Xưa và nay

Chuyện ít biết về công viên, vườn hoa Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến {Ngày xuất bản}

Hà Nội hiện có 63 công viên và vườn hoa nằm rải rác ở các quận, huyện, thị xã với tổng diện tích 300ha, chiếm 2% diện tích đất toàn thành phố.

Công viên, vườn hoa không chỉ là chỗ nghỉ ngơi mà còn là nơi rèn luyện sức khỏe của mọi lứa tuổi. Dù quen thuộc song có nhiều chuyện ở công viên, vườn hoa mà ít người biết.

cong-vien.jpg
Một góc công viên Bách Thảo. Ảnh: Linh Tâm

Từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1954, Hà Nội có duy nhất công viên là Bách Thảo (Jardin Botanique), còn lại có 16 vườn hoa. Cũng giống như cách đặt tên phố, người Pháp đã cài đặt yếu tố chính trị khi đặt tên công viên và cả những vườn hoa chỉ rộng chừng 100m2.

Trừ công viên Bách Thảo, 16 vườn hoa đều mang tên người Pháp, những người ít nhiều liên quan đến xứ Đông Dương xưa. Ở các vườn hoa đông người đến chơi vào ngày cuối tuần hay dịp lễ tết, họ còn dựng tượng, đài tưởng niệm tôn vinh quan chức thực dân.

Vườn hoa Lý Thái Tổ ban đầu mang tên Paul Bert. Ông là công sứ và bị chết vì kiết lỵ vào cuối năm 1886. Năm 1888, chính quyền lấy tên ông đặt tên cho vườn hoa, đến năm 1890 thì dựng tượng. Joost Van Vollenhoven tạm quyền chức Toàn quyền Đông Dương (từ ngày 4-1-1914 đến 5-3-1915), năm 1925 được chính quyền Pháp dựng đài tượng niệm ở công viên Bách Thảo.

Tại đường Bờ Sông (Trần Nhật Duật ngày nay), họ dựng đài tưởng niệm Jean Dupuis, tay thực dân lái súng cũng là nhà thám hiểm. Ở vườn hoa Chi Lăng (nay là vườn hoa Lê Nin), họ dựng tượng đài “chiến sĩ trận vong” tôn vinh những người hy sinh vì nước Pháp.

Tại vườn hoa Laurent Chavassieux (nay là vườn hoa Diên Hồng) thì dựng đài tưởng niệm Laurent Chavassieux, ông này tạm quyền chức Toàn quyền Đông Dương từ ngày 10-3-1894 đến 26-10-1894...

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Tháng 4-1945, chính phủ mới được thành lập do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng. Ngày 20-7-1945, Nhật giao lại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng cho người Việt quản lý hành chính và bác sĩ Trần Văn Lai được mời làm Thị trưởng Hà Nội.

Một trong những việc làm đầu tiên của ông là đổi tên phố và vườn hoa. Ông bỏ tên người Pháp, thay bằng tên những địa danh lịch sử như Lam Sơn, Chi Lăng, Tây Sơn, Bãi Sậy, Yên Thế, Ba Đình... Và, lần đầu tiên trong lịch sử, Thị trưởng Trần Văn Lai lấy tên một phi tần được vua Trần Duệ Tông sủng ái là Bích Lưu đặt tên cho vườn hoa góc phố Bông Nhuộm - Hai Bà Trưng.

Ngày 1-8-1945, đích thân ông ra lệnh và chứng kiến việc hạ nhiều tượng ở các vườn hoa nhưng giữ lại vườn hoa mang tên nhà vi trùng học nổi tiếng là bác sĩ Pasteur.

Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bác sĩ Trần Duy Hưng được mời làm Thị trưởng Hà Nội. Ngày 1-12-1945, ông đã duyệt y danh sách đổi tên phố và vườn hoa Hà Nội. Ông hoán đổi và giữ lại một số tên vườn hoa do ông Trần Văn Lai đặt, đồng thời thêm tên mới.

Năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại làm Thủ tướng quốc gia Việt Nam, Hà Nội lại đổi tên phố, vườn hoa. Một số phố lại mang tên người Pháp đặt trước năm 1945, còn tên công viên, vườn hoa cơ bản giữ nguyên như thời ông Trần Duy Hưng. Ngày 28-2-1951, Thị trưởng Hà Nội Thẩm Hoàng Tín ban hành nghị định đổi tên phố nhưng không đổi tên công viên, vườn hoa.

Sau 1954, thành phố Hà Nội chủ trương xây dựng thêm công viên cho nhân dân vui chơi giải trí. Thời kỳ đó quy định, công dân từ 18 tuổi trở lên mỗi năm phải đóng góp 15 ngày lao động công ích để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì thế, công viên Thống Nhất có sự đóng góp của hàng vạn ngày công của cán bộ, công nhân và nhân dân Thủ đô.

Sau đó, công viên Thủ Lệ được xây dựng trong những năm 1970 cũng theo cách như vậy. Các công viên, vườn hoa hình thành sau thời kỳ đổi mới không áp dụng cách đó nữa.

Cách đây mấy năm, trên một trang web có bài viết về đài tưởng niệm ở vườn hoa Diên Hồng. Tác giả cho rằng, khối đá trên nóc đài tưởng niệm chính là cái tiểu đựng hài cốt của Laurent Chavassieux. Lập tức bài viết được nhiều trang mạng lấy lại, giật tít câu vew kiểu “Hà Nội thờ hài cốt thực dân”.

Thực ra cuối thế kỷ XIX, ở gần hồ Trúc Bạch có nghĩa địa chôn cất những người Pháp chết tại miền Bắc (sau nghĩa địa này được chuyển xuống vị trí khu tập thể Nguyễn Công Trứ). Khi Chavassieux chết, ông cũng được chôn ở đây như những người Pháp khác.

Chavassieux là người theo đạo Công giáo, trong Giáo luật khi đó, người chết sẽ được “đào sâu chôn chặt” (kim tĩnh), nên không có chuyện chính quyền cho bốc mộ rồi bỏ xương cốt vào tiểu đặt trên đó. Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội như Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Văn Uẩn, Nguyễn Vinh Phúc... đã lục tung kho tư liệu Hà Nội bằng tiếng Pháp. Nếu chuyện đó là thật, họ đã có ý kiến từ lâu. Có thể tác giả đã nhầm lẫn khi dịch tài liệu.

Ngày nay, việc đặt tên công viên, vườn hoa thường theo tên xã, phường, hay quận. Ở một khía cạnh nào đó, cách đặt tên theo quan niệm của ông Trần Văn Lai, Trần Duy Hưng vừa có ý nghĩa lại vừa có tính giáo dục.

Nguyễn Ngọc Tiến