Hà Nội văn

An yên nơi góc bếp

Đặng Nhung {Ngày xuất bản}

Cứ mỗi lần dời nhà, đổi phố hay chuyển đến một mảnh đất mới, tôi lại ôm thêm vào lòng một chút nỗi nhớ. Ở đó chất chứa bao kỷ niệm về những điều bình dị, vài thứ thân quen ngang qua đời. Một chiếc ghế mây đứng lặng lẽ dưới mưa, một khoảng sân soi mình trong nắng, một bông hoa âm thầm nở trước hiên nhà, hay chỉ là một góc bếp liu riu đỏ lửa đợi người về.

goc-bep.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà.

Những đứa trẻ dù có lớn bao nhiêu hay đi xa tới đâu cũng sẽ luôn níu giữ trong tim miền ký ức đẹp đẽ về ngôi nhà ấu thơ, bếp và những người phụ nữ của đời chúng. Bếp, trái tim cất giữ yêu thương của mọi mái nhà. Nơi đó, người bà, người mẹ chẳng khi nào quên đỏ lửa, thắp lên ánh hồng đủ đầy mỗi ngày như cách họ cặm cụi nuôi lớn những đứa con cũng là nhen nhóm dưỡng nuôi hy vọng của đời mình.

Tôi không rõ mình thích quẩn quanh chân nội trong bếp từ tuổi nào, chỉ nhớ ngày còn nhỏ hễ được ở trong bếp vọc lửa và được ăn vụng đã là một niềm hạnh phúc. Dù ở phố nhưng nội tôi dùng bếp củi và mùn cưa. Nội xin mùn cưa ở mấy tiệm làm mộc về, buộc lại trong bao tải rồi chất thành đống. Nhiều hôm, nội cũng đi lượm những cành cây mục gãy, vương vãi quanh công viên gần nhà về phơi khô để làm củi. Hay ai đó sửa nhà, vứt đi những thanh chằng hư hỏng, nội mang về tích trữ, dùng dần nhóm bếp. Tiếng lách tách của đám củi khô bập bùng trong lửa, thứ ánh sáng hừng hực tràn năng lượng tỏa ra từ chiếc lò mùn cưa của nội cứ thế khiến tôi bỏ lại thế giới màu sắc ngoài kia chỉ để lăng xăng cùng nội bên căn bếp ấm, nhất là những ngày mưa. Bếp nội ám mùi khói, đen kịt. Khói bếp xộc vào mũi cay xè mắt. Khói bám dính vào xoong chảo, vào bờ gạch, vào mái tôn. Bám cả vào ký ức của người ta rồi mới chịu bảng lảng bay theo gió. Bếp vì thế làm sống dậy tuổi thơ tôi và của bao người.

Trong gian bếp giản đơn ngày đó, nội làm cho tôi vô vàn món ngon dậy mùi thương đượm mùi nhớ. Ở đó, nơi món khoai ngào đường mang hương vị của một thời nghèo khó mà dạt dào tình thương ngọt bùi ký ức đã ra đời. Đi qua ba mấy mùa xuân, nếm không biết bao thức quà thơm thảo, nhưng chẳng hiểu sao chỉ có nội mới nhào nặn được nắm khoai ngào đường trọn vị đủ đầy, mãi hoài vấn vương.

Bếp còn có cho mình một số phận, một câu chuyện để kể. Bếp nhà tôi cũng phủ một màu khói đen huyền bí, nhưng đứng dưới nhìn lên mái tôn có thể thấy những đốm sáng chấm li ti như vì sao lấp lánh rơi giữa ban ngày. Những ngày mưa ướt át, bếp trở nên nhèm nhẹp, lấm lem. Dẫu vậy, bếp chẳng ngơi nghỉ, gồng mình trước sức nặng của những nồi sữa má nấu như gánh hết mưu sinh của cả gia đình. Bếp rực lửa, đỏ bừng qua năm tháng như biết rằng đời nó còn cháy, đời người còn nhiều hy vọng.

Bếp cũng thay đổi theo đời sống, kinh tế hay đoạn đời của ai đó. Khi tôi lớn lên, bếp dần hiện đại hơn, tiện lợi hơn, tinh tươm hơn. Đôi khi bếp đứng đấy cùng những khoảng xanh mướt trườn vào ô cửa kính đem lại cảm giác thoáng đãng pha lẫn chút dịu nhẹ của một ngày bình yên. Có khi bếp ẩn mình sau chiếc rèm ren trắng, họa tiết xinh xắn, lất phất ngăn khoảng không giữa gian bếp và khu vực khác. Ở đó có sự hiện diện đôi tay tỉ mẩn chỉn chu của người phụ nữ biết giữ lửa cho mái ấm gia đình. Dù ở hình thái nào, tôi luôn bị mê hoặc mỗi khi ngồi ở đó, trong một gian bếp nhỏ. Có lẽ, vì bếp là linh hồn của ngôi nhà, nơi bữa cơm đong đầy, nơi thời gian lắng đọng, để tình thương trao đi và tin yêu bắt đầu.

Con người ta đôi khi tìm thấy mình qua những mùa bếp đỏ lửa, tí tách, rừng rực và liu riu cháy. Như người trẻ mang bao hoài bão đi qua những năm tháng thanh xuân sôi nổi nhiệt huyết, như người già vẫn không vội khép lại câu chuyện của đời mình khi bước vào trang cuối của hành trình làm người. Phải chăng, chừng nào nhà còn người, chừng đó bếp còn lửa để niềm vui của một ngày được chụm lại, cho tiếng cười dừng chân và an yên trở về?

Đặng Nhung