nên các làng quanh hồ Trúc Bạch trong đó có Trúc Yên thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Năm 1831, vua Minh Mạng cải cách hành chính, xóa bỏ Bắc thành lập tỉnh Hà Nội.
Trúc có nhiều loại. Loại dùng làm mành có đường kính rất nhỏ. Những người buôn bè lên miền núi mua tre, luồng, nứa và trúc làm mành bó lại thả trôi sông Hồng về xuôi. Trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (viết vào thế kỷ XV), “phường Hà Tân (tương ứng khu vực phố Hàng Than ngày nay) chuyên nung vôi”. Phường này có bến cho thuyền chở đá đỗ (sau đổi thành Thạch Khối). Những người buôn bè cũng ghé vào bến này. Dân làng Trúc Yên mua về cắt từng khúc đánh bóng rồi dùng dây xâu lại làm ra các cỡ mành khác nhau.
Năm 1729, chúa Trịnh Cương chết, con trai cả là Trịnh Giang lên nắm quyền thực chất Đàng Ngoài vì vua Lê chỉ là “bù nhìn”. Chúa Trịnh Giang cho xây một khu nghỉ ngơi cạnh hồ trên đất làng Trúc Yên. Nhưng đến đời chúa Trịnh Doanh, khu này thành lãnh cung gọi là Trúc Tầm viện. Những cung nữ thất sủng bị đưa ra đây sinh sống bằng nghề chăn tằm dệt lụa. Họ ôm đau đớn, tủi hổ, làm lụng chờ ngày được chúa tha về. Lạ thay, các tấm lụa do cung nữ dệt ra rất đẹp, trở nên nổi tiếng. Ca dao Hà Nội xưa có câu: “Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng/ May áo chàng cùng sóng áo em/ Chữ tình gắn với chữ duyên/ Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền”.
Cái tên Trúc Bạch có từ bao giờ? Liệu có phải khi các cung nữ chuội tơ trên hồ, những sợi tơ trắng ra, hiện trong làn nước trong nên được gọi là Trúc Bạch? Hay Trúc Tầm viện dệt ra tấm lụa trắng (bạch) nên gọi tắt là Trúc Bạch? Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, các cung nữ được tha về quê, vì thế Trúc Tầm viện không còn. Bên cạnh làng Trúc Yên và hồ Trúc Bạch có làng Ngũ Xã chuyên đúc đồng. Nửa cuối thế kỷ XVIII, làng đúc tiền đồng cho triều đình nên Hương cống Đoàn Nguyễn Tuấn có bài thơ “Trúc Bạch tiền lô” bằng chữ Hán ca ngợi Ngũ Xã. Nửa đầu thế kỷ XIX, sông Hồng đổi dòng, bờ bên này bị phù sa bồi lấp, bến Thạch Khối bị xóa sổ. Mất bến, người buôn bè không thể đưa tre, nứa, trúc vào nên nghề làm mành ở Trúc Yên cũng mất theo.
Cuối thế kỷ XIX, ruộng của làng xưa trồng dâu trở thành nghĩa địa chôn lính Pháp chết trận và người Pháp chết vì bệnh tật, già yếu. Khi nghĩa trang chuyển xuống khu Nguyễn Công Trứ ngày nay thì đất nghĩa trang cũ thành nhà máy gạch. Năm 1936, Hội Thể thao Bắc Kỳ tổ chức chợ phiên ở đầu đường Cổ Ngư phía hồ Trúc Bạch thu hút rất đông người tới mua bán và tham gia các trò giải trí, trong đó có thi bơi dành riêng cho phụ nữ. Rồi Hội Thể thao Bắc Kỳ lập chi nhánh bơi lội ở hồ Trúc Bạch. Tuy nhiên, vì hồ nông, nước không sạch, lại thêm quanh năm Nhà máy Điện Yên Phụ xả nước nóng ra đây nên không thu hút được người ham thích bơi lội. Sau này, bán đảo Ngũ Xã trở thành bãi đổ xỉ than của Nhà máy Điện Yên Phụ.
Cuối năm 2023, UBND quận Ba Đình triển khai dự án trồng 7.500 cây trúc sào trên diện tích khoảng 1.000m2 ở góc ngã ba đường Thanh Niên - phố Trấn Vũ. Việc trồng trúc bên hồ Trúc Bạch gợi nhớ về một làng nghề nổi tiếng xưa và cũng là chỉnh trang cảnh quan. Trong tương lai gần, khu vực này sẽ là một rừng trúc đẹp.