Hà Nội văn

Xóm Cuối

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh Nga 07/04/2024 14:39

Xóm nằm cạnh cánh đồng làng, vì dân số phát triển nên làng mọc thêm xóm gọi là xóm Cuối. Những thửa ruộng ngày trước giờ là những ngôi nhà ba gian ngói đỏ, mọc san sát bên con đường đất sỏi thẳng hàng.

minh-hoa-2.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Bà Mỵ mới chuyển về xóm Cuối. Người làng bảo bà theo chồng đi kinh tế mới trên Tây Bắc, hiếm muộn hàng chục năm mới sinh được anh Đương. Ít lâu sau thì chồng bà lâm bệnh rồi mất, bà ở vậy nuôi con. Sau khi lấy vợ được vài năm thì anh Đương tự dưng mắc bệnh tâm thần, vợ con cũng bỏ đi từ đó. Bà Mỵ đưa con trai trở lại quê xưa, họ hàng đã tan tác mỗi người một nơi. Bà cất ngôi nhà ba gian, hai mẹ con sống lặng lẽ bên xóm Cuối.

Bà Mỵ mở một quán tạp hóa nhỏ. Vài thứ hàng hóa lặt vặt và những gói kẹo xanh đỏ để trong tủ kính đặt cạnh cửa sổ. Lũ trẻ chúng tôi lấp ló bên ngoài, mắt cứ dán vào những viên kẹo ngọt ngào. Xóm mới lại nghèo, trong túi chúng tôi chẳng bao giờ có nổi một đồng tiền lẻ. Bố mẹ bận tối ngày trên đồng. Ngay cả nếu mẹ tôi muốn mua thứ gì đó thì cũng chỉ trao đổi bằng thóc. Hôm qua, mẹ gạn trong chiếc hòm gỗ được 3 cân thóc để đổi cho tôi đôi dép nhựa mới, thay đôi cũ mòn gót, đứt quai.

Tôi không được chạy chơi cùng các bạn trong xóm, bởi bên sườn lúc nào cũng phải cắp thêm cái Phương - em gái tôi. Mấy đứa con trai nghịch dại, chúng rủ nhau đồng thanh trêu chọc anh Đương: “Một đồng bốn que kem, ăn xong lại thòm thèm. Ơ kìa cái anh Đương điên, cớ sao anh lại dịu hiền”. Chẳng biết ai sáng tác ra mấy câu ấy để đùa cợt với anh Đương. Anh bị điên nhưng hiền như đất, chẳng làm phiền ai. Sáng nào anh cũng đi quanh xóm Cuối. Dáng đi thong thả, khoan thai. Anh đi từ sáng tới trưa rồi lại từ trưa tới chiều. Tới bữa bà Mỵ gọi anh về ăn cơm. Có khi anh về ăn, cũng có khi anh cứ đi như không nghe thấy tiếng mẹ gọi. Miệng anh cười méo xệch, nói một vài câu vô nghĩa. Tôi cố lắng nghe, tò mò xem người điên thường nói gì mà lúc nào cũng thấy môi anh mấp máy mấy câu kiểu như: “Lá chẳng còn xanh! Ngày mới lấy cành đi mất hút”... Mấy câu đó tôi nhớ cho tới tận bây giờ, có điều nó vô nghĩa nên tôi mãi mãi không hiểu được suy nghĩ của anh, suy nghĩ của một người điên.

“Chúng mày lếu láo, tao lấy đá chọi chúng mày chết”. Nói rồi anh vơ mấy hòn gạch vỡ bên lề đường, ném xối xả vào lũ con trai. Thằng Hiếu dẫn mấy đứa nhỏ hơn chạy trốn viên gạch vỡ đang bay trên không trung rồi rơi cộc một tiếng khô khốc trên đường đất. Mấy thằng khoái chí cười khằng khặc. Anh Đương cũng nhìn chúng rồi cười theo, chẳng còn nhớ viên gạch vụn trong tay cần ném vào chúng nó nữa.

“Này, mấy thằng này con cái nhà ai? Liệu hồn rồi bà đến tận nhà bảo bố mẹ chúng mày”. Nghe tiếng bà Mỵ nói, thằng Hiếu dắt mấy thằng lủi đi mất hút vào con ngõ nhỏ. Chỉ còn râm ran vài sợi nắng vô tư nhảy múa trên đường. Bà Mỵ kéo tay anh Đương về.

- Đi về ăn cơm, mẹ nấu chín rồi.

- Không về đâu, không ăn!

