Hà Nội văn

Giữ mạch truyền thống hiếu học đất kinh kỳ

Nam Phong {Ngày xuất bản}

Hiếu học là truyền thống đẹp của dân tộc Việt Nam. Thăng Long - Hà Nội là vùng đất nổi tiếng với truyền thống này, minh chứng là nơi kinh kỳ đã từng có những “làng khoa bảng”, “làng tiến sĩ”. Qua thời gian, sự học trên những vùng đất danh hương ấy không bị mất đi mà vẫn được thế hệ trẻ ngày nay tiếp nối.

Những vùng đất khoa bảng

Trong cuốn sách “Các làng khoa bảng Thăng Long Hà Nội”, qua sự tìm tòi, khảo cứu, các tác giả Bùi Xuân Đính và Nguyễn Viết Chức (đồng chủ biên) đã đúc rút rằng, xuyên suốt gần 10 thế kỷ, các triều đại phong kiến Việt Nam hết sức coi trọng việc giáo dục, khoa cử và lấy đó làm cơ sở chủ yếu để chọn nhân tài.

Thăng Long - Hà Nội là trung tâm thi cử của cả nước, là nơi nuôi dưỡng, trau dồi tài năng của biết bao bậc hiền triết. Chẳng thế mà trong số hàng chục làng khoa bảng nổi danh trên cả nước thì Thăng Long đã góp mặt với những cái tên như Đông Ngạc, Tả Thanh Oai, Hạ Yên Quyết, Nguyệt Áng, Phú Thị...

Văn Miếu Sơn Tây là một trong những biểu tượng cho sự trân trọng công tác giáo dục, coi trọng đào tạo hiền tài.
Văn Miếu Sơn Tây là một trong những biểu tượng cho sự trân trọng công tác giáo dục, coi trọng đào tạo hiền tài.

Hà Nội đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, nhiều giá trị xưa cũ đang dần mất đi, nhưng may mắn thay nhiều nét đẹp sâu lắng như tinh thần hiếu học vẫn còn được duy trì và phát triển.

Tìm đến phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) thời điểm này không khó để tìm được dấu xưa qua những nếp nhà cổ. Dù làng đã lên phường nhưng những mái ngói, những viên gạch ở Đông Ngạc vẫn hằn in câu chuyện về một vùng đất hiếu học. Công trình nổi tiếng nhất ở Đông Ngạc có lẽ là đình Vẽ.

Men theo bức bích họa tả cảnh vinh quy bái tổ, giãi bày niềm hân hoan của những nho sinh sau chuỗi ngày đèn sách để rồi “cá chép vượt vũ môn”, trở thành đấng lương tài cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước, tôi đến được đình Vẽ. Đình được xây dựng từ cách đây hơn 400 năm, với quy mô to lớn cùng nhiều hạng mục kiến trúc cổ kính.

Đình còn là nơi thờ ba vị thần tượng trưng cho “thiên, địa, nhân” và thờ Tiến sĩ Phạm Quang Dung, người có công trùng tu đình năm 1718, và ngài Phạm Thọ Lý - người cung tiến đất làm đình lần đầu vào năm 1635. Hiện trong đình còn lưu giữ bộ tranh sơn mài thời Lê và những tấm bia ghi lại quá trình thủy tạo xây dựng đình và những lần trùng tu lớn.

Điểm đáng quý ở đình Vẽ, ngoài việc đến nay đình còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo, các đạo sắc phong... thì nơi đây còn có Văn Chỉ thờ Khổng Tử và nhà đọc sách. Dĩ nhiên, những di sản trân quý của làng đều được mở ra mỗi khi học sinh muốn ghé thăm vào những ngày lễ, tết và những dịp thi cử trong năm. Văn Từ, Văn Chỉ là nơi thờ Khổng Tử, các bậc tiên hiền và các nhà khoa bảng vinh hiển của địa phương tại các tổng, huyện, làng, xã. Bởi vậy, Văn Từ, Văn Chỉ thường được xây dựng tại các vùng đất cổ, có truyền thống khoa bảng, chứ không nằm ở trung tâm tỉnh lỵ.

Trong hệ thống thờ tự các bậc tiên hiền, trung tâm nhất vẫn là Văn Miếu. Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối (Tăng Tử, Mạnh Tử, Nhan Tử, Tử Tư), Thập triết, Thất thập nhị hiền và các Tiên Nho người Việt ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, trấn.

