Hà Nội văn

Tiếng sáo mùa Xuân

Truyện ngắn của Phương Lam {Ngày xuất bản}

Tháng sau là đám cưới của Quang với Liên. Nhưng để quên Hân là điều tưởng như Quang không thể. Kỷ niệm vẫn có sức sống của riêng nó. Quang luôn nhớ về những mùa xuân bộ ba bọn họ đã bên nhau, để rồi nhớ Hân nhiều hơn.

***

Đêm ba mươi, Quang qua đón Liên sang nhà Hân để quây quần quanh nồi bánh chưng nghe người lớn nói chuyện. Bố Hân là người hay chuyện nên mọi người khi rảnh đều qua uống trà với ông, huống chi đêm ba mươi Tết khi mà mọi việc gần như đã xong xuôi, ai cũng muốn ngồi lại với nhau để nói về một năm đã qua cũng như một năm mới đang đến.

Qua ánh lửa bập bùng của nồi bánh chưng đang sôi, đôi má Hân hồng lên, ánh mắt long lanh của người thiếu nữ tuổi mười sáu khiến Quang xao xuyến. Lần đầu tiên trái tim tuổi mới lớn của Quang biết rung động những nhịp đập đầu đời. Cô bạn lém lỉnh ngày thường bỗng chốc trở nên xinh đẹp vô cùng. Liên bắt gặp ánh mắt Quang nhìn Hân, một chút ghen tị thầm kín nhen lên trong lòng.

Mùa xuân năm ấy là mùa xuân mà cả ba nhớ nhất. Những ngày đầu năm nắng đẹp, trời se lạnh đủ để những người thiếu nữ mặc áo len cổ lọ và khoác áo choàng mỏng làm duyên. Cả ba dắt nhau lên ngôi chùa cổ trên núi. Núi mùa xuân như bức tranh thủy mặc hoàn hảo đến từng nét cọ, ngôi chùa như hiện ra từ cổ tích để trong lòng những cô cậu mới lớn rộn lên một niềm mê say kỳ lạ. Ngày xuân, người làng bận rộn với những lễ hội đông vui, ít ai đến vãng cảnh chùa nên dường như nơi đây đã trở thành thế giới riêng của ba người.

Trong vườn chùa những nụ đào chúm chím, Hân và Liên như lạc vào cõi tiên, Quang đứng ngắm hai cô bạn thân mà không biết sư bà đang bước đến.

- Hai nữ thí chủ cẩn thận kẻo làm rụng hoa đào.

Hân và Liên giật mình e lệ dưới hoa, vì mải vui chạy nhảy mà chạm vào cành làm hoa đào rơi rụng. Khoảnh khắc ấy trái tim Quang như ngưng đập, và đó cũng là phút giây mà sư bà nhìn ra trong đôi mắt ba đứa trẻ hồn nhiên ẩn chứa những nỗi buồn về sau. Có tiếng sáo da diết cất lên phía sau dãy đá non bộ làm cả ba bừng tỉnh. Nhà sư trở gót vào chùa, vừa đi vừa niệm một câu gì khó hiểu. Một người con trai có đôi mắt sáng ẩn dưới hàng lông mày rậm đang ngồi trên phiến đá say sưa với những giai điệu. Anh bận bộ nâu sồng nhưng mái tóc vẫn bồng bềnh lãng tử. Ngay phút giây ấy Hân chợt cảm thấy trái tim mình nhoi nhói. Cô đứng lặng dưới hoa đào ngắm anh cho đến khi tiếng sáo đã dứt mà tâm hồn Hân vẫn còn phiêu diêu tận chốn nào. Người con trai nhận ra ba đứa trẻ đang đứng ngây ra nghe sáo, anh mỉm cười nhảy xuống khỏi phiến đá:

- Ngày xuân mà mấy bạn trẻ lại có nhã hứng lên núi à? Đến đây chơi nào!

truyen-1.jpg
Minh họa: Lê Trí Dũng

Quang và Liên nhanh chóng bắt chuyện với anh, còn Hân chỉ lặng lẽ nhìn. Hân không thấy có mối liên hệ nào giữa bộ nâu sồng anh đang mặc và mái tóc như mây trời, đôi mắt tươi vui nhưng cũng man mác như núi mùa xuân. Đôi mắt ấy thoáng dừng lại thật sâu trong đôi mắt Hân. Khoảnh khắc ấy đất trời cũng như ngưng thở, thời gian cũng như ngừng trôi.