Hai mẹ con giằng co nhau. Tôi bế cái Phương đứng cạnh bụi cúc tần nhìn theo với chút tò mò, một chút ngơ ngác, thương cảm dâng tràn trong lòng.

***

Một trưa tháng sáu, nắng gay gắt trên đỉnh đầu. Bố mẹ đi cấy chưa về. Cái Phương đói, khóc ngặt nghẹo. Tôi chẳng biết làm gì để dỗ nó nín. Tay tôi cứ bám chặt vào song cửa sổ quán tạp hóa của bà Mỵ. Bà Mỵ từ dưới nhà đi lên, vẫy tay bảo tôi vào.

- Sao bố mẹ cháu đi làm đồng về muộn thế? Con bé đói quá đây mà.
Bà bế em tôi lên, nhá cho nó miếng cơm rồi bẻ cho tôi miếng bỏng đường bị vỡ không bán được. Tôi ngấu nghiến ăn, thấy một vị ngọt ngào, béo ngầy ngậy tan chảy nơi đầu lưỡi.

Cũng từ ngày hôm ấy, tôi hay bế em vào ngồi bán quán cùng bà. Bà nói chuyện cứ như thể tôi là một người lớn. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ ngồi lắng nghe, lâu lâu gật đầu lấy lệ. Đôi mắt tôi chỉ chăm chăm nhìn vào những gói kẹo, túi bỏng. Trong lúc tôi đang mải đắm đuối với một ước mơ không ngừng hiện hữu trong suy nghĩ: “Ước gì quán tạp hóa này là của nhà mình”, hay “Ước gì bà Mỵ cho mình túi kẹo vừng kia”, bà Mỵ vẫn thao thao câu chuyện của bà:

- Đời bà khổ lắm cháu ạ! Một thân một mình nuôi con. Đêm đông lạnh không chiếu chăn. Mẹ con ôm nhau ngồi nhìn những lỗ hổng trên mái nhà rồi cùng khóc. Thằng Đương lớn lên, đi làm lâm nghiệp được vài bữa ổn định. Nó lấy vợ sinh con rồi tự nhiên đổ bệnh. Vợ nó cũng từ đó mà ôm con đi. Nó cũng là phụ nữ, phải lo hạnh phúc của nó chứ, sao trách được. Người ta bảo “sông có khúc, người có lúc”, thế mà bà chưa lúc nào được thảnh thơi.

Tôi nghe tiếng bà Mỵ thở dài thườn thượt.

Xóm Cuối đã quen dần với quán tạp hóa của bà Mỵ. Tiếng người gọi í ới mua hàng, thường vào lúc chiều tối, người ta đứng quanh cửa sổ: “Bà Mỵ ơi! Bán cho cháu cút dầu hỏa, mất điện nhà tối um”. Cô Hoa mua gói mì tôm, miệng liên tục kể lể: “Mì tôm trần pha với nước sôi, chan với cơm thành món canh dễ ăn lắm”.

Xóm tôi ngày ấy nghèo lắm. Tôi còn nhớ gói mì in hình bốn con tôm chỉ khi nào tôi ốm mẹ mới mua cho tôi ăn. Miệng tôi lúc ấy đắng ngắt, trách mẹ:

- Ngày thường thèm lắm mà mẹ chẳng mua. Lúc con ốm mẹ mới mua thì con lại không ăn được.

Khuôn mặt mẹ chùng xuống, giọng buồn buồn:

- Bao giờ nhà mình đỡ nghèo, bố mẹ mua cả thùng cho hai chị em tha hồ ăn.

Tôi vẫn nhớ như in câu nói ấy của mẹ. Có điều các món ăn bây giờ nhiều, người ta bỗng quên đi hương vị thèm thuồng của gói mì ăn liền ngày xưa khốn khó ấy.

***

Ngày đông cũng như ngày hè, anh Đương chỉ mặc duy nhất một chiếc áo sơ mi đã cũ và chiếc quần cộc đến đầu gối. Anh vẫn chăm chỉ đi quanh xóm, vẻ mặt không vui, không buồn. Những bước đi vô định không có đích đến. Mẹ tôi bảo không vui, không buồn là trạng thái của đức Phật. Phật đã tu nghìn kiếp để vượt qua khỏi những hỉ nộ ái ố trên trần thế nên mới có vẻ mặt bình thản thế. Mẹ nghe bà ngoại kể lại, bây giờ mẹ kể câu chuyện ấy cho tôi. Nhưng anh Đương không phải là Phật, anh ấy bị điên. Anh ấy có nét mặt rất hiền, hiền như Phật. Tôi xem phim “Tây du ký” ở nhà chú Vĩnh rồi liền đồ rằng, ở một kiếp nào đó, anh làm điều gì sai trên thiên đình nên Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới để thử thách. Nên anh mới bị điên.

