Hà Nội văn

Một mai ở chốn thong dong

Phạm Giai Quỳnh {Ngày xuất bản}

Những ngày này, tôi phải về núi luôn. Đường vắng tanh không một bóng người, cơn mưa đêm qua đã gột sạch không khí, từ xa phóng tầm mắt sang ngọn đồi đối diện, dễ trông được các thân nứa vươn cao quấn vào với nhau, nom như dây leo vấn vít.

Lác đác giữa ngàn xanh là hoa xuân đua nở, lấy sắc trắng và vàng nhạt làm đầu, tuy không sặc sỡ nhưng vẫn góp vào tiếng xuân một nốt nhạc riêng. Lại ngoảnh mà trông, triền lau trắng như bông, có thể sánh rằng ấy là mây trên mặt đất. Trời đất sạch tinh không gợn vẩn, thì dẫu có nổi cơn gió trở cũng không khiến lòng người hãi sợ.

So với thế gian hư ảo thì cơn giá buốt đang ập đến đây lại vô cùng chân thực, như thể đánh thức người từ cơn mộng, tôi nheo mắt, xoa tay cho bớt lạnh, sực mượn nhịp của tiên sinh Tản Đà, vụng làm mấy câu: “Nào những ai, bôn ba chìm nổi, đêm trường lệ tuôn, một giấc phồn hoa vùi gió sương”. Nếu tiên sinh có hay, cũng xin thể tất cho kẻ hậu sinh này.

mh-1.jpg
Minh họa: Công Quốc Hà

Còn nhớ ngày giữa cơn rét ngọt, trước khi năm cũ trôi qua, tiên sinh Châu Hải Đường mở một bình rượu cao lương, rượu nặng, có hương từa tựa sung chín, khi vào người đã sực lên hơi ấm, hương thơm quẩn mãi giữa môi và răng mãi chẳng tan đi. Chuếnh choáng. Bồn cúc đại đóa màu đồng đương nở, nom cứng cáp lạ thường. Bỗng bần thần cả người. Hết một cuộc chuyện, rượu đi ba chén, đã chẳng biết phải nói gì với nhau. Mới hay đời người thì dài, kinh qua muôn nghìn biến thiên song chẳng mấy việc đáng để nhắc lại. Cũng hay đời người ngắn ngủi, đôi lúc tỉnh ra lại chẳng hay rốt cuộc bản thân đang truy cầu điều gì, buồn thay.

Tôi là người háo thắng trời sinh, thời niên thiếu vẫn luôn vươn tay về những ảo vọng của thế gian, nhiều đêm tự vấn sự bất đắc chí của bản thân, nhìn sâu vào bên trong nội tâm đôi khi sản sinh ra dục vọng và đố kỵ, bới móc hết toàn bộ ruột gan để rồi gột sạch dần dần, đó là một quá trình đau đớn mà phức tạp, không thể nào nói hết trong một đôi lời. Sáng tác nằm trong quá trình đó, trước mỗi một tác phẩm đều là một hố sâu không đáy, tôi và nó quan sát nhau, dõi theo nhau. Gần hai mươi năm trước, khi đọc mấy câu thơ của Tào Tuyết Cần: “Xem ra chữ chữ đều là máu, gian khổ mười năm khéo lạ lùng”, hay đôi câu: “Mười năm dời đổi tìm kiếm cổ, một đời cúi đầu bái hoa mai” của Cao Chu Thần, mới chỉ nắm được ý trên bề mặt của nó, mãi sau này mới thấm thía.

Về nhà đã non mươi hôm. Sớm ngày rằm, tôi thức dậy đi chợ, mua rau củ lẫn một con gà sống ta nhơ nhỡ, phải lựa con không quá già, nhờ hàng gà vặt sẵn lông, khi về chỉ cần bóc móng, rửa lại và nhổ hết số lông tơ còn sót. Ghé hàng hoa lựa chục bông cúc trắng để cắm trên ban thờ... Xưa một mình bà tôi lo liệu cỗ cúng, bây giờ tới tay, mới thấy nhiều việc không tên. Lục tục nấu nướng từ bảy giờ sáng đến chín giờ mới xong. Một con gà luộc vàng ươm, một đĩa xào chay, một bát canh sườn nấu khoai tây và cà rốt, một đĩa muối trắng... Sắp mâm bát để cúng gia tiên. Thời gian như ngừng lại. Hương nhang quẩn trong không khí, chợt thấy yên bình lạ. Dõi mắt nom bước chân ông ngoại ngày một chậm hơn, có một số quy luật mà ta hiểu được song một khi đối diện thì vẫn thấy không cam lòng.

Nguyên Tiêu qua đã nhiều hôm, trời đất lại một phen giá lạnh, nghìn non khói tỏa sương mờ, mịt mùng như hỗn độn. Bấy giờ mới thấy lẫn giữa bụi xanh kia là một vạt tre đã chết, khiến tôi vô thức nhớ về một nhánh hoa tre mình thấy năm ngoái, dân gian đồn tre ra hoa là điềm gở, cũng có lời đồn rằng đấy là hiện tượng trăm năm khó gặp. Tôi không tin vào điềm gở, song lại tin vào nhân quả báo ứng. Nếu đã chẳng thể vũ hóa nhập hư, hóa thành đại đạo thì cũng nguyện làm kẻ luân lạc trong cát bụi, dùng bầu rượu đục để lại cái tiếng thiên cổ, sau đó nếm hết muôn cảnh chúng sinh, vậy mới không uổng kiếp này.

Thân ta như cây cỏ, lấy mình chưng với tuế nguyệt đun thành một ấm trà, vậy có thể thức suốt canh trường mà chẳng nề hà bãi bể nương dâu.

Phạm Giai Quỳnh