- Hình như anh không phải người ở vùng này? Bọn em chưa gặp anh.

Câu hỏi của Quang làm tan đi khoảnh khắc ấy. Khuôn mặt Hân ửng hồng, cô vờ quay ra ngắm cảnh xung quanh để trái tim trở lại những nhịp đập bình thường. Nhưng Hân biết, trái tim cô đã lỗi nhịp mất rồi. Giọng người con trai trầm ấm:

- Đây là quê ngoại của mình. Dịp Tết này mình về thăm quê và cũng muốn lên núi vãng cảnh chùa, trò chuyện với sư bà.

Hân không nhớ người con trai ấy đã nói những gì dù anh đã kể rất nhiều câu chuyện thành phố cho Hân, Liên và Quang nghe. Cho đến khi tiếng chuông chùa vang lên họ mới chia tay nhau:

- Có duyên sẽ gặp lại, cô bé!

Đó là câu nói cuối cùng người con trai ấy nói thầm vào tai Hân khi tiễn cả ba xuống núi.

Mùa xuân ấy ba đứa trẻ đã lớn lên. Mùa xuân ấy với mỗi người đều mang màu thương nhớ.

***

Thời gian trôi đi có lúc như hối hả, có lúc như dừng lại, cảm nhận đó tùy thuộc vào tâm trạng, cảm xúc của mỗi người. Những mùa xuân sau vẫn đến và đi như quy luật vốn có, nhưng không mùa xuân nào giống mùa xuân đã qua. Bộ ba năm xưa cũng dần chia cách khi Liên chuyển hẳn lên phố huyện cùng gia đình, Hân cũng lên thành phố ở nhờ nhà người cô và theo học trường chuyên. Chỉ còn Quang ở lại.

Nhiều năm đã trôi qua, mỗi khi trời đất sắp vào xuân trong những ngày giáp Tết, Quang vẫn ngóng về con đường đầu xóm để chờ hai người bạn gái trở về. Nhưng trong những chiều tất niên Quang chỉ thấy Liên về cùng gia đình, còn Hân vì ở quá xa nên cô chỉ về quê khi những ngày đầu năm mới đã qua. Hân về cùng người cô, đi thắp hương cho ông bà, dành một hai hôm đi thăm họ hàng rồi lại vội vàng bắt xe về thành phố cho kịp những dự định bộn bề. Quang buồn khi nhớ lại những ngày ba đứa ngồi bên nồi bánh chưng đêm ba mươi. Ánh mắt, khuôn mặt Hân đêm nào vẫn im đậm trong nỗi nhớ của Quang và mùa xuân năm ấy cũng trở thành bất tử trong những tháng năm tuổi trẻ của anh.

Quang nghĩ rằng Hân đã quên chuyện cũ, khi thoáng gặp nhau trong những dịp trở về Hân chỉ dành cho Quang những phút giây ngắn ngủi để hỏi thăm đôi câu vội vàng, khách sáo. Hân đẹp, vẻ đẹp của người thôn nữ càng trở nên rực rỡ hơn trong những bộ trang phục thị thành. Chỉ Liên vẫn âm thầm lặng lẽ và đều đặn đến thăm Quang mỗi tối ba mươi, khi cô vừa từ huyện trở về. Nhưng câu chuyện của họ cũng chẳng còn hồn nhiên như xưa. Quang dẫn Liên qua nhà Hân sau 6 năm. Bố Hân vẫn hay chuyện như xưa, nhìn Liên và Quang ông thở dài:

- Chúng mày lớn rồi, cái Hân cũng đi học xa rồi nên chúng mày không qua chơi với ông bà già này nữa à? Chà! Mới ngày nào còn bé xíu. Giờ cái Hân chúi đầu lo bảo vệ luận văn, lo công việc, lại chăm sóc bà cô, không có thời gian cho bố mẹ nó nữa. Mà tụi mày không đứa nào chịu lập gia đình là sao? Lớn bằng từng ấy rồi. Cái Hân nhà này cũng vậy.