Hôm nay, trên con đường ấy, chẳng một ai thấy anh Đương đi qua. Người ta thấy lạ nên ngơ ngác hỏi nhau về anh. Chợt chú Vĩnh lập cập chạy từ đầu ngõ báo với mọi người: “Bà con ơi! Thằng Đương đêm qua bị phải cảm, đưa đi viện nhưng không kịp rồi”.

Những ánh mắt đổ dồn vào chú Vĩnh, nghe chú kể chuyện bà Mỵ gọi bác Thuyên - người có chiếc xe máy Simson duy nhất trong xóm để đưa anh Đương đi. Tiếng bà gọi, lạc giọng trong đêm đen hiu hắt.
Buổi chiều, người ta đưa anh Đương về từ bệnh viện. Anh nằm trong chiếc võng lồng vào cây sào bằng tre, mắc ở hai đầu chiếc xe đạp như khiêng bà đẻ. Người lớn thì ít mà lũ trẻ con lít nhít thì nhiều. Chúng tôi vây quanh chiếc võng anh Đương nằm trong đó, đôi bàn chân thò ra, tái nhợt.

Tiếng bà Mỵ khóc đôi khi nghe thảm thiết, lúc thì lại yếu ớt và đứt quãng: “Ơi con ơi, mẹ dứt ruột đẻ ra. Mẹ thương con mà không biết làm thế nào!”.

Đám tang của anh Đương, tiếng kèn văng vẳng như than khóc. Người mang khăn tang không nhiều bởi họ hàng đã ly hương tứ tán. Vợ và con trai anh Đương ngồi bên cỗ quan tài, đội khăn trắng. Hẳn là nghe tin anh mất nên chị ấy dẫn con về, để con trai được đưa tiễn cha nó đi đoạn đường cuối cùng. Mẹ tôi nói với cô Lan: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Lúc đó tôi chỉ nghe mà không biết, sau này lớn lên tôi mới hiểu ý nghĩa của câu nói ấy.

Suốt mấy ngày đám tang anh Đương, trời mưa lâm thâm, đến hôm nay mới hửng nắng. Hai chị em tôi tha thẩn chơi bên sân nhà, mẹ cho tôi đồng tiền lẻ vì công tôi chăm chỉ lấy bèo cho lợn. Tôi nhảy chân sáo chạy ngay ra quán bà Mỵ. Quán vắng teo, trên giá để vài thứ hàng tồn chưa bán hết. Vài gói kẹo xanh đỏ nằm lạc lõng trong tủ kính. Tôi cất tiếng:

- Bà Mỵ ơi! Bán cho cháu gói kẹo vừng.

- Bà không bán được nữa. Nay bà mệt lắm!

Khuôn mặt bà méo mó, hai tay chống cằm yếu ớt, ngồi bệt trên nền nhà. Bà ngồi dưới nắng mà dường như chẳng loãng tan được nỗi đớn đau.

***

Ít lâu sau xóm Cuối xuất hiện thêm quán tạp hóa của cô Viên. Quán to và rộng, nhiều hàng hóa. Người ta kéo đến mua rất đông. Nhưng tôi vẫn dành đồng tiền lẻ mẹ cho đút trong túi, mong tới ngày bà Mỵ khỏe lại sẽ mua kẹo ở quán của bà. Nhưng chiếc cửa sổ vẫn đóng im ỉm. Bà Mỵ nằm trong chiếc giường có chiếc màn tuyn trắng phủ cả ngày lẫn đêm. Gần đây, có vợ chồng chị Hương ở xóm Sau chuyển đến sống cùng bà. Mảnh đất này bà Mỵ chẳng còn con cái để cho lại. Chị Hương là cháu họ của bà, vợ chồng chị ấy đến đây ở cùng, cũng là người thừa hưởng mảnh đất ấy.

Một ngày sang xuân, bà Mỵ theo anh Đương ra nằm lại nghĩa trang cạnh cánh đồng xóm Cuối. Tôi mon men đi theo dòng người tiễn đưa. Lòng thầm nghĩ giờ đây bà được gặp lại ông, gặp lại anh Đương rồi. Chắc bà chẳng còn buồn, chẳng đau nữa.

Tôi đưa tay vào túi quần, đồng tiền lẻ để dành vẫn nằm gọn trong túi, thầm nghĩ chẳng còn cơ hội mua kẹo ở quán tạp hóa của bà cho đắt hàng.

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thanh Nga