Ở những nơi thờ tự trung tâm, ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám đặt ở kinh kỳ thì còn có một Văn Miếu khác nằm ở xứ Đoài. Nhắc chuyện này, ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, Sơn Tây xưa còn có tên nôm là Kẻ Mía. Qua thời gian, Sơn Tây vẫn lưu giữ và bảo tồn được 244 di tích lịch sử, trong đó nhiều di tích nổi tiếng được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có một di tích biểu trưng cho sự học, cho truyền thống khoa bảng, đó là Văn Miếu Sơn Tây.

Theo ông Trần Anh Tuấn, cả nước hiện chỉ có 11 Văn Miếu nhưng riêng Hà Nội có hai Văn Miếu. Đây là điều rất quý, cho thấy sự trân trọng đạo học của cha ông. Văn Miếu Sơn Tây hiện còn lưu giữ 288 văn bia tiến sĩ và các bậc hiền triết của không chỉ riêng xứ Đoài mà còn ở nhiều vùng khác như Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên...

Bà Kiều Thị Thôn (78 tuổi, xã Đường Lâm) chia sẻ, xưa những vị chức sắc khi có việc ghé qua Văn Miếu thì đều phải xuống ngựa, ra khu giếng nước rửa tay chân sạch sẽ rồi mới được vào thắp hương tưởng nhớ các vị thánh hiền. Ngày nay, như một thông lệ bất thành văn, mỗi dịp thi cử là học trò trong vùng đều về Văn Miếu để “xin lộc” may mắn trong thi cử.

Mạch nguồn chảy mãi

Trong một dịp trò chuyện về công tác giáo dục, vun bồi giá trị người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhấn mạnh: Văn hóa là con người, phát triển văn hóa là phát triển con người, phát triển con người là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Và con người phát triển phải bao gồm những yếu tố “Đức - Trí - Thể - Mỹ”.

khai-but-dau-xuan.jpg
Tục khai bút tại Văn Miếu Sơn Tây dịp đầu xuân là một trong những biểu tượng đẹp của tinh thần hiếu học.

Có đi và tìm hiểu mới thấy, những giá trị mà các làng khoa bảng để lại là hết sức giá trị. Tri thức và tinh thần học tập ở mỗi vùng quê, mỗi dòng họ âm thầm như những mạch nguồn, để rồi tất thảy những giá trị đó hòa thành một dòng chảy lớn, làm nên những vùng đất danh hương, là tiền đề gây dựng một xã hội học tập.

Đáng mừng hơn, qua thời gian, hiện truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ cao nơi các làng khoa bảng vẫn được gìn giữ và phát triển đến tận ngày nay. Ông Lê Văn Châu, một cao niên làng Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, các dòng họ trong làng đều có người đỗ tiến sĩ, ít nhất là một người. Ngoài ra, công tác khuyến học, khen thưởng học sinh có thành tích cao trong học tập cũng được các dòng họ chú trọng.

Công tác khuyến học ở dòng họ Phan - dòng họ có vị Tiến sĩ khai khoa đầu tiên cho Đông Ngạc là cụ Phan Phu Tiên, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tý (năm 1396) dưới triều vua Trần Thuận Tông là ví dụ.

Ông Phan Quốc Bảo, đại diện dòng họ Phan làng Đông Ngạc chia sẻ, trong dòng họ, công tác khuyến học được đặc biệt coi trọng. Trong một năm, dòng họ có nhiều buổi gặp mặt để tôn bồi những giá trị văn hóa, nắm bắt tình hình học tập của thế hệ măng non. Dòng họ cũng có một quỹ tự nguyện do các thành viên họ tộc đóng góp nhằm mục đích khen thưởng, động viên các thế hệ kế cận có thành tích học tập tốt, giúp thế hệ đi sau kế thừa những giá trị mà thế hệ đi trước để lại.

Sự hiếu học và tinh thần khuyến tài không bị giới hạn tại các làng khoa bảng, mà lan tỏa như làn gió xuân tươi mát. Ông Khuất Quang Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây cho biết, Sơn Tây là vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống, bởi vậy thị xã luôn tích cực đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài.

Cho đến nay, tại Văn Miếu Sơn Tây, vào dịp đầu xuân, thị xã luôn duy trì tục khai bút. Đây là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa linh thiêng, là biểu tượng cho tinh thần hiếu học. Những nét bút đầu tiên của năm mới cũng là sự tượng trưng cho khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới, và hơn hết là để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, giáo dục lòng yêu nước, đạo làm người, khơi dậy niềm đam mê học tập, tìm tòi, sáng tạo.

Hà Nội là nơi duy nhất trong cả nước có Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (Nghị quyết số 23-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa XVII do Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ký ngày 16-11-2023). Thủ đô Hà Nội cũng đã và đang phấn đấu trở thành Thành phố được công nhận danh hiệu “Thành phố học tập” của UNESCO.

Nam Phong