Quang mỉm cười nhìn đôi mắt xa xăm của ông, anh lặng lẽ buồn và thầm nhen lên mơ ước thuở nào. Gần giao thừa Quang lại soi đèn đưa Liên về. Đến rặng duối đầu ngõ Liên ngập ngừng:

- Bố Hân nói đúng, chúng mình lớn rồi. Quang có ý định lập gia đình với ai chưa?

- Chắc là Liên biết Quang thương nhớ Hân. Nhưng Hân giờ xa quá.

- Có những thứ ở rất gần mà ta không nhận ra...

- Quang hiểu, nhưng có lẽ là không phải lúc này Liên à!

***

Từ ngày ra phố học, Hân cố gắng tìm người con trai của mùa xuân nào. Hân bất ngờ khi cô của Hân cho hay nhà anh ở khá gần đó. Trước đây hai gia đình cùng ở quê chuyển ra thành phố. Nhưng cuộc sống vốn nhiều trái ngang. Người con trai của mùa xuân năm nào và tiếng sáo đã vĩnh viễn mất đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Mùa xuân ấy là mùa xuân cuối cùng của cuộc đời anh. Trước khi mất anh còn kịp gửi vào quỹ từ thiện số tiền anh kiếm được trong thời gian đi biểu diễn sáo cho các chương trình nghệ thuật.

Hân không khóc, nghị lực và niềm lạc quan của anh như đã lan tỏa sang cô. Hân học và cống hiến tuổi trẻ của mình như anh đã từng làm và mong muốn làm. Mỗi dịp Tết đến Hân đều đi trao quà cho người nghèo nên không thể về quê vào dịp ấy. Hân cũng không muốn Quang và Liên biết được góc khuất lòng mình.

***

Quang đến với Liên cũng như một định mệnh. Quang bị tai nạn khi đang kiểm tra một công trình xây dựng trên huyện do anh làm chủ. Liên là người đầu tiên có mặt và tiếp máu cho anh khi xét nghiệm cho thấy họ cùng nhóm máu. Giữa ranh giới sống và chết, Quang thực sự cảm động và muốn bù đắp cho Liên.

Đám cưới Quang và Liên thời tiết trở nên ấm áp sau những ngày giá lạnh. Hân trở về mừng hạnh phúc hai người bạn, giản dị và thân quen như Hân của thuở nào. Quang nhìn sâu vào mắt Hân và chợt nhận ra cô mãi mãi không thuộc về anh mà chỉ thuộc về ký ức trong veo.

Mùa xuân ấy Hân ở nhà trọn vẹn những ngày Tết. Đêm ba mươi Hân đến thăm Quang và Liên. Bên nồi bánh chưng họ ôn lại rất nhiều kỷ niệm. Liên vô tình nhắc đến người con trai trên núi và tiếng sáo năm nào.

- Từ mùa xuân đó anh ấy không còn trở lại, dù mùa xuân nào Quang cũng lên núi và gặp sư bà.

Giọng Quang xa xăm. Hai vợ chồng nhìn Hân. Nhưng họ không thể nhìn ra tâm trạng cũng như cảm xúc trên gương mặt ửng hồng của cô bạn thân năm nào.

***

Mùa xuân ấy, khi vợ chồng Quang và Liên lên núi lễ chùa, dưới cành đào năm xưa họ thấy thấp thoáng gương mặt quen lộ ra dưới vành mũ nâu, áo nâu sồng còn mới. Sư cô ngước nhìn lên, đôi mắt trong veo, phẳng lặng:

- Chào hai thí chủ, bần ni sẽ giúp hai thí chủ đốt nhang. Cảnh chùa thanh tịnh, mùa xuân tươi đẹp, hai thí chủ từ từ vãng cảnh.

- Hân! Sao lại thế này?

Giọng Liên thảng thốt.

- Bần ni quy y vì giác ngộ cửa Phật, vì những điều tâm đức mà nhận ra. Không vì chán nản hồng trần nên tự thấy lòng mình thanh thản. Sư phụ cũng nhận thấy bần ni hợp chốn cửa thiền nên đồng ý thu nạp. Mong hai người đừng bận lòng.

Một mùa xuân với nắng ấm cho hết thảy mọi người. Tiếng mõ chùa văng vẳng bình yên. Thi thoảng người ta vẫn lên núi lễ Phật vừa để tịnh tâm vừa để lắng nghe tiếng sáo thanh thoát của ni cô nhà chùa.

Truyện ngắn của Phương